Vì chưa kịp mở rộng trường lớp nên lớp học trên 50 HS là cảnh thường thấy ở quận Tân Bình |
Từ khi có QĐ 02/2003 của UBND TP.HCM về phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học ngành GD-ĐT TP đến năm 2020 nhưng đến năm học 2007-2008 còn 8 quận, huyện vẫn “giậm chân” tại chỗ. Một trong những quận, huyện đó là Tân Bình. Và khi quận này phê duyệt quy hoạch, sau hơn 10 năm, đến nay vẫn còn 3 phường không có trường THCS.
Quy hoạch 6 trường nhưng chưa xây được trường nào
Theo quy hoạch mạng lưới trường lớp của quận, quỹ đất dành cho xây trường, mở lớp là 19,4547ha. Thời gian qua, cụ thể là từ năm 2003-2012, Tân Bình đưa vào sử dụng 12 trường MN; 17 trường TH; 9 trường THCS và 1 TTGDTX…
Nhiều phường của quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân nhập cư năm sau luôn cao hơn năm trước như phường 10, 14 và 15 quy hoạch xây 6 trường THCS nhưng không xây được, trong khi bình quân mỗi năm số học sinh học hết lớp 5, chuyển cấp lên lớp 6 của 3 phường này từ 1.200-1.500 học sinh phải “dạt” về các trường THCS khác trong quận.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng – nguyên Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (BQLĐTXDCT) quận Tân Bình cho biết: “Theo quy hoạch, tại phường 10 sẽ xây dựng Trường THCS Trần Văn Quang (diện tích 2.400m2); phường 14 xây trường trên khu đất Xí nghiệp dệt Sài Gòn 2 (6.400m2 – đường Âu Cơ) và tại phường 15 là Trường THCS Trần Thái Tông (đường Cống Lở – 7.000m2); THPT Tân Sơn (khu đất phía Đông Bắc đường Hoàng Bật Đạt – 6.300m2) và một trường THCS tại khu đất Nhà máy nước đá Tân Sơn, diện tích 3.000m2). Quận chưa khởi công xây mới trường tại 3 phường 10, 14, 15 được vì gặp khó khăn trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù hỗ trợ cho các hộ dân trong diện quy hoạch, di dời…”.
Đau đáu nỗi lo chuyển cấp
Đến Trường TH Tân Trụ (phường 15), ngôi trường được xây mới và đưa vào sử dụng từ năm học 2005-2006 trên diện tích gần 1.900m2 với quy mô 1 trệt, 3 lầu. Ấn tượng rõ nét nhất trước mắt chúng tôi là ngôi trường khá xinh đep, gọn gàng, ngăn nắp… Thế nhưng sĩ số học sinh/ lớp thì “khủng” luôn. Lớp tăng cường tiếng Anh: 57-58 học sinh/lớp, lớp thường: 45-47 học sinh/lớp, hiện trường có 1.691 học sinh, tương đương 35 lớp. Học sinh ken dày, bàn ghế san sát, khoảng trống để các em đi lại phải nghiêng người mới lách ra được. Chia sẻ về vấn đề này, thầy Hoàng Xuân Nam – Hiệu trưởng nhà trường đau đáu: “Lớp học chật chội vì học sinh quá tải, trường tôi còn phải tận dụng phòng thư viện và hội trường làm lớp học, muốn duy trì bán trú cho học sinh toàn trường đành bó tay. Vì vậy, nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc ở công ty, doanh nghiệp, có người công ty cách xa trường 5-7km cũng phải về đón con. Tuy nhiên, khổ cực nhất là những phụ huynh khối lớp 5 với 309 học sinh ra trường trong năm học 2014-2015, nhiều phụ huynh phải chạy hàng chục cây số để đưa rước con em mình theo học tại Trường THCS Tân Bình, THCS Phạm Ngọc Thạch, THCS Võ Văn Tần”.
Ông Nguyễn Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình nhớ lại: “Trước khi chuyển về công tác khác, trong những lần tiếp xúc với đại diện phụ huynh của 3 phường 10, 14 và 15, có nhiều cô chú, tuổi ông bà bức xúc trong chuyện chậm xây trường đã “nấc nghẹn” vì nỗi vất vả của phụ huynh trong việc đưa đón con em đi học”. |
Cũng trong tình cảnh chật chội đông đúc và đi học xa, cô Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà – Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Kịp (phường 15) cho biết: “Trường có tổng số học sinh trên 2.000 em, lớp 5 ra trường năm học 2014-2015 là 270 em, được phân tuyến trường gần nhất là Hoàng Hoa Thám (phường 13), xa nhất là THCS Tân Bình. Quá tải cho các trường phường bạn và phát sinh việc phụ huynh “chạy” trường cho con em mình”. Cùng nỗi băn khoăn, cô Đỗ Ngọc Đào – Hiệu trưởng Trường TH Phú Thọ Hòa (phường 10) trăn trở: “Trường có một điểm chính và một điểm lẻ, cơ sở vật chất xuống cấp đã lâu, thầy và trò nhà trường mong ước Trường TH Phú Thọ Hòa được xây mới hoặc tu sửa lớn, mới đảm bảo điều kiện dạy và học. Năm học 2014-2015, trường có 305 em và Trường TH Lê Thị Hồng Gấm (phường 10) có 360 học sinh chuyển cấp, chúng tôi rất vất vả trong việc động viên phụ huynh học sinh. Vì phường 10 không có trường THCS nên các em bị phân tuyến về các trường khác phường, học sinh buồn vì phải tách bạn, phụ huynh mệt mỏi do đưa rước con không thuận lợi, nhất là vào những tháng mùa mưa”. Thầy Ngô Đình Ân – Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản (phường 14) lo lắng: “Năm học 2014-2015, khối lớp 5 của trường chuyển cấp là 397 học sinh. Có phụ huynh nhờ các thầy, cô giáo trong trường tư vấn là có nên cho con học trường dân lập trên địa bàn phường để tiện đưa rước? Có phụ huynh xin chuyển cho con về quận mà ba mẹ đang công tác, có phụ huynh lại tìm cách “chạy” trường… Không phụ huynh nào muốn con phải khổ, vì học trường quá xa nhà, còn thầy cô thì lo lắng các em phải làm quen với môi trường học mới, bạn bè mới… có kịp thích nghi?”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Công tác phân tuyến khổ cực trăm bề Thầy Phan Ngọc Quang – Khối trưởng phổ thông (phụ trách phân tuyến học sinh đầu cấp), Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng Giáo dục quận Tân Bình mệt mỏi: “Mỗi năm, bước vào mùa phân tuyến học sinh đầu cấp, tôi và các thầy cô của Phòng GD-ĐT luôn ở trong tình trạng “căng hơn dây đàn” đối với học sinh đầu cấp lớp 6 của 3 phường 10, 14 và 15. Phải tính toán sao cho phụ huynh thuận lợi nhất trong việc đưa rước con em mình tới các trường THCS khác trong quận. Nhiều phụ huynh tìm tới phòng năn nỉ kể cả la lối… vì họ nghĩ các thầy cô trên phòng làm khó nhưng sau khi biết được nguyên nhân, phụ huynh cũng không “buông” mà yêu cầu phải cho con họ vào những trường có thương hiệu mới chịu”. |
Kỳ tới: Chậm trễ xây trường “lỗi” do đâu?
Bình luận (0)