Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Quên ăn, quên ngủ vì mạng xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, nhiều chuyên gia tâm lý, tâm lý viên học đường và giáo viên đều nhận thấy có những mặt tiêu cực khi học sinh tham gia mạng xã hội.

Thứ nhất, thức khuya và dậy sớm. Hoàng Yến (một học sinh lớp 8 tôi đang dạy), thời gian gần đây luôn ở trạng thái ngáp ngủ mỗi sáng đến lớp. Tôi hỏi lý do vì sao thì được em trả lời do thức khuya học bài. Nghe vậy tôi nhắc nhở em giữ sức khỏe và điều tiết thời gian học bài hợp lý hơn để có thể tiếp thu tốt giờ học ở trường. Tuy nhiên, nhiều hôm sau nữa tôi không thấy có sự cải thiện ở Yến. Cẩn thận quan sát và tìm hiểu, tôi biết ba mẹ mới mua cho Yến smartphone để tiện liên lạc nhắc nhở con mình sinh hoạt hằng ngày khi họ không ở nhà. Bởi vậy, Yến thức khuya không chỉ để học bài mà tranh thủ lúc cha mẹ không để ý lén… vào mạng.

Nhiều học sinh nói rằng, phải luôn theo dõi xem bạn bè làm gì, nói gì… có liên quan tới ai, ở đâu để kịp thời “like” và “comment”. Vì vậy khi đến trường học sinh ngáp ngắn ngáp dài, học không tập trung là bởi một phần như thế. Nó không chỉ xảy đến với học sinh ham chơi mà có nhiều trường hợp với học sinh khá giỏi.

Thứ hai, ăn uống thất thường, ăn không đủ bữa, không đúng giờ xuất hiện ở nhiều gia đình. Các em được trang bị công nghệ đến tận “răng”. Vì cưng chiều, và vì không có thời gian quan tâm chăm lo cho con cái, các bậc cha mẹ để con tự sử dụng máy tính, smartphone… nên nhiều em suốt ngày cắm mặt vào đó nhiều lúc cha mẹ không hay biết. Quang Thịnh học lớp 7 (cũng là học trò của tôi), gia đình khá giả, cha mẹ lo lắng chu đáo nhưng thân hình ốm yếu xanh xao do ăn uống thất thường, ít vận động cũng là vậy. Thường thì các bậc cha mẹ chỉ có thể dặn dò con cái qua thiết bị công nghệ, con cái có ăn uống hay không, ăn đúng giờ, ăn đủ bữa không thì cha mẹ hoàn toàn không thể kiểm soát.

Những mặt trái trên được cảnh báo rất nhiều, nhưng dường như chưa nhận được sự hành động mạnh mẽ từ gia đình, bởi các bậc cha mẹ xem như đó là sự thay đổi của thời đại nên không hạn chế quyền của con cái, song yếu tố tiêu cực đã thấy rõ.

Phụ huynh nên thường xuyên kết hợp trao đổi cùng thầy cô giáo ở trường để hướng con mình sử dụng mạng xã hội lành mạnh và có trách nhiệm hơn. Tránh để con cái sa đà mà ảnh hưởng tới việc học và sức khỏe.

Nguyễn Minh Quân (giáo viên THCS)

Bình luận (0)