Nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể còn kéo dài, việc dạy học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn việc học trực tiếp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, tính toán phương án kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là đối với các khối lớp nhỏ lớp 1, 2, 3.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 về phương án tổ chức dạy học và một số giải pháo khắc phục khó khăn của giáo dục TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm học 2021-2022, TP.HCM không thể bắt đầu bằng hình thức học truyền thống.
Học sinh phổ thông sẽ học trên internet, học sinh mầm non sẽ bắt đầu năm học muộn hơn. Trong thời gian chưa thể đi học, TP đã chỉ đạo xây dựng hướng dẫn trẻ em mầm non sinh hoạt vui chơi với sự tham gia của phụ huynh.
Năm học 2021-2022, giáo dục trung học bắt dầu từ ngày 1-9, tiểu học bắt đầu từ ngày 8-9. Khối tiểu học sẽ dành 10 ngày đầu để tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp dạy học trên internet cho học sinh, phụ huynh.
TP chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, chuẩn bị đầy đủ chu đáo việc dạy và học trên môi trường internet đến hết HKI.
Các địa phương kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ tổ chức dạy học trực tiếp ngay khi có đủ điều kiện. Tận dụng tối đa thời gian vàng để dạy trực tiếp, nhất là các khối lớp 1,2, lớp đầu cấp, cuối cấp.
Chỉ đạo ưu tiên và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho giao viên trước khi đi học trở lại. Tiến hành tiêm vắc xin cho học sinh theo độ tuổi phù hợp với các quy định của ngành y tế ngay khi có thể.
Bắt đầu năm học mới trong tình hình hết sức đặc biệt, TP.HCM đã xây dựng phương án hạn chế thấp nhất khó khăn. Đầu tiên là công tác phát hành sách giáo khoa còn chậm do giãn cách xã hội, khó nhất là các khối lớp 1, 2 và 6 do thực hiện đổi mới SGK.
Song, đến nay đã có hơn 60% đầu sách được chuyển đến các trường. TP đã chỉ đạo các địa phương phối hợp, tìm giải pháp phân phối SGK đến học sinh sớm nhất có thể, tuỳ theo tình hình từng khu vực. Ngoài ra, đã phối hợp cung cấp SGK điện tử từ lớp 1 đến lớp 12 trên internet và thông tin đến tất cả phụ huynh, học sinh để có thể tạm sử dụng trong thời gian đầu.
TP cũng đã chỉ đạo các trường nắm thông tin từng phụ huynh, hiểu rõ hoàn cảnh từng học sinh để thống kê những em gặp khó khăn về điều kiện đường truyền, thiết bị cho việc học trên internet, từ đó có giải pháp cụ thể để hỗ trợ như kết nối với mạnh thường quân hỗ trợ tài chính, trang thiết bị cho học sinh, gửi các phiếu học tập, tài liệu để học sinh tự học tập. Những học sinh này sẽ được đánh giá, kiểm tra, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp.
TP cũng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình TP triển khai các clip dạy học, phát sóng ngay đầu tháng 9-2021. Nội dung chương trình, thời gian đầu năm học giáo viên hướng dẫn trẻ tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng học, hỗ trợ trẻ học tập trên môi trường internet, ưu tiên lớp 1, 2, các lớp dầu, cuối cấp.
Trong tình hình dịch bệnh kéo dài, tác động đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, nhiều người đân nhất là người lao động bị ảnh hưởng về kinh tế, thu nhập, tạo nguy cơ đến việc học tập của học sinh. Để giảm gánh nặng cho phụ huynh, TP đang nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu.
TP cũng đặc biệt quan tâm đến đối tượng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục mất việc, mất thu nhập, nhất là đối tượng giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là bậc học mầm non. TP đã chỉ đạo ngành giáo dục, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù. Đây là cách để các cơ sở giáo dục tránh bị động, lúng túng khi học sinh đi học trở lại.
Nhận định tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài, việc dạy học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn việc học trực tiếp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét, tính toán phương án kéo dài năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhất là đối với các khối lớp nhỏ lớp 1, 2, 3.
Đối với bậc ĐH, CĐ, TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp chỉ đạo xây dựng phương án hỗ trợ tài chính cho sinh viên, nhất là những em gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Đề nghị Bộ Nội vụ đảm bảo biên chế giáo viên đối với các môn học mới theo chương trình GDPT 2018, như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Nhạc hoạ…
Cuối cùng, TP.HCM kiến nghị sớm ban hành NQ 86 cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Năm học 2021-2022, TP.HCM có khoảng 1,71 triệu học sinh, tăng gần 31 ngàn học sinh so với năm học trước. Là địa phương đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, TP.HCM xác định năm học mới học sinh TP sẽ học trực tuyến trong suốt HKI.
Yến Hoa
Bình luận (0)