Mang sứ mệnh “giáo dục công dân” đúng như tên gọi, thậm chí trở thành một trong 9 môn thi tốt nghiệp THPT nhưng trên thực tế, bộ môn giáo dục công dân (GDCD) vẫn bị phụ huynh và học sinh xem là môn phụ.
Các bộ áo dài được thiết kế từ vật liệu tái chế của học sinh Trường THPT Hàn Thuyên trong dự án “Nhịp cầu yêu thương”
Để thay đổi quan niệm, giúp học sinh nhận thức rõ hơn về môn học, đưa kiến thức giáo dục của môn học trở nên gần gũi, cô Nguyễn Thị Hồng (Tổ trưởng Tổ GDCD Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã mạnh dạn xây dựng những dự án, chuyên đề hết sức sinh động, ý nghĩa, góp phần đổi mới bộ môn này.
Chuyển thể kiến thức từ dự án STEM
Từ bài học: “Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức” trong chương trình GDCD lớp 10, nhằm củng cố hơn nhận thức cho học sinh trước những vấn đề tồn tại của cuộc sống, dự án “Nhịp cầu yêu thương” đã được cô Hồng triển khai đến học sinh 5 lớp 10 của trường. Cô Hồng cho hay: “Dự án đặt ra 3 vấn đề đến học sinh, đó là: Lũ lụt ở miền Trung, Rác thải nhựa và Gìn giữ bản sắc dân tộc qua tà áo dài. Đây là 3 vấn đề mang tính thời sự nhưng lại gần gũi, vừa tầm với học sinh. Với 3 vấn đề này, các em sẽ thể hiện góc nhìn, nhận thức của mình qua chính các sản phẩm dự án, từ đó lan tỏa thay đổi nhận thức của những người xung quanh”.
Ở vấn đề Rác thải nhựa và Lũ lụt ở miền Trung, học sinh đã thiết kế các sản phẩm handmade như thiệp Giáng sinh, bao lì xì, hoa giấy, vòng đeo tay… được tái chế từ đồ nhựa không dùng đến. Những sản phẩm này được bày bán trong tiết học để gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của bão lũ. “Hơn 2,5 triệu đồng thu được từ chính… rác thải nhựa – những thứ vốn được coi là đồ bỏ đi. Điều quan trọng là mỗi sản phẩm đều được các em chăm chút, gửi gắm thông điệp về tình yêu thương, sự sẻ chia, bảo vệ môi trường, ý thức sử dụng đồ nhựa đến từng học sinh, giáo viên và cộng đồng…”, cô Hồng chia sẻ. Trong khi đó, ở vấn đề Giữ gìn bản sắc dân tộc qua tà áo dài, sản phẩm của dự án là những tà áo dài truyền thống do chính học sinh thiết kế từ chất liệu tái chế, thân thiện môi trường, đi cùng với những tập san áo dài. Trong tiết học, phần trình diễn thời trang áo dài trắng đến trường và áo dài thiết kế được học sinh mong chờ nhất. “10 sản phẩm áo dài đã được 5 lớp thiết kế, chất liệu từ vải bao bố, bạt ni-lông, giấy báo… Mỗi bộ trang phục được các em sáng tạo cầu kỳ, đính thêm nhiều hoa văn họa tiết có tính thẩm mỹ cao, ở đó chất chứa những thông điệp riêng về bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường”, cô Hồng giới thiệu.
Với dự án “Nhịp cầu yêu thương”, cô Hồng nhìn nhận, ngoài thực tế hóa kiến thức bài học thì dự án đã giúp môn GDCD thực hiện đúng chức năng là giáo dục học sinh sống biết yêu thương, có trách nhiệm. “Đây cũng là dự án lần đầu tiên tôi thực hiện việc đưa STEM vào một môn học tưởng như không-thể-làm-gì-được. Bằng các phương pháp giáo dục mới, tích cực, hy vọng môn học sẽ thu hút và có chỗ đứng trong lòng học sinh hơn”, cô Hồng cho biết.
Đưa sân chơi vào môn học
Nỗ lực đưa môn học đến gần với thực tế còn được cô Hồng cùng Tổ GDCD nhà trường xây dựng qua việc tạo ra các sân chơi như thi rung chuông vàng, thi vẽ tranh, diễn kịch… qua chương trình ngoại khóa hành trình pháp luật “Hiểu đúng – Làm đúng”. Cô Hồng thông tin: “Những kiến thức về pháp luật ở môn GDCD thường rất nặng nề, mang tính hàn lâm nhưng lại vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Vì vậy, để học sinh nắm vững, tuân thủ và thực hiện đúng thì trước hết các em phải am hiểu mới có thể phân biệt đúng, sai. Với ý nghĩa đó, chương trình ngoại khóa hành trình pháp luật giúp các em tiếp cận thông tin pháp luật gần gũi với lứa tuổi và cuộc sống như Luật ATGT, Luật An ninh mạng, Hiến pháp, Luật Nghĩa vụ quân sự, ứng xử trong nhà trường, bạo lực học đường… theo các mức độ tùy thuộc vào lứa tuổi”.
Tham gia vào hành trình pháp luật, học sinh lớp 10 vẽ những bức tranh với nội dung về ATGT, tình bạn, tình thầy trò, ứng xử học đường. Những bức tranh được triển lãm dọc hành lang sân trường góp phần lan tỏa sâu rộng hơn các thông điệp. Trong khi đó, học sinh lớp 11, 12 thì tranh tài ở sân chơi rung chuông vàng… “Khi tham gia vào các sân chơi kiến thức, thực hành dự án, chúng em phải tự mình tìm hiểu, mở rộng thêm kiến thức, qua đó tự nhận thức, phân biệt được hành vi của mình, hướng tới xây dựng môi trường học đường thân thiện từ ý thức của bản thân. Bằng những hướng đổi mới trong môn học, em thấy GDCD là môn học rất quan trọng, cần thiết, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của con người”, em Thu Vân (học lớp 10C12) chia sẻ.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)