Xe đưa đón HS góp phần giảm tải ùn tắc giao thông ở Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình, TP.HCM) |
Vừa qua, Sở GD-ĐT đã công bố mức phí trợ giá xe buýt mới. Trong năm học 2015-2016, các ban ngành hữu quan cũng đang phối hợp siết chặt quản lý tiền trợ giá xe buýt nhằm tránh tình trạng đơn vị vận tải làm giả hồ sơ quyết toán, lập danh sách khống học sinh đi xe buýt để chiếm đoạt tiền trợ giá như đã từng xảy ra một hai năm gần đây.
Đã ký kết giữa “3 bên”
Theo kết quả của đợt thanh tra 15 doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh sinh viên (HS, SV) tại 237 trường học trên địa bàn thành phố vào tháng 3 năm nay, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã phát hiện có đến 128 trường có số lượng không trùng khớp với thực tế, thậm chí nhiều HS không sử dụng xe buýt vẫn có tên trong danh sách của hồ sơ thanh toán, chữ ký của HS trong danh sách đóng tiền đều cùng một nét chữ nhưng lại khác nhau qua từng tháng; điện thoại, địa chỉ của HS trên hồ sơ thanh toán không đúng thực tế xác minh… Theo Thanh tra Sở GTVT, nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do các trường không kiểm tra, kiểm soát số lượng HS đi xe đưa đón một cách thường xuyên, Trung tâm Vận tải hành khách công cộng (TT VTHKCC) cũng thiếu sự giám sát, đối chiếu, chỉ căn cứ vào hồ sơ thanh toán của doanh nghiệp vận tải, nên đã nảy sinh tiêu cực như trên. Để tránh tình trạng này lặp lại, chuyên viên Nguyễn Văn Gia Thụy, thuộc Phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, căn cứ theo danh sách HS cụ thể, vừa qua đã diễn ra cuộc ký kết giữa 3 bên là lãnh đạo nhà trường, doanh nghiệp vận tải (nhà xe) và TT VTHKCC. Khác với trước đây, chỉ có sự ký kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, hoặc thậm chí có khi không có sự ký kết nào, TT VTHKCC chỉ căn cứ vào hợp đồng do doanh nghiệp vận tải cung cấp rồi chi tiền trợ giá.
Theo đó, Sở GTVT cũng đang xây dựng 2 phương án kiểm soát. Phương án thứ nhất là kiểm soát thông qua hệ thống định vị (kiểm soát theo số tuyến). Phương án thứ hai (phương án cũ) là kiểm soát theo danh sách HS cụ thể. Theo phán đoán nhiều khả năng sẽ lựa chọn phương án hai là kiểm tra theo danh sách. Ở phương án này, ban giám hiệu nhà trường sẽ phối hợp với nhà xe kiểm tra danh sách HS đi xe buýt, xe đưa rước một cách thường xuyên. Về phía TT VTHKCC khi quyết toán hồ sơ cũng sẽ có sự đối chiếu, xác minh lại danh sách HS tham gia dịch vụ đưa rước này. Trước mắt, sau khi có thống kê danh sách các đơn vị tham gia xe đưa đón từ Sở GD-ĐT, trung tâm sẽ cử người xuống kiểm tra từng đơn vị trường một cách thường xuyên ngay trong học kỳ 1 của năm học này. Mặt khác, trung tâm cũng đang tiến tới thực hiện phương án kiểm soát bằng thẻ thông minh. Được biết hình thức này đã được thí điểm thành công ở một số trường. Thẻ này giống như thẻ xe buýt, khi HS quẹt thẻ lúc lên xe thì nhà xe sẽ biết em thuộc trường nào, một ngày đi mấy lượt.
“Buýt đón tận nhà” mòn mỏi chờ trợ giá
Một trong những đơn vị thực hiện dịch vụ đưa đón HS tận nhà một cách hiệu quả trong nhiều năm qua là Hợp tác xã Vận tải số 14. Đơn vị này đang phục vụ ở các trường có đông HS ở khu vực quận Tân Bình gồm: THCS Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Gia Thiều, Trường Chinh, Hoàng Hoa Thám với số lượng mỗi trường khoảng 9-10 xe (12 chỗ).
Hài lòng về chất lượng phục vụ của đơn vị này, cũng như các trường trong khu vực, thầy Trần Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên cho biết, nhờ có sự hỗ trợ và làm việc tận tình của doanh nghiệp, mà hơn 100 HS của trường được đưa đón đến trường an toàn, làm cho nhà trường và phụ huynh hết sức an tâm. Đặc biệt, việc đưa đón HS còn giúp giải tỏa áp lực ùn tắc cho nhà trường, 100 em được đưa đón có nghĩa là bớt được 100 chiếc xe máy chờ đón HS ở cổng trường, vì trường có đến hơn 2.000 HS, trường lại nằm ở cung đường nhỏ, lưu lượng người qua lại đông đúc. So với xe buýt đưa đón HS ở các điểm tập trung trên các trục đường lộ, thì đặc thù của xe buýt nhỏ đưa đón HS tận nhà cho dù hẻm lớn hay nhỏ, bất kể mưa nắng, an toàn cho HS cũng là cái vất vả cho các tài xế. Tuy nhiên, họ quên đi vất vả vì lòng yêu thương học trò như con cái mình. Điều mà các tài xế trăn trở nhiều nhất lúc này là tiền trợ giá 2.830 đồng/HS/lượt (trừ chi phí quản lý còn 2.630 đồng/HS/lượt) trong nhiều năm qua vẫn không tăng, trong khi chi phí cầu đường hiện nay là 3.240.000 đồng/năm, giá xăng dầu cũng ngày càng tăng cao. Thậm chí tiền trợ giá từ tháng 1 đến tháng 5-2015 và từ đầu năm học đến nay, các tài xế vẫn chưa được truy lãnh. Về vấn đề chậm trễ tiền trợ giá, ông Nguyễn Văn Gia Thụy cho biết, do hợp đồng thanh toán chưa xong vì quá trình thanh tra chưa có kết luận. Dự kiến một vài ngày tới sẽ có kết luận về vấn đề này để xác định đơn vị nào còn thiếu, đã đủ hoặc làm sai. Sau khi xử lý xong sẽ tiếp tục giải ngân tiền trợ giá cho các đơn vị vận tải theo quy định chung.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)