Tiếp tục kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh”, Dự thảo thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh (HS) tiểu học áp dụng cho chương trình GDPT mới vừa được Bộ GD-ĐT ban hành đã có nhiều điểm mới “mang hơi thở” thời cuộc, bám sát được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của HS mà chương trình mới đặt ra…
Đánh giá HS tiểu học theo mục tiêu chương trình mới đòi hỏi người GV phải “tiệm cận” nhiều hơn với HS. Trong hình HS lớp 1 Trường TH Trần Hưng Đạo Q.1 năm học 2019-2020
Tuy nhiên, nhiều giáo viên (GV) cho rằng, để thông tư thực chất đi vào “trường, lớp”, dự thảo cần phải làm rõ hơn nữa những tiêu chí đề ra, tạo điều kiện cho GV dễ dàng thực hiện.
Nhiều điểm mới mang tính kế thừa, tích cực
Nhiều năm giảng dạy HS khối 1, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (GV Trường TH Bình Trị 2, Q.Bình Tân, TP.HCM) nhận định, dự thảo có khá nhiều điểm mới về cả phương pháp đánh giá và tên gọi môn học để phù hợp với mục tiêu của chương trình mới. Cụ thể, bộ môn âm nhạc và mỹ thuật được đổi tên gọi thành nghệ thuật, đồng thời có thêm môn học mới là hoạt động trải nghiệm, chú trọng kỹ năng tự khám phá kiến thức và kỹ năng sống. Nội dung đánh giá có sự đào sâu hơn, hướng tới hình thành cho trẻ năng lực và phẩm chất của công dân toàn cầu.
“Nếu như chương trình hiện hành chỉ chú trọng hình thành năng lực tự phục vụ, tự quản; hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề và hình thành phẩm chất chăm học chăm làm; tự tin trách nhiệm; trung thực kỷ luật; đoàn kết yêu thương thì trong chương trình mới, dự thảo thông tư chỉ ra rất rõ việc hình thành những năng lực cốt lõi bao gồm cả năng lực chung và năng lực đặc thù. Cùng với đó, những phẩm chất chủ yếu cũng được làm rõ hơn, đề cập đến những phẩm chất rất gần gũi: yêu nước; nhân ái; chăm chỉ; trung thực và trách nhiệm, chú trọng đến quá trình học tập, sự rèn luyện và hình thành kỹ năng sống của HS. Coi trọng sự động viên, khuyến khích trẻ nỗ lực trong học tập, rèn luyện…”, cô Huyền chỉ rõ.
Riêng việc đánh giá, khen thưởng HS bằng hình thức “Thư khen” được thông tư nêu ra, cô Huyền đánh giá đây chính là điểm mới rất đáng ghi nhận, cho thấy sự tiến bộ, bình đẳng, nhất là chú trọng đến phát triển tình cảm, hình thành năng lực cho HS một cách chân thực nhất. Đồng thời tạo ra sự đồng bộ hơn trong việc khen thưởng, để GV đến gần hơn với HS, phụ huynh (PH), tiệm cận hơn với mục tiêu đề ra của chương trình mới. “Thực tế, thư khen hay những món quà nhỏ tặng cho HS có những nỗ lực trong học tập, rèn luyện, có những việc làm tốt, hành động đẹp thời gian qua đã được nhiều GV áp dụng một cách linh hoạt nhằm động viên kịp thời HS. Tuy nhiên, việc đưa vào quy định là điều hết sức cần thiết, phù hợp với sự triển khai mang tính đồng bộ, làm rõ hơn mục tiêu ghi nhận, khích lệ, cổ vũ động viên các em tiến bộ mỗi ngày về học tập, rèn luyện và trau dồi đạo đức”, cô Huyền nhấn mạnh.
Cũng tâm đắc với nhiều điểm mới đề ra trong dự thảo, song cô Phạm Thúy Hà (chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.4, TP.HCM) cho rằng, chính sự kế thừa quan điểm “đánh giá vì sự tiến bộ của HS” trong Thông tư 22 của dự thảo đã giúp GV có sự thuận lợi trong kiểm tra đánh giá, xếp loại HS. “Nội dung đánh giá về năng lực, phẩm chất và các môn học phù hợp với chương trình GDPT 2018, không so sánh HS này với HS khác. Việc thực hiện đánh giá được kết hợp giữa đánh giá quá trình và đánh giá định kỳ có sự tham gia của GV, PH và HS. Đặc biệt, việc đa dạng các hình thức khen thưởng, kịp thời qua khen thưởng đột xuất, thư khen thưởng góp phần tạo động lực để HS cố gắng trong học tập. Phát huy việc nhận xét bằng lời, giảm được áp lực cho GV trong việc ghi chép, nhận xét vào vở”.
Cần làm rõ hơn từng mục để GV dễ dàng thực hiện
Ở góc độ nhà quản lý, thầy Lâm Ngọc Thanh Hà (Phó Hiệu trưởng Trường TH Đống Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phân tích, dự thảo đưa ra được những đề mục gần gũi, không cao siêu nhưng lại đánh giá được từng mặt của HS. Trong khi những điều này ở Thông tư 22, Thông tư 30 và Văn bản 03 trước đó chỉ nêu chung chung. “Tiếp tục duy trì việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, lời nói kết hợp với đánh giá định kỳ, tổng hợp đánh giá, xếp loại chất lượng giáo dục, sử dụng kết quả đánh giá. Trong việc đánh giá HS có đưa ra phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá giúp GV dễ hình dung, tiếp cận để triển khai hệ thống một cách khoa học”, thầy Hà chỉ rõ.
