Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Hành trình ẩm thực trên đảo Bali

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu không muốn công ty du lịch bảo bọc đến từng bữa ăn, giấc ngủ trong những chuyến đi, bạn hãy thử khám phá một hành trình ẩm thực dân dã Bali mà không phải ai cũng biết và trải nghiệm.

Du khách nước ngoài đang thưởng thức ẩm thực Bali, trước mặt là ngọn núi lửa Batur danh tiếng trong một ngày đầy sương mù - Ảnh: Thủy OCG
Du khách nước ngoài đang thưởng thức ẩm thực Bali, trước mặt là ngọn núi lửa Batur danh tiếng trong một ngày đầy sương mù – Ảnh: Thủy OCG
 

Đơn giản bởi ẩm thực luôn là một trong những tiêu chí quan tâm hàng đầu của nhiều du khách khi đến một miền đất mới. Và bởi ẩm thực Bali thật xứng đáng là một trải nghiệm đặc biệt của hành trình Indonesia.

Bữa sáng

Phiên chợ địa phương trên đảo Bali thường được tổ chức rất sớm và đến khoảng nửa buổi sáng là kết thúc. Dạo chợ và khám phá những điều bình dị và cuộc sống nhất của người bản địa sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm đáng giá. 

Thoạt tiên, tôi thấy nhiều người đứng vây quanh một người phụ nữ chờ mua những suất cơm được gói trong lá chuối và giấy dầu.

Cơm được ủ nóng trong thùng xốp, thức ăn gồm rau trộn, thịt cá, nước xốt đặt trong những chiếc âu to, bày trên mặt bàn. Rau muống, giá đỗ, dưa cải muối xắt nhỏ, thịt cá được ninh nhừ và sâm sấp nước.

Bà bán hàng đặt mảnh lá chuối xanh lên trên giấy dầu rồi cuộn tròn lại thành chiếc phễu, một muôi cơm nóng cho vào trước rồi lấy rau, thức ăn, nước xốt rưới lên trên, gói lại và giao cho khách.

Giá cho một phần cơm rất rẻ, từ 12.000 – 25.000 đồng.

Một quầy bán cơm sáng bình dân trên đảo Bali - Ảnh: Thủy OCG
Một quầy bán cơm sáng bình dân trên đảo Bali – Ảnh: Thủy OCG

Bạn cũng có thể chọn ăn sáng bằng một món ăn nổi tiếng khác của Bali – “cơm heo sữa quay” hay còn gọi bằng cái tên Babi Guling.

Người bán cũng sẽ gói cơm vào giấy dầu, thức ăn là những miếng thịt heo sữa được tẩm ướp gia vị đậm đà và nướng quay trên lửa, bì giòn tan và gia vị khác biệt.

Babi Guling được bán cả ngày ở nhiều nơi trên đảo Bali, trong chợ, trong nhà hàng, dọc đường phố, nên bạn có thể tùy chọn cho mình một thời gian biểu ẩm thực thích hợp.

Món heo sữa quay - Babi guling - Ảnh: Thủy OCG
Món heo sữa quay – Babi guling – Ảnh: Thủy OCG

Tôi cũng thấy nhiều người dân ở chợ Ubud (Bali) chọn mua những chiếc bánh được làm từ bột nếp, được hấp chín hoặc nướng trong lò ở nhiệt độ cao.

Thông thường những loại bánh được hấp chín, ướt, có dầu sẽ được gói vào lá chuối xanh còn tươi, bánh nướng được đặt trong khay giấy, màu sắc đa dạng, công thức phong phú, giá rất rẻ. Nhiều người mua cả túi lớn.

Các loại bánh dân dã của Bali - Ảnh: Đức Hùng
Các loại bánh dân dã của Bali – Ảnh: Đức Hùng

Bữa chính:

Với nhiều người lao động địa phương, suất ăn truyền thống kiểu Balinese gồm cơm ăn kèm với rau muống hoặc đậu xanh và giá đỗ trần trộn nước xốt có lạc giã vụn, vài miếng phồng tôm chiên, miếng trứng luộc rưới xốt sambal, thịt, sườn, tôm, cá chế biến chủ yếu bằng cách chiên giòn hoặc ninh nhừ trong nhiều gia vị.

Nếu đã ăn một đĩa cơm truyền thống kiểu Balinese vào buổi trưa, thì buổi tối nên tìm đến quán Crispy Duck hay còn được biết đến với cái tên khác là Dirty dirty Duck để thưởng thức món vịt chiên giòn. 

