Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần trút bỏ nhiều hơn gánh nặng sổ sách cho giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, có hiệu lực từ ngày 1-11-2020, giáo viên phổ thông chỉ còn 4 loại hồ sơ, sổ sách sau đây: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (được gọi là giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp). Như vậy, so với trước đây đã giảm đi rất nhiều loại sổ sách, như sổ nhật ký, sổ họp, sổ dự giờ. Kèm theo đó là việc áp dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các trường học hiện nay, giúp cho công việc thi cử, kiểm tra, điểm số, sổ sách (sổ liên lạc, sổ điểm…) của giáo viên trở nên nhẹ nhàng hơn. Đây là những quy định cần thiết nhằm giảm bớt gánh nặng sổ sách cho giáo viên vốn đè nặng lên vai thầy cô nhiều năm qua, giúp giáo viên có thời gian nhiều hơn để đầu tư cho việc giảng dạy và học tập, tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy Bộ GD-ĐT đã quy định khá rõ ràng như trên, song khi áp dụng ở nhà trường, chúng tôi thấy còn nhiều điểm bất nhất do cách làm của từng trường. Chẳng hạn như kế hoạch giáo dục ở đây được hiểu là kế hoạch của tổ bộ môn được xây dựng trên kế hoạch chung của trường theo học kỳ, năm học. Giáo viên giảng dạy dựa vào kế hoạch ấy. Cần thiết hơn thì có thêm kế hoạch cá nhân của giáo viên để cụ thể hóa công việc. Chứ không nên quy định thêm hồ sơ khác. Giáo án giảng dạy cũng nên linh hoạt, vì đa số giáo viên hiện nay áp dụng nhiều cách giảng dạy khác nhau. Nếu chỉ đánh giá ở giáo án bản in theo như trước đây là không còn phù hợp. Một điểm mới nữa là kèm theo sổ điểm hiện hành còn có thêm phần theo dõi, đánh giá. Vì vậy sự tích hợp giữa phần ghi điểm và ghi lời phê như thế nào cho gọn gàng là cần phải cân nhắc. Đối với sổ chủ nhiệm, nhiều trường học hiện nay còn yêu cầu giáo viên ghi chép khá nhiều. Cho nên cần đơn giản, gọn nhẹ hơn. Những nội dung đã có ở bản in thì giáo viên chỉ cần lưu lại để kiểm tra, chứ không cần phải ghi chép lại vì mất thời gian.

Nhiều trường còn nặng nề về thi đua, về điểm số liên quan đến những công việc ghi chép của giáo viên, khiến cho thầy cô còn cảm thấy nặng nề. Vì vậy áp lực về hồ sơ, sổ sách chưa thật sự được trút bỏ hoàn toàn cho giáo viên.

Trn Nhân Trung

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)