Cu Bin là con trai đầu lòng, hồi bé được ba mẹ cưng chiều nên rất khó dạy trong chuyện chào hỏi người lớn ngay cả khi vào học mầm non. Sáng nào cũng vậy, trước khi đi học, ba mẹ đều nhắc: “Con chào ông bà đi nào!”. Cứ tưởng Bin nghe lời và làm theo như những đứa trẻ khác. Thế nhưng, Bin chỉ biết cúi đầu và chạy đi như không nghe thấy gì cả. Biết con cứng đầu nên ba mẹ đành chào thua.
Thế nhưng, chuyện bất ngờ đã xảy ra khi vào năm học mới được một tuần. Hôm đó thấy trẻ nhỏ trong chung cư đi học về, như thường lệ hầu hết người lớn đều hỏi han trước nhưng chúng đều lặng lẽ chạy nhanh về nhà, riêng chỉ có cu Bin đứng lại lễ phép cất giọng: “Cháu chào bác! Cháu chào ông! Cháu chào bà!”. Bất ngờ với “sự kiện” đặc biệt này, nhiều người reo lên: “Bin ngoan quá!”. Mẹ Bin cũng phấn khởi và nhắc tiếp: “Con khoanh tay lại chào cho lễ phép chứ!”. Cứ tưởng như những lần trước nhưng lại một bất ngờ nữa, sau khi nghe mẹ nhắc, cu Bin đã vòng tay lễ phép chào tất cả mọi người.
Nhiều người không khỏi tò mò vì như thấy có một phép lạ thì mẹ Bin cho biết: “Năm nay cháu vào học lớp mới, cô giáo chủ nhiệm dạy các cháu chào hỏi lễ phép khi đi học và ra về”. Cũng theo mẹ Bin, biết đây là thói quen khó sửa nhưng cô rất kiên trì và cuối cùng cũng thuyết phục được một số học sinh “cứng đầu” trong đó có cu Bin.
Trẻ ngoan hay hư, ngoài trách nhiệm dạy dỗ của gia đình thì tác động từ giáo viên đóng vai trò không nhỏ. Nếu được học với một giáo viên dạy dỗ hành vi, thái độ đúng đắn thì các cháu sẽ ngoan hơn nhiều. Những đứa trẻ không nghe lời ngoài trách nhiệm của cha mẹ còn có phần lỗi của thầy cô giáo ở trường. Câu chuyện của Bin càng chứng tỏ: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Hương Thủy
Bình luận (0)