Mấy năm gần đây việc đánh giá kết quả học tập môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để ngày càng đúng hướng và có chất lượng hơn.
Một tiết học online môn ngữ văn của học sinh lớp 12 (ảnh minh họa). Ảnh: N.Quang
1. Cấu trúc đề thi phản ánh rõ yêu cầu và nội dung đánh giá khá toàn diện: đọc hiểu, viết nghị luận xã hội (NLXH) và nghị luận văn học (NLVH). Đọc hiểu thường là một văn bản thông tin hoặc nghị luận; từ đó hỏi về các phương thức biểu đạt, về câu chữ tiếng Việt, về nội dung thông tin có trong văn bản ấy là đúng hướng. Rồi từ văn bản này mà yêu cầu viết NLXH cũng là một cách đánh giá đúng, theo hướng hạn chế việc chép, học thuộc văn mẫu, khuyến khích được những suy nghĩ đa chiều, sáng tạo của học sinh. Việc yêu cầu viết ngắn, trả lời ngắn gọn có ưu điểm là dễ chấm chính xác, bảo đảm công bằng và khách quan hơn. Ở cấp THCS tại nhiều địa phương, nhiều thầy cô giáo đã rất mạnh dạn trong việc ra các dạng đề mở; đề kết hợp kênh hình (văn bản đa phương thức), đọc hiểu tranh… Đó là những ưu điểm chính của các đề thi môn ngữ văn trong những năm qua.
2. Vậy đâu là những hạn chế cần khắc phục? Theo tôi, ngay cả những mặt là ưu điểm nêu trên cũng có những hạn chế. Chẳng hạn, câu hỏi đọc hiểu quá giản đơn, trùng lặp, đơn điệu, nhàm chán… Tiếp theo là cách làm các đáp án còn nhiều vấn đề chưa ổn, thiếu chuẩn xác, không đáp ứng được yêu cầu mở với các câu hỏi mở. Nhiều đề văn lại mở đến “vô bờ bến”; nhiều câu NLXH yêu cầu học sinh liên hệ và bàn về những hiện tượng ít tính giáo dục, thậm chí phản cảm, dung tục… Cuối cùng là câu NLVH, hầu như chưa có gì đổi mới, cả cách hỏi lẫn ngữ liệu. Do quan niệm và hiểu yêu cầu của chương trình quá hẹp và mặc nhiên đã thành thói quen là chỉ được ra những văn bản – tác phẩm đã học trong chương trình, mà lại chỉ là chương trình lớp cuối cấp. Trong khi qua nhiều lần giảm tải, số lượng văn bản còn học rất ít. Mỗi văn bản lại chỉ có một số đoạn trích, một số vấn đề quen thuộc để có thể hỏi học sinh, nên hầu hết ngữ liệu đó đã được các thầy cô giáo cày đi bừa lại; hầu hết đã có các bài văn mẫu từ tài liệu tham khảo đến các lò luyện thi… Tóm lại, với đề NLVH, cho đến nay căn bản chưa được thay đổi theo hướng đánh giá năng lực. Có nghĩa là việc đổi mới đánh giá chưa triệt để, mặc dù Bộ GD-ĐT đã yêu cầu chuyển đổi theo hướng này từ mấy năm qua.
3. Nhà trường đang chuyển sang dạy học phát triển năng lực, thì việc đánh giá cần thay đổi cho đồng bộ. Tại sao lại không thể ra đề NLVH với một ngữ liệu mới? Học sinh đã được học đọc hiểu, học cách phân tích một tác phẩm thơ, văn theo thể loại, vậy sao lại không thể yêu cầu các em viết bài phân tích, cảm nhận về một bài thơ tương tự nhưng chưa được học? Tại sao lại cứ nhất quyết phải ra vào bài thơ, đoạn văn mà các em đã học, các thầy cô giáo đã giảng, để rồi học sinh đi thi chỉ chép lại các bài văn mẫu đã thuộc? Và rồi giáo viên chỉ chấm lại văn của chính các thầy cô…
Việc thay đổi này trước hết phải từ cơ quan chỉ đạo chuyên môn và quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT; không phải lỗi của các thầy cô giáo.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)