Hơn thế nữa, theo thầy Hà, cái tiến bộ của dự thảo còn thể hiện ở chỗ giảm bớt được việc đánh giá HS của GV để tập trung vào công tác giảng dạy: Đề kiểm tra được thiết kế theo 3 mức từ nhận biết, kết nối đến vận dụng, từ đó GV sẽ nhận thấy HS mình đang đứng ở mức độ nào. Đặc biệt là tận dụng triệt để việc động viên khích lệ HS qua nhiều hình thức, trong đó có mục “Thư khen”, để HS có thêm động lực rèn luyện, học tập cả về đạo đức lẫn kiến thức, tiến bộ từng ngày, ham thích hơn việc đến trường…
Tuy nhiên, thầy Hà cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đánh giá từng mặt HS thì những tiêu chí đánh giá về phẩm chất và năng lực cần phải được nêu rõ ràng, chi tiết hơn nữa trong dự thảo để GV dễ dàng khi triển khai. Thậm chí, ngay trong một môn học cũng nên chi tiết hóa để GV dễ dàng đánh giá, bắt nhịp được. “Dự thảo nên ban hành khung và tiêu chí cụ thể hơn nữa về cách nhìn nhận, nhận xét, lột tả các tiêu chí đánh giá, vừa dễ dàng cho GV, vừa giúp PH hiểu năng lực của con em mình lại tránh sự khuôn mẫu trong nhận xét và đánh giá”.
Ở khía cạnh PH, HS được tham gia vào trong quá trình đánh giá, dự thảo cũng cần phải chi tiết là PH được tham gia đánh giá vào thời điểm nào, ở mức độ nào. Tức là cần phải nêu rõ cho PH phạm vi đánh giá trên mặt bằng nào, bài kiểm tra, sản phẩm… từ đó GV có hướng để triển khai, phối hợp. “Việc PH được tham gia vào quá trình đánh giá HS chính là để “công khai hóa hơn” chất lượng giáo dục nhà trường. Điều này lại đòi hỏi GV phải đưa ra những thang tiêu chí cực chuẩn, người quản lý cũng phải hết sức tinh tế. Trên hết, người GV không thể hời hợt khi tiếp cận HS”, thầy Hà phân tích.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nga (GV khối 1, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) đề xuất, dự thảo cần đưa ra được những lằn ranh về vai trò của PH trong đánh giá HS, để PH không đòi hỏi hay kỳ vọng quá nhiều vào HS. Ngoài ra, những năng lực, phẩm chất trong đánh giá HS cũng nên gắn với bài học để GV linh hoạt khi triển khai.
Về nội dung PH tham gia vào việc đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ HS, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, điều này tiếp tục thể hiện tính kế thừa của Thông tư 22, thế nhưng, cần phải hiểu là cha mẹ HS tham gia vào quá trình đánh giá nhưng không phải trực tiếp mà là gián tiếp. “GV sẽ thường xuyên có sự trao đổi với PH việc điều chỉnh hành vi, kỹ năng, chú trọng đến quá trình tiến bộ của HS. PH đồng hành hỗ trợ điều chỉnh hành vi của con, xây dựng kế hoạch để con tiến bộ hàng ngày chứ không phải là PH “can thiệp” vào kết quả của việc đánh giá. Điều này cần phải được làm rõ hơn trong thông tư, tránh sự hiểu lầm từ phía PH”, cô Huyền bày tỏ.
Một băn khoăn nữa được cô Huyền chỉ ra trong thông tư mới, đó là việc quá chi tiết phẩm chất và năng lực của HS. Phẩm chất là 5, năng lực là 10, trong đó năng lực chung là 3, năng lực đặc thù là 7. Việc chi tiết này, xét về mặt tích cực sẽ giúp GV, PH nhìn thấy rõ ràng hơn về năng lực, phẩm chất của một HS để có sự can thiệp, uốn nắn. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu lại để tránh sự trùng lắp, phức tạp cho GV. “7 năng lực đặc thù nêu ra trong thông tư mới là ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất đều đã thể hiện ở trong các môn học rồi. Do đó, khi đưa thêm vào tiêu chí đánh giá HS vô tình tạo ra sự trùng lặp, làm rối rắm, phức tạp cho GV. Có thể dẫn đến tình trạng GV làm đối phó, gây phản tác dụng, không gây hiệu ứng khích lệ HS”.
Để hiểu và đưa ra những lời nhận xét đúng đắn mang tính khích lệ, tác động tích cực đến một HS tiểu học không phải dễ dàng. Theo cô Huyền, mỗi lớp vài chục trẻ, nếu đòi hỏi quá chi tiết e rằng sẽ có thể ảnh hưởng đến chuyên môn GV. “Điều quan trọng đó là đi cùng với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá thì cần phải giảm sĩ số lớp học để giảm tải áp lực cho GV. Có như vậy GV mới có thể chuyên tâm vào công tác giảng dạy, đánh giá HS một cách chuẩn xác nhất”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)