Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

194 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 15-11, Thành ủy-HĐND-UBND-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tổ chức Họp mặt kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930/ 18-11-2020).


Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP phát biểu tại buổi họp mặt

Ôn lại 90 năm công tác mặt trận, bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết, ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18-11 năm 1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.


Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM phát biểu tại buổi họp mặt

Ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra sức vận động các tầng lớp Nhân dân, tham gia khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa thật sự là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Từ cao trào đấu tranh của Nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời để đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc!”. Ngày 20-4-1968, trong khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời nhằm đoàn kết, tranh thủ tập hợp thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị.


Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho các cá nhân

Sau ngày thống nhất đất nước, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trải qua gần một thế kỷ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn trung thành với lợi ích của Nhân dân, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết dân tộc, là biểu tượng về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là trí tuệ, sức mạnh không gì lay chuyển nổi của các thế hệ người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và xác định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”.

Trải qua 45 năm hòa bình, thống nhất, nhất là hơn 30 năm đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP cùng các đoàn thể chính trị – xã hội đã hình thành nên những phong trào thi đua yêu nước đầy sáng tạo, trách nhiệm, nhân văn, nghĩa tình rộng khắp trong nhân dân. Như phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vận động xây dựng nhà tình nghĩa”… tạo sức lan tỏa và trở thành những phong trào chung của bhân dân cả nước. Đây cũng có thể xem là một đóng góp quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc TP vào sự nghiệp đổi mới của đất nước”.   

Theo bà Châu, cuộc vận động “Vì người nghèo” với phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân” đã góp phần đáng kể trong công tác đoàn kết, tập họp nhân dân; trở thành hành động, nghĩa cử cao đẹp, nghĩa tình của nhân dân TP.

Tổng kết 20 năm (giai đoạn 2001 – 2020) Quỹ Vì người nghèo TP chăm lo nhà ở, bảo hiểm y tế; trao tặng phương tiện sinh kế, phương tiện sinh hoạt; trao tặng học bổng, học nghề, hỗ trợ khó khăn thường xuyên, đột xuất… với tổng số tiền 2.135 tỷ 382 triệu đồng.

Cuộc vận động quỹ “Vì Biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP phát động là một điểm sáng khác; Giai đoạn 2009 – 2019 đã chăm lo 288 tỷ đồng hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt, công tác, đã minh chứng cho việc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP luôn hướng về cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các vùng biên giới, hải đảo; Chia sẻ, động viên về vật chất, tinh thần góp phần giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, những công trình “Nước ngọt vùng biên”, “Mái ấm biên cương”, “Điện năng lượng”… đã góp phần hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo giảm đi phần nào khó khăn, yên tâm công tác.

Trong năm 2020 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP đã hỗ trợ gần 10 tỷ đồng đến đồng bào bị hạn mặn; phân phối tiền, hàng hóa trị giá hơn 53 tỷ đồng đến nhân dân các vùng bị bão lũ; phân phối tiền, hàng hóa trị giá hơn 121 tỷ đồng để góp phần chia sẻ những người khó khăn của người dân TP, người lao động các tỉnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Dịp này, TP có 194 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”; 6 tập thể và 4 cá nhân được trao tặng Giải thưởng Đại đoàn kết toàn dân tộc TP.HCM lần 2 năm 2020; 4 gia đình 3 thế hệ, 69 gia đình 2 thế hệ làm công tác Mặt trận được vinh danh.

Đến tham dự và phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác mặt trận, đóng góp cho sự phát triển của TP.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP có nêu, tăng cường khả năng giám sát, phản biện của mặt trận; Quyết tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, theo ông Nên, một trong các nội dung quan trọng chính là nền tảng của các hoạt động mặt trận phải bắt đầu từ cơ sở và cộng đồng dân cư. “Có gần dân, sát dân mới thấu cảm được lòng dân. Khi người dân gặp khó khăn, bức xúc phải kịp thời gặp gỡ, chia sẻ và hỗ trợ. Có như thế người dân mới an tâm, tin tưởng, gắn bó và đoàn kết. Khi người dân có lòng tin thì mọi việc sẽ thuận lợi và thành công.

“Mặt trận phải huy động được mọi nguồn lực trong nhân dân để xây dựng và phát triển TP. Thành ủy sẽ tiếp tục tạo cơ chế để mặt trận làm đúng và làm tốt các chức năng của mình”, ông Nên nhấn mạnh.

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)