Khi nói về tính cách con người, người ta thường nói đến những phẩm chất chính trị – đạo đức của mỗi cá nhân, phẩm chất này là sản phẩm của một quá trình lịch sử – xã hội mà không xét ở khía cạnh của sự phát triển sinh giới (bẩm sinh, di truyền). Tính cách người Việt cũng vậy, đó là sản phẩm của quá trình lịch sử – xã hội. Do đó muốn thay đổi tính cách thì không chỉ thay đổi cách giáo dục trong mỗi gia đình mà cần thay đổi cả hệ thống những quan niệm, những tư tưởng lỗi thời còn sót lại. Nói thêm về tính cách người Việt, phải khẳng định rằng tính cách con người Việt Nam có giá trị đặc sắc riêng, điều đó đã giúp cả dân tộc đánh bại giặc xâm lăng và xây dựng, phát triển đất nước như ngày hôm nay. Ít có dân tộc nào mà giàu lòng dũng cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo, cần cù như người Việt Nam; ít có dân tộc nào mà có sự đoàn kết, yêu thương, gắn bó như cộng đồng người Việt. Nhưng bên cạnh đó, cái nét tính cách xấu vẫn còn tồn tại. Đó là, tư tưởng đẳng cấp; dễ bị hấp dẫn bởi những lợi ích trước mắt, bộ phận; dễ thỏa mãn dừng lại… Tất nhiên, muốn có tính cách tốt phải trải qua một quá trình lâu dài, phải được giáo dục bài bản. Muốn vậy, trước hết cần phải thay đổi từ những tư tưởng lỗi thời, quan niệm cổ hủ lạc hậu, đó mới là gốc rễ. Tâm lý người Việt vốn duy tình (trọng chữ tình) nên đôi lúc thường nể nang, không dứt khoát, thậm chí còn dẫn đến sự tùy tiện, vô nguyên tắc. Đặc điểm này đã ăn sâu vào mỗi gia đình người Việt thậm chí trong lối sống, phong cách, ứng xử, sinh hoạt hàng ngày của từng cá nhân. Đặc biệt, khi tính cách xấu này trở thành nếp sống, lối sống và thói quen ở mỗi người thì lại càng khó sửa. Bởi vậy, muốn thay đổi nét tính cách xấu, trước hết là phải thường xuyên tuyên truyền giáo dục đến mọi người dân làm cho họ thực sự phân định đúng sai, phải trái; các phương tiện truyền thông phải tăng cường nêu gương điển hình về những tính cách tốt đẹp và những hạt sạn để mọi người vừa học tập và rút kinh nghiệm. Ở nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo phải tăng cường lối sống kỷ luật, tăng cường giáo dục đạo đức công dân, phải làm sao mỗi nhà trường thực sự là nơi hấp thụ được những cái mới, cái hay của con người hiện đại. Còn trong gia đình, cha mẹ cũng cần phải duy trì nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con cái. Tính cách không phải bẩm sinh, di truyền mà nó được hình thành, phát triển thông qua hoạt động sống. Bởi vậy, mỗi gia đình thực sự là môi trường nhỏ, trong sạch để con cái ươm mầm hướng thiện, đồng thời cũng là nơi để trẻ từ đó mà đề kháng với những tác động xấu độc từ xã hội. Do đó, tính cách nhất thiết phải được giáo dục bài bản.
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)