Ý tưởng sản xuất những sản phẩm từ củ ấu tươi tách vỏ với mong muốn góp phần phát triển du lịch quê hương Đồng Tháp đã giúp Đồng Lê Tiểu My (sinh viên năm 2 ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Văn Hiến) đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – VHU Startup idea contest 2021” do chính trường này tổ chức.
Sinh viên Đồng Lê Tiểu My với sản phẩm khởi nghiệp đầu tay
Hiện dự án đã có hai sản phẩm được sản xuất hoàn thiện và bán trên thị trường tại tỉnh Đồng Tháp. Sau Tết Nguyên đán 2022, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn và bản thân được trở lại trường học, Tiểu My sẽ nỗ lực xoay vốn để mở rộng thị trường sản phẩm tại TP.HCM.
Tìm đầu ra giúp nông dân
Củ ấu là sản phẩm bình dân nhưng giàu giá trị dinh dưỡng, thậm chí được ví như nhân sâm của người miền Tây, trồng nhiều ở tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, trên thực tế, người nông dân còn gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho loại sản phẩm dân dã này. Trong khi đó, có rất nhiều cách chế biến củ ấu để tạo ra những món khác lạ nhau. Nhìn thấy được tiềm năng trên, cùng với mong muốn đưa củ ấu trở thành đặc sản của địa phương, nhất là trong phát triển du lịch Đồng Tháp, Tiểu My đã bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp này. Tuy là sản phẩm khởi nghiệp đầu tay nhưng được Tiểu My đầu tư đầy tâm huyết. Theo Tiểu My, củ ấu sau khi được tách vỏ sẽ chế biến được nhiều món ăn khác nhau như: Nấu canh, nấu súp, chiên giòn, nấu cà ri… Bên cạnh bổ sung dưỡng chất, sản phẩm từ củ ấu còn có khả năng chống oxy hóa; cung cấp thêm vitamin B, C; ngăn ngừa ung thư; chữa bệnh dạ dày, ngăn ngừa bệnh trĩ… Đối với người lớn, củ ấu sử dụng thay cho tinh bột, giúp giảm cân; điều trị bệnh vàng da; ngăn ngừa lão hóa da. Đối với trẻ em, dùng sữa ấu để bổ sung dinh dưỡng; hỗ trợ suy dinh dưỡng; món ăn vặt lạ miệng. Đối với người lớn tuổi, củ ấu giúp giảm đau khớp; chống oxy hóa; hỗ trị điều trị bệnh trĩ.
Sản phẩm bột ấu Lấp Vò được đóng hộp tiện lợi
Với các sản phẩm chủ chốt là ấu tách vỏ, bột ấu, khách hàng tiềm năng mà dự án hướng tới là những nhà nội trợ; người có nhu cầu nâng cao sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng. Không chỉ nhằm đa dạng bữa ăn gia đình, ý tưởng sản xuất củ ấu tươi tách vỏ còn hướng tới mục đích tận dụng và nâng cao giá trị nông sản địa phương tại tỉnh Đồng Tháp. Từ đó, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm; tạo việc làm cho lao động nông thôn, hạn chế thất nghiệp; giúp người dân có thu nhập khá hơn, cải thiện cuộc sống. Để đưa ra thị trường, Tiểu My đã có những sản phẩm phụ chế biến từ củ ấu tươi tách vỏ như: Ấu chiên giòn, ấu hấp nước dừa, bột ấu…, thông qua đó tạo được sự đa dạng cho sản phẩm và thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tạo nên đặc sản cho tỉnh nhà
Cũng như nhiều sinh viên khác khởi nghiệp trong mùa dịch, quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ củ ấu của Tiểu My có bị trì hoãn. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thời tiết làm cho củ ấu không đạt chất lượng, sự cạnh tranh của nhiều đối thủ khi tung ra các sản phẩm tương tự, chi phí nguyên liệu không ổn định… là một số khó khăn mà Tiểu My gặp phải. Chưa kể, việc tách vỏ ấu dễ bị bể, không được nguyên vẹn; nhân công tay nghề còn yếu khiến cho năng suất sản phẩm không cao. Điều này buộc Tiểu My phải tìm kiếm những người có tay nghề cao để đào tạo nhân viên, sau đó mới đạt được năng suất như mong đợi.
Vì chưa gọi được vốn cho dự án, cô sinh viên năm 2 đã nhờ gia đình hỗ trợ ban đầu 400 triệu đồng để bắt tay thực hiện dự án, số tiền này được em chi trả tiền nguyên liệu, máy móc, nhân công. Hiện dự án đã có 7 nhân sự tham gia. Hai sản phẩm hoàn thiện được bán trên thị trường là củ ấu tươi tách vỏ và bột ấu Lấp Vò, cung cấp tại một số nơi thuộc tỉnh Đồng Tháp như: Sở Công thương, nhiều cửa hàng thuộc huyện Lấp Vò. Trong đó, sản lượng ấu tách vỏ bán được đến nay là hơn 3 tấn với giá 60 ngàn đồng/1kg. Sản phẩm cũng nhận được một số tín hiệu phản hồi tích cực từ khách hàng.
Ngoài giải nhất cho ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ củ ấu tươi tách vỏ, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp – VHU Startup idea contest 2021” trao giải nhì cho ý tưởng “Thiết bị bẫy sâu rầy năng lượng mặt trời” của Tô Thị Tường Vy (sinh viên khoa ngoại ngữ Trường ĐH Văn Hiến). Dự án được thực hiện trong bối cảnh một bộ phận người nông dân Việt Nam đang dần chuyển từ canh tác truyền thống sang trồng rau hữu cơ trước thực trạng biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc trồng rau hữu cơ lại có hiệu quả thấp do không tránh được tình trạng các loại sâu, rầy gây hại. Dự án cung cấp giải pháp khắc phục tình trạng này… |
Thời gian tới, bên cạnh việc nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, Tiểu My cũng tìm nhiều hướng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; kết nối với các doanh nghiệp để cung cấp nhiều sản phẩm liên quan khác. Cụ thể, sau Tết Nguyên đán 2022, Tiểu My dự định vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng quy mô sản phẩm ra thị trường TP.HCM. Mơ ước của cô sinh viên này không chỉ là dự án khởi nghiệp thành công mà xa hơn, em còn mong muốn đưa củ ấu trở thành đặc sản nổi bật của tỉnh Đồng Tháp; góp phần phát triển du lịch ẩm thực tỉnh nhà.
Thục Trân
Bình luận (0)