Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sợ con… học thêm

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều thứ bảy tuần rồi tôi đến nhà người chị chơi. Trò chuyện xong, chị đem bài kiểm tra của con gái cho tôi xem, kết quả chưa đạt điểm trung bình. Chị tôi rất lo. Sở dĩ bị điểm thấp là do cháu vừa chuyển sang trường mới không có nhiều thời gian để ôn tập. Nội dung đề ra, bài làm và điểm của cháu thực ra đúng với kiến thức mà cháu có.

Khi trao đổi về việc học của con gái, chị tôi không quá lo lắng về điểm số ấy bởi vì chị biết ở tiểu học cháu học rất khá. Năm nay chuyển cấp, trường lớp, chương trình gì cũng mới nên ít nhiều cháu có phần bỡ ngỡ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng bài kiểm tra đầu tiên mà như thế khiến chị không yên tâm vì sợ cháu sẽ “rơi vào nhóm phải học thêm”. Điều chị lo là có cơ sở. Đó là tâm lý chung của rất nhiều bậc phụ huynh khi giáo viên “phàn nàn” là học trò yếu, hổng kiến thức, cần phải bổ sung kiến thức mới theo kịp bạn bè, chương trình. Cũng như một số phụ huynh khác, chị tôi rất ngại gặp giáo viên vì sợ bị nghe “điệp khúc” gợi ý cho con cái đến nhà học thêm. Trẻ học ngày hai buổi ở trường, chiều tan trường lại chở đến nhà cô học thì tội cho chúng quá, chẳng khác nào đánh cắp tuổi thơ của các cháu, làm cho trẻ mụ người vì điểm số. Trẻ chỉ biết học mà quên hết mọi chuyện khác xung quanh.

Những năm gần đây, không chỉ học sinh (nhất là bậc tiểu học và THCS) sợ học mà phụ huynh cũng… sợ học luôn. Có nhiều phụ huynh phải “học cùng con” mỗi tối và cả những ngày cuối tuần. Thầy cô giáo ra bài tập nhiều quá khiến học sinh làm không xuể nên phụ huynh cũng phải “chạy” theo vã mồ hôi. Một người bạn của tôi kể, có ngày chủ nhật bạn phải học tiếng Anh… cùng con. Do giáo viên ra bài tập nhiều quá nên hai bố con “học” từ sáng đến chiều mới xong. Vì vậy phụ huynh… sợ học là chuyện tưởng như không có mà lại có thật. Những đứa trẻ mầm non đến nhà cô rèn chữ, học sinh lớp 1 sau khi tan trường được “lùa” về nhà giáo viên học thêm, học sinh lớp 6 học cả ngày ở trường cũng được gợi ý về nhà thầy cô sau khi tan trường đã làm dư luận bức xúc, khiến phụ huynh “tiến thoái lưỡng nan” vì không học thì không được và không yên tâm việc học của con sau khi nghe lời cảnh báo của giáo viên.

Đã chọn nghề gắn với sự nghiệp trồng người, sao lại nỡ ép những mầm non như cái máy học? Tuổi các em còn nhỏ, sao cứ vì lý do này lý do kia để đánh cắp tuổi thơ của trẻ?

Hoàng Thái

Bình luận (0)