Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trái tim người thầy giữa rừng thiêng

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 9 năm cắm bản ở vùng cao, thầy giáo Bùi Công Thành – giáo viên Trường TH&THCS Hướng Hiệp (huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị) đã lặng lẽ vì học trò bằng tất cả nhiệt huyết đam mê và tình yêu. Nghề ươm chữ không chỉ là việc cầm viên phấn viết từng phép tính lên bảng đen mà còn vun vén, nuôi dưỡng tương lai học trò bằng cả tâm hồn và một trái tim yêu thương.


Tranh thủ ngoài giờ học, thầy Thành cắt tóc cho học sinh

Một nhiệt huyết yêu nghề

“Gần 9 năm trước, cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học, Trường ĐHSP – ĐH Huế, em cứ nghĩ rằng mình có tuổi trẻ nên muốn trải nghiệm ở một nơi xa xôi, hẻo lánh nhất, cũng là để tích lũy cho mình kinh nghiệm sống cần thiết”, Thành mở đầu câu chuyện ngược núi, cõng chữ lên non của mình. Nơi đầu tiên Thành nhận công tác là điểm trường A Sau thuộc Trường TH A Vao – một trong những xã cuối cùng của huyện Đakrông, giáp biên giới nước bạn Lào. A Sau cách trường chính xã A Vao 22 cây số đường rừng. Đi bộ. “Lúc đầu mới ra trường, em cứ nghĩ đi dạy cũng bình thường, dạy ở miền núi đương nhiên khó khăn nhưng khi đến mới thấy sự khó khăn ngoài sức tưởng tượng. Bản làng nhiều không: không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, không đường đi…”, thầy Thành nhớ lại. Dạy ở A Sau 1 năm thì thầy lại nhận nhiệm vụ ở các điểm lẻ khác như bản Pa Lin, Tân Đi… cùng xã A Vao. Pa Lin hay Tân Đi không khá hơn A Sau là mấy. Vẫn cung đường núi trơn trượt, vẫn cái khó nghèo bủa vây dân bản và khu nhà giáo viên làm tạm bằng tre nứa. Tầm 4 giờ chiều là mây mù bao phủ khắp nơi, đứng cách nhau 10 mét đã không còn nhìn thấy. Thầy Thành kể: “Hồi ấy không có sóng điện thoại, muốn liên lạc với gia đình thì phải chờ đến ngày cuối tuần nắng ráo, đi bộ ra điểm trường chính mới có thể gọi điện về thăm gia đình. Mình lại mới chân ướt chân ráo lên vùng núi nên chưa rành tiếng nói của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, việc tiếp xúc với bà con hoặc học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Vắt rừng cũng là nỗi ám ảnh khác đối với giáo viên cắm bản. Tối ngủ, mùa mưa vắt búng tanh tách trên tường nhà. Đó là chưa kể mắc lụt là chuyện thường. Có lần tôi cùng đồng nghiệp phải ở lại bản cả mấy chục ngày vì nước suối dâng cao, sạt lở đường”.

Tròn 6 năm trước, do hoàn cảnh gia đình neo người, thầy Thành được xét chuyển công tác về Trường TH Hướng Hiệp. Dù đoạn đường từ quê nhà ở Gio Linh đến trường đã gần hơn nhưng Hướng Hiệp vẫn là một xã miền núi của Đakrông, vẫn còn đó những hoàn cảnh hết sức khó khăn, trẻ con đến trường còn muôn vàn thiếu thốn. Hỏi có khi nào cảm thấy chồn chân trên những miền đất khó không? Thầy Thành cười: “Cái khó lúc nào cũng bắt người ta phải nỗ lực gấp nhiều lần. Những lúc ấy mình sống nhờ vào cái tình của đồng bào. Nhớ lại những ngày mưa lũ, bà con mang đến bó rau mớ ốc để cùng duy trì cuộc sống, rồi nước vừa rút, họ lại cắt cử người dẫn mình ra trung tâm xã để về xuôi thăm gia đình. Cảm động nhất là vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều trò thập thò ngoài cửa lớp với bó hoa tràm trên tay, nhiều bạn khác mang theo củ sắn hoặc lon nếp… Nhìn những món quà này tôi lại thương các em nhiều hơn, giúp tôi trụ lại giữa chốn rừng thiêng, nước độc”.

Và một trái tim thương trò

Hơn 9 năm đứng lớp, trong đó 7 năm làm công tác chủ nhiệm, thầy Thành từng đạt danh hiệu GVCN giỏi cấp tỉnh và nhiều giấy khen khác, nhưng với thầy, tinh thần trách nhiệm với nghề và trái tim thương yêu học trò là chìa khóa vạn năng để đưa các em đến tương lai tươi đẹp. Còn việc thiện, miễn đem lại niềm vui cho người khó thì thầy cảm thấy ấm lòng.

Gần 9 năm theo nghề, với thầy Thành đó không chỉ là hành trình gieo chữ. Mỗi năm, tiếp xúc với mỗi lứa học trò là một kỷ niệm khó quên. 4 năm trước, thầy Thành được phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 3A – Trường TH Hướng Hiệp. Hồi ấy, thầy để ý thấy học trò Lê Văn Hiền lúc nào cũng mang gương mặt trầm buồn và luôn đến lớp trong tình trạng thiếu sách, vở. Không có cặp, Hiền dùng bao nilon thay thế. Sau thời gian quan sát, tìm hiểu thì mới biết Hiền có hoàn cảnh rất đáng thương. Mẹ Hiền khuyết tật không nói được. “Hôm tôi về nhà Hiền tìm hiểu, suốt đoạn đường chở Hiền về nhà em chỉ im lặng và chỉ chịu mở lời khi tôi thuyết phục bằng nhiều cách thật chân tình. Nhà Hiền nghèo, gánh nặng gia đình dồn lên vai ba. Từ đó tôi tạo mọi điều kiện cho em có sách vở, cho em mượn sách, động viên em thường xuyên”. Nhưng khó khăn không dừng lại ở đó khi ít lâu sau ba Hiền không may bị tai nạn qua đời. Hiền bỏ học. Thầy Thành lại tìm đến động viên, kêu gọi các giáo viên trong trường chung tay để em tiếp tục đến lớp. Nhắc đến trường hợp này, thầy Hiền bảo: “Tôi mừng rơi nước mắt khi Hiền hứa sẽ nỗ lực đến trường để thay đổi tương lai”.

Mỗi cuối tuần từ quê nhà lên trường, cặp sách thầy lúc nào cũng nặng trĩu nào là sách vở, đồ dùng học tập… được thầy trích từ đồng lương của mình để mua tặng trò. Kèm theo đó là quần áo cũ để tặng đồng bào. Thời điểm nhận công tác ở Hướng Hiệp, thầy dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện hơn, thầy vận động từ quần áo, sách vở, xe đạp… Nhiều học trò nhờ đó đã được chắp cánh ước mơ đến trường. Những ngày miền Trung chìm trong lũ dữ, thầy đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân rồi tất bật đến các bản làng vùng cao để tiếp tế cho bà con lương thực, nhu yếu phẩm.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)