Giúp học sinh tự tin trong quá trình xây dựng bài là một phương pháp quan trọng đối với giáo viên. Bởi vậy, khi học sinh xung phong phát biểu, dù các em trả lời thế nào đi nữa thì người thầy cần nói lời cảm ơn trước tinh thần xây dựng bài ấy. Nếu các em trả lời sai, người thầy phải tinh tế và linh hoạt trong cách ứng xử để gợi cho học sinh sự tự tin phát biểu lần sau, chẳng hạn như: “Các em cứ trả lời như những gì mình nghĩ. Đúng càng tốt, sai cũng không sao. Từ cái sai thầy trò tìm tới cái đúng bằng mọi cách”. Như vậy, người thầy đã tạo động lực để học sinh xây dựng bài, hứng thú và tự tin khi phát biểu, tạo sự thân thiện trong môi trường giáo dục.
Xin kể vài câu chuyện dạy học sinh về sự tự tin ở hai trường tư thục mà tôi đang dạy (các trường tư thục thường học sớm hơn trường công).
Câu chuyện thứ nhất ở trường N: Buổi học đầu tiên ở lớp 10, tôi không dạy về chuyên môn (do học sinh lớp 10 mới bước vào môi trường mới nên còn bỡ ngỡ) mà dạy các em về kỹ năng sống, ơn nghĩa sinh thành, tình yêu thương, về sự tự tin… Đến buổi thứ hai, tôi bắt đầu ôn tập kiến thức lớp dưới. Trong khi ôn tập, tôi dừng lại hỏi: “Chưa biết câu hỏi là gì, em nào tự tin trả lời nào?”. Tôi thật bất ngờ khi ba cánh tay giơ lên (những lớp trước đây, phải học tôi khá nhiều buổi thì các em mới dám phát biểu với câu hỏi như thế). Và trong giờ học hôm ấy, tôi càng gieo cho các em sự tự tin.
Câu chuyện thứ hai ở trường A: Gần hết tiết học, sau khi hệ thống lại kiến thức tôi đặt câu hỏi cụ thể cho học sinh. Chờ những cánh tay giơ lên nhưng chẳng thấy, đến lúc trống tan trường vang lên, một học sinh rụt rè xung phong phát biểu. Tôi vẫn nán lại để em trả lời. Khi em trả lời xong, tôi hỏi: “Sao lúc nãy em không xung phong mà đợi trống tan trường vang lên mới xung phong?”. Em thành thật trả lời: “Tại giọng nói của em khó nghe nên em sợ các bạn cười”. Đúng là khó nghe thật bởi em ở miền Trung mới vào và hôm ấy lại là buổi học đầu tiên của em. Tôi liền động viên: “Không sao đâu em. Mỗi vùng miền có giọng phát âm khác nhau, thầy luôn trân trọng điều đó. Trước đây thầy cũng như em, thầy vẫn tự tin nói mặc dù giọng quê thầy Nghệ An rất nặng nhưng dần dần tiếp xúc nhiều, thầy phát âm dễ nghe hơn. Em cứ mạnh dạn lên nhé”.
Mấy ngày sau, rất nhiều học sinh xung phong phát biểu sau khi tôi đặt ra khá nhiều câu hỏi, trong đó có em học sinh miền Trung hôm trước. Và em cũng là một trong những học sinh phát biểu nhiều nhất. Tôi rất ngạc nhiên vì sao em lại tự tin như thế. Rồi tôi dành ít thời gian trò chuyện với các em về việc phát âm của mỗi vùng miền.
Cũng ở trường A, lại một câu chuyện mà tôi không thể nào quên đối với cô học trò M. Hôm đó, gần hết tiết học, tôi gọi học sinh đọc một truyện ngắn mà tôi trình trên máy chiếu, bỗng M. xung phong đọc. M. là một cô học trò rất hiếm xây dựng bài, đọc rất yếu nhưng hôm nay em đã tự tin đọc. M. đọc cũng chưa được tốt, nhưng tôi khen em vì em đã vượt qua chính mình…
Kinh nghiệm dạy học cho tôi thấy, khi người thầy gần gũi, thân thiện, luôn lắng nghe những lời phát biểu của học trò (kể cả lời phát biểu trái chiều) và đặt ra tình huống mình ngày xưa không giỏi bằng học trò hôm nay thì sẽ dạy cho các em thêm tự tin. Tự tin là một yếu tố rất quan trọng đối với mỗi con người. Tự tin sẽ giúp chúng ta thành công trong cuộc sống.
Thái Hoàng (Giáo viên Trường THCS-THPT Bác Ái, TP.HCM)
Bình luận (0)