Ban lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình làm việc với điểm giữ trẻ Sơn Ca và đình chỉ hoạt động cơ sở này. Ảnh: P.V |
Vừa qua, liên tiếp các vụ bạo hành trẻ mầm non (MN) xảy ra tại một số địa phương trên cả nước. Dư luận bức xúc vì lứa tuổi các em bị bạo hành còn rất nhỏ. Còn đang ở độ tuổi chăm sóc là chủ yếu mà người bạo hành lại chính là những “người mẹ thứ hai” của các em. Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục MN, Bộ GD-ĐT – đã có chia sẻ với Giáo dục TP.HCM về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ MN (ở Lạng Sơn, Quảng Bình…), Bộ GD-ĐT đã nhận được thông tin về những sự việc này và hướng chỉ đạo xử lý của bộ như thế nào?
Ngay sau khi nhận được thông tin qua báo chí, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở GD-ĐT Lạng Sơn, Quảng Bình báo cáo cụ thể về sự việc. Đến nay, chúng tôi đã có các thông tin đầy đủ và chính xác về sự việc cũng như cách xử lý của các sở GD-ĐT Lạng Sơn và Quảng Bình về vấn đề này.
Đối với trường hợp ở Lạng Sơn, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường MN Xuân Mai, cá nhân hai cô giáo đã đến thăm và xin lỗi gia đình cháu Hà Tuấn Hiệp; Phòng GD-ĐT huyện Văn Quan đã trực tiếp gặp mẹ cháu bé để xin lỗi và chia sẻ với gia đình. Đồng thời, tạm đình chỉ công tác đối với hai cô giáo để kiểm điểm, làm rõ sự việc.
Trường hợp ở Quảng Bình, đây là cơ sở giáo dục MN tư thục hoạt động mà chưa được cấp phép. Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT TP.Đồng Hới đình chỉ hoạt động của cơ sở này và đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với chủ cơ sở và các GV vi phạm. Giám đốc sở cũng yêu cầu Phòng GD-ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chỉ đạo và kịp thời báo cáo, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo đối với các trường, nhóm, lớp tư thục trên địa bàn.
Qua sự việc trên, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Tôi thực sự bức xúc, sốc và lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra. Đối với trường hợp Lạng Sơn, các cô giáo MN đã thiếu bình tĩnh, thiếu kỹ năng và sai lầm về phương pháp xử lý tình huống thường gặp trong chăm sóc giáo dục trẻ MN, nhất là trẻ độ tuổi nhà trẻ. Thông thường, vào đầu năm học, các cháu mới đến lớp, chưa quen môi trường mới của trường lớp, thường hay quấy khóc, đòi bố mẹ, đòi về nhà… Thay vì cần phải gần gũi, chăm sóc và dỗ dành, để giúp các cháu làm quen dần với môi trường, cô giáo lại xử phạt cháu, làm cho cháu bé sợ hãi, dễ gây tổn thương về mặt tâm lý, hơn nữa không đảm bảo an toàn khi trẻ ở bên ngoài một mình. Việc làm của các cô giáo rất đáng trách.
Đặc biệt, ba cô giáo ở Quảng Bình đã có những hành động thô bạo đối với trẻ, phản giáo dục, không thể chấp nhận được.
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cô giáo MN dễ bạo hành trẻ? Những GV bạo hành trẻ sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
Một số GV MN bạo hành trẻ, theo tôi có thể có 3 nguyên nhân cơ bản:
Thứ nhất GV thiếu kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm chăm sóc, GD trẻ. Thứ hai, một số GV chưa thực sự yêu thương trẻ. Thứ ba, đối tượng chăm sóc giáo dục của các GVMN là trẻ nhỏ, rất dễ bị tổn thương; khối lượng công việc của GVMN lớn và chịu nhiều áp lực trong khi các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ chưa đáp ứng yêu cầu.
Đối với những trường hợp bạo hành trẻ, pháp luật đã có những quy định xử phạt cụ thể. Đặc biệt, trong môi trường GD, hành vi này càng cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn chặn các trường hợp tương tự có thể xảy ra để đảm bảo một môi trường an toàn cho trẻ khi tới trường.
Bộ GD-ĐT có động thái gì để cảnh báo cũng như giải quyết vấn đề này?
Đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ trong các cơ sở giáo dục MN là công việc được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục MN từng bước được hoàn thiện. Gần đây bộ đã điều chỉnh và ban hành một số văn bản quan trọng, như: Điều chỉnh bổ sung điều lệ trường MN, quy chế tổ chức và hoạt động trường MN tư thục, thông tư quy định xây dựng trường học an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục MN… Mặt khác, trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ MN luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra đối với cơ sở giáo dục MN.
Bộ GD-ĐT thường xuyên chỉ đạo các địa phương, kiểm tra thực tế để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở giáo dục MN; kịp thời phát hiện những sai phạm trong quản lý việc chăm sóc và giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục MN, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, GVMN, về kỹ năng chăm sóc, GV trẻ, đảm bảo an toàn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cũng được bộ quan tâm chỉ đạo.
Việc giáo dục và chấp hành các quy định đạo đức nhà giáo đối với GVMN được chú trọng ngay từ trong các trường đào tạo và luôn được đề cao tại các cơ sở GVMN.
Sự việc xảy ra tại Quảng Bình vừa qua là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý chỉ đạo, để cơ sở giáo dục MN hoạt động không đúng quy định mà không kiên quyết đình chỉ.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục MN tư thục, có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ các cơ sở hoàn thiện điều kiện, thủ tục để được cấp phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Xin cảm ơn ông.
Nghiêm Huê (thực hiện)
Bình luận (0)