Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Gương sáng học đường: Cô nàng lập cú đúp huy chương bạc

Tạp Chí Giáo Dục

Em Lê Thị Nguyệt Hằng (giữa) được bè bạn chúc mừng khi trở về từ kỳ thi Olympic sinh học quốc tế tại Đan Mạch

Năm 2014 và 2015, Lê Thị Nguyệt Hằng, học lớp 12B2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), liên tiếp đoạt huy chương bạc tại kỳ thi Olympic sinh học quốc tế tổ chức ở Indonesia và Đan Mạch.

Nguyệt Hằng có gương mặt sáng toát lên sự thông minh, phong cách trò chuyện nhẹ nhàng có phần rụt rè. Tuy nhiên, khi nhắc đến chuyện học, em lại khiến nhiều người ngạc nhiên và khâm phục bởi sự chắc chắn, mạnh mẽ, quyết đoán.

Nói về tấm huy chương bạc tại kỳ thi tổ chức ở Đan Mạch vừa qua, Nguyệt Hằng tiếc rẻ: “Em rất tiếc nuối vì để tuột mất cơ hội cán đích vàng, nếu bình tĩnh hơn, không bị áp lực tâm lý có lẽ thành tích của em sẽ tốt hơn”. Nguyệt Hằng cho biết đề thi năm nay khó hơn năm trước. Tuy nhiên, em đã làm rất tốt phần thực hành, riêng phần lý thuyết, khi vào phòng thi em bị tâm lý, cộng thêm một phần không được chuẩn bị trước do chuẩn yêu cầu kiến thức của các châu lục khác nhau nên bài làm không tốt lắm. Chia sẻ về kinh nghiệm làm bài thi, Nguyệt Hằng nói: “Ở các nước châu Âu, thường học sinh được học thực hành trước, sau đó gút lại bài học bằng lý thuyết. Ngược lại, ở Việt Nam, ta học lý thuyết trước rồi mới đến thực hành nên em gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ. Dẫu vậy, nếu nỗ lực cố gắng thì mình cũng có thể thành công. Điểm quan trọng trong thi cử là cần bình tĩnh đọc đề, thực hiện các bước làm bài và tùy yêu cầu của đề mà có những ứng biến phù hợp khi làm bài, không nên quá cứng nhắc thì sẽ đạt được điểm cao”.

Nguyệt Hằng được biết đến là một học sinh học giỏi đều các môn. Trước khi chọn ban sinh học, em từng là một cô học trò đam mê toán và văn. Và em đã chọn môn toán trước khi rẽ sang học sinh học. “Thực ra, em trượt toán nên mới chọn sinh. Nhưng bây giờ em lại thấy may mắn vì đã trượt môn toán để gắn bó cơ duyên với môn sinh”, Nguyệt Hằng bày tỏ. Để học tốt, nhất là môn sinh học, theo Nguyệt Hằng, ngoài chương trình trên lớp, ta cần phải đọc nhiều sách, nhiều nguồn tài liệu và điều quan trọng là biết chắt lọc kiến thức rồi kết nối chúng lại. Môn sinh học rất thiết thực với cuộc sống thực tế, vì vậy, càng học càng cảm thấy thích thú và đam mê. Tuy nhiên, ta cần phải chủ động trong việc học, học ra học và chơi ra chơi, không làm một lúc nhiều thứ và không nhất thiết phải dành thật nhiều thời gian bên sách vở. Chia sẻ về dự định của mình, Nguyệt Hằng cho biết: “Em tính sẽ ôn luyện thêm tiếng Anh thật tốt và tìm cơ hội du học các ngành liên quan đến sinh học như môi trường hoặc y dược”.

Nhận xét về cô học trò cưng, cô Nguyễn Thị Thu Ba, giáo viên chủ nhiệm lớp Nguyệt Hằng, nói: “Hằng là một học trò rất chăm ngoan, thông minh và hòa đồng với bạn bè. Không chỉ môn sinh mà em còn học đều các môn khác. Mặc dù có một chút tiếc nuối khi em để tuột cơ hội vàng ở hai kỳ thi Olympic quốc tế nhưng tôi vẫn rất tự hào về em ấy. Chuyện thi cử có nhiều yếu tố tác động nên không nhất nhất phải đoạt quán quân mà quan trọng là tinh thần và ý chí được thể hiện như thế nào”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

3 năm học THPT, Nguyệt Hằng sở hữu một bảng thành tích khá ấn tượng: Giải nhất môn sinh học cấp thành phố 3 năm liền; giải nhì cấp quốc gia môn sinh học… 

 

Bình luận (0)