Kem, miến cay Trùng Khánh, đậu tương xối mỡ… những đồ ăn vặt Trung Quốc đang được rao bán rầm rộ trên các trang mạng có rất nhiều trong các lô hàng nhập lậu bị thu giữ gần đây.
Trên thị trường, đang xuất hiện nhan nhản hàng nội địa Trung Quốc, đặc biệt là đồ ăn vặt đủ thể loại mà phần lớn là hàng trôi nổi, khó kiểm soát chất lượng.
Đồ ăn vặt Trung Quốc "oanh tạc" thị trường Việt
Đồ ăn vặt gắn mác “nội địa Trung Quốc (TQ)” đang gây cơn sốt với hàng loạt sản phẩm như: chân gà muối cay, bánh bông lan, bánh chuối, bánh sữa chua, hạt dẻ tẩm mật ong… “Hot” nhất mùa này là các loại kem sô-cô-la, kem dâu, kem bắp, kem vani, kem đậu xanh… đủ màu sắc, có giá chỉ 3.000 đồng/cây.
Chân gà cay Trung Quốc hiện được các đầu mối rao bán và có thể chuyển hàng ở bất cứ đâu |
Chị Nga, một đầu mối chuyên bán hàng nội địa Trung Quốc trên Facebook giới thiệu một thùng kem Trung Quốc 40 cây có 15 vị khác nhau, giá chỉ 120.000 đồng/thùng; nếu mua sỉ hai thùng trở lên, giá chỉ còn 100.000 – 110.000 đồng/thùng. Kem có hạn sử dụng 5 tháng. Theo chị, khách lẻ thường gom hai, ba người mua chung để được giá rẻ, bỏ tủ lạnh dùng dần; còn khách mua sỉ thường mua loại thùng 400 cây, giá ưu đãi chỉ 1 triệu đồng, gồm cả kem cây và kem ốc quế đủ hương vị.
Các đầu mối chuyên bán sỉ kem cho biết, hàng này bán chạy “như tôm tươi”, nhất là mùa nắng nóng, có người bán được 40 – 50 thùng/ngày, muốn mua thì chuyển khoản tiền cọc, một vài ngày sau nhận hàng, thanh toán đủ. Khu vực phía Bắc tiêu thụ mạnh hơn trong Nam, do đơn hàng xa phải cộng thêm phí vận chuyển và phí đá khô bảo quản nên giá bị đội lên.
Nhiều nơi rầm rộ quảng cáo đồ ăn vặt Trung Quốc bán theo ký, combo hàng chục món từ chay đến mặn. Món xếp đầu bảng được các tín đồ ăn vặt “săn” nhiều nhất là chân gà muối cay. Gõ cụm từ “chân gà muối cay Trung Quốc” trên Google, ra khoảng 6 triệu kết quả trong 0,48 giây. Có đủ loại chân gà xốt cay, chân gà muối ớt xanh… giá từ 23.000 – 29.000 đồng/gói (tùy loại).
Đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc được rao bán nhan nhản nhưng khó kiểm soát chất lượng |
Tương tự, còn có cánh vịt cay, chân vịt cay nội địa Trung Quốc. Khách hàng thích ăn chay thì… mặn có gì, chay có đó: thịt bò miếng ướt