Có lẽ vì chi phí cho món ăn này đắt đỏ hơn nên không phải người lao động nào ở Bali cũng có nhiều cơ hội để thưởng thức. Khách du lịch thì khác, ai đến đây cũng tranh thủ khám phá món ăn có cái tên rất dễ gây nhầm lẫn này “Dirty dirty Duck” (“Dirty” trong tiếng Anh có nghĩa là “dơ bẩn”).

Một phần ăn Balinese truyền thống - Ảnh: Thủy OCG
Một phần ăn Balinese truyền thống – Ảnh: Thủy OCG

Do trở về từ đền Besakid khá muộn nên người lái xe đưa chúng tôi vào luôn một quán ăn ở ngay rìa thành phố, sát với những cánh đồng lúa rì rào.

Một phần ăn Cripsy Duck sẽ được phục vụ với nửa con vịt, đã loại bỏ phần đầu và cổ, một chút salad rau trộn như đậu xanh giòn, hành tím cay, vài miếng phồng tôm, và nước xốt sambal.

Tôi lân la gần nhà bếp để tìm hiểu công thức căn bản để nấu món Dirty dirty Duck xem thế nào.

Chúng tôi thấy khá lạ lẫm khi ăn món vịt chiên giòn này bởi thấy những thớ thịt trở nên giòn như bim bim, vị béo ngậy và theo thói quen, bỏ hết xương lại. Khi nhìn sang đĩa của người lái xe, mới thấy ông nhai rau ráu, rất hào hứng và sạch bách cả phần ăn Cripsy Duck của mình.

Món vịt chiên giòn này được ăn kèm với nước xốt sambal truyền thống được nấu từ mắm tôm, cà chua xắt nhỏ, ớt, dầu ăn và nước. Và điều quan trọng nhất cần nhớ, đó là phải ăn sạch bách cả thịt lẫn xương mới đúng kiểu Bali.

Crispy Duck (Dirty dirty Duck) - món vịt chiên giòn - Ảnh: Thủy OCG
Crispy Duck (Dirty dirty Duck) – món vịt chiên giòn – Ảnh: Thủy OCG

Cũng có thể thay thế phần thịt vịt bằng thịt gà với cách chế biến tương tự, bởi sau khi chiên giòn tan cả thịt lẫn xương thì mùi vị của gà hay vịt cũng rất khó để nhận biết.

Có thể bạn chỉ tới Bali một lần, nên dù thế nào cũng nên thử thưởng thức món vịt chiên giòn danh tiếng của Ubub.

Đùi gà chiên giòn - Ảnh: Đức Hùng
Đùi gà chiên giòn – Ảnh: Đức Hùng
Quả da rắn (salak) - Ảnh: Thủy OCG
Quả da rắn (salak) – Ảnh: Thủy OCG

Tráng miệng

Là một hòn đảo nằm gần đường xích đạo, thời tiết quanh năm ấm áp nên các loại hoa quả ở Bali khá phong phú. Tuy nhiên, có một loại quả độc đáo khác biệt lại rất rẻ bạn có thể chọn làm món ăn tráng miệng cho mình: Quả da rắn, người dân ở đây vẫn thường gọi tên là quả salak.

Salak là quả của một loài cây cọ, có lớp vỏ ngoài màu nâu đỏ có vảy như da rắn, bóc vỏ ra bên trong có nhân gồm các múi màu trắng, ăn có vị ngọt thanh lại chua nhẹ, khá giòn, mùi thơm lạ, múi già có hạt màu đen bên trong.

Salak mà ăn nhanh thì dễ bị nghẹn cổ, phải đi uống nước mới xuôi được, có thể vì thịt salak đầy đặn và hơi khô. Để tránh bị bứ, salak nên được ăn nhẩn nha từng miếng nhỏ, tận hưởng và dễ dàng hết cả ký lúc nào bạn cũng không kịp nhận ra.

Salak bán cho dân địa phương ngoài chợ giá rất rẻ, từ 8.000-10.000 IDR (15.000-20.000đ VND).

Nếu có kế hoạch đến hòn đảo thiên đường Bali nhưng không phải theo cách được các công ty du lịch "bảo bọc" thì bạn hãy thử đi.

Một quầy bán hoa quả trong chợ Ubub Bali - Ảnh: Đức Hùng
Một quầy bán hoa quả trong chợ Ubub Bali – Ảnh: Đức Hùng
 

Theo Thủy OCG/ TTO

 

Bình luận (0)