Đến thời điểm này, một số nhà xe chạy các tuyến đã di dời ra Bến xe Miền Đông mới, tuy nhiên vẫn còn không ít nhà xe chưa muốn di dời vì ngại “ế” khách.
Bến xe Miền Đông mới
Còn nhiều mối lo
Bến xe Miền Đông mới chính thức hoạt động từ tháng 10-2020 dành cho các tuyến xe chạy từ TP.HCM đến các tỉnh phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra). Theo đó, các tuyến xe này đã di dời giai đoạn 1 sang Bến xe Miền Đông mới theo quy định.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã có thông báo yêu cầu các tuyến vận tải hành khách đã di dời giai đoạn 1 sang Bến xe Miền Đông mới phải chấm dứt lưu đậu và đón trả khách tại Bến xe Miền Đông hiện hữu.
Thông báo này, Sở Giao thông vận tải TP cũng đề nghị Công an TP, UBND TP.Thủ Đức, UBND Q.Bình Thạnh tiếp tục phối hợp, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý phương tiện vi phạm hoạt động đón trả khách tại khu vực lân cận và xung quanh Bến xe Miền Đông hiện hữu.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp vận tải hành khách, với tình hình này rất khó để giải quyết tình trạng “xe dù, bến cóc” và có nguy cơ phức tạp hơn về hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định.
Ông Nguyễn Hữu Chí, đại diện nhà xe chạy tuyến TP.HCM – Nghệ An cho rằng, thời gian này, việc đi lại bằng hàng không khá dễ dàng, giá cả lại mềm nên số lượt người đi xe khách giảm đáng kể. Thêm nữa, từ khi di dời giai đoạn 1 về Bến xe Miền Đông mới, hành khách tỏ ra dè dặt vì quãng đường đi lại khá xa.
Thực tế, ngay từ thời điểm các tuyến xe được di dời giai đoạn 1 chấm dứt lưu đậu và đón trả khách tại bến xe hiện hữu đã xảy ra tình trạng đón, trả khách không đúng nơi quy định.
“Việc đi lại bằng xe buýt đến Bến xe Miền Đông mới khá bất tiện, để giữ khách, một số nhà xe phải tập trung khách ở một điểm nào đó bên ngoài bến xe hiện hữu đón khách đến bến xe mới để làm thủ tục xuất bến. Hành khách đông thì không nói gì, đằng này chỉ một, hai khách/ chuyến thì nhà xe rất tốn kém, mà khoản này không thể tính trong giá vé”, ông Chí nói.
Dù chưa đến thời điểm di dời sang Bến xe Miền Đông mới nhưng các doanh nghiệp vận tải hành khách đi các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên cũng hết sức lo lắng.
“Bến xe mới hiện đại, thông thoáng nhưng hạ tầng giao thông kết nối chưa được hoàn thiện thì khó mà thu hút khách. Theo quy định, đến ngày giờ thì doanh nghiệp vận tải phải di dời khỏi Bến xe Miền Đông cũ, tuy nhiên việc có tiếp tục đăng ký bến mới hay không thì còn tính toán lại, bởi như vậy doanh nghiệp sẽ “đói” khách và muốn tồn tại thì phải đón, trả khách như “xe dù, bến cóc”.
Cần “xóa” bến xe cũ để tập trung khai thác bến mới
Ở góc độ chuyên gia, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, TS. Võ Kim Cương khẳng định Bến xe Miền Đông mới không thể có đông khách nếu còn Bến xe Miền Đông cũ. Theo ông Cương, việc cần làm ngay lúc này là “xóa” bến xe cũ để tập trung khai thác hoạt động ở bến mới, có như vậy mới giải quyết được áp lực quá tải ở Bến xe Miền Đông cũ, đồng thời tạo thói quen cho người dân. Tuy nhiên, việc “xóa” bến cũ phải cần xây dựng lộ trình cụ thể, trong đó phải có cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp vận tải.
Bến xe Miền Đông hiện hữu
Hiện nay, hạ tầng giao thông kết nối với Bến xe Miền Đông mới về cơ bản đã có, song một số tuyến chưa hoàn thiện, điều này dẫn đến tâm lý e ngại của người dân. Hành khách chuộng tiện, lợi, nhanh chóng, còn nếu phải đi xa, chờ đợi xe lại tốn tiền thì chấp nhận đi tàu hoặc hàng không.
Tương tự, ông Vũ Văn Trường (Viện Phát triển Giao thông phía Nam) cũng đồng tình việc “xóa” bến xe hiện hữu, tuy nhiên cần có phương án, lộ trình để tránh gây khó cho các doanh nghiệp vận tải. Để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp và không ảnh hưởng lớn đến hành khách, Sở Giao thông vận tải TP và các sở, ngành, địa phương có liên quan sớm hoàn thiện kết nối hạ tầng; có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian đầu di dời.
“Nếu không xóa Bến xe Miền Đông cũ, nhà xe và cả hành khách thà chấp nhận cảnh xe dù bến cóc chứ không mất thời gian để di chuyển rất nhiều lượt xe buýt để ra bến xe mới”, ông Trường nói.
Bên cạnh đó, để kết nối vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại từ bến xe mới về tỉnh Đồng Nai, từ Bến xe Miền Đông đi Bến xe Miền Tây, một số tuyến buýt trợ giá như số 150 (Bến xe Chợ Lớn – Tân Vạn) và các tuyến không trợ giá số 5 (Bến xe Chợ Lớn – Biên Hòa), 601 (Bến xe Biên Hòa – Bến xe Miền Tây), 602 (Bến xe Phú Túc – quốc lộ 20 – ngã tư Dầu Giây), 603 (Bến xe Miền Đông – Nhơn Trạch), 604 (Bến xe Hố Nai – Bến xe Miền Đông) sẽ được kết nối đến bến xe này. |
Để cung cấp thông tin đến người dân về các tuyến xe buýt phục vụ trung chuyển, kết nối cũng như các phương thức hỗ trợ vận chuyển hành lý, hàng hóa… Sở Giao thông vận tải yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP tiếp tục rà soát các tuyến buýt kết nối với Bến xe Miền Đông mới.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, thời gian tới trung tâm sẽ tổ chức các tuyến buýt kết nối đến Bến xe Miền Đông mới và bến xe sẽ hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ các tuyến xe buýt số 55 (Công viên phần mềm Quang Trung – Khu Công nghệ cao quận 9), tuyến 76 (Long Phước – Suối Tiên – đền Vua Hùng) để phục vụ hành khách.
A.Trần – M.Tuyết
Bình luận (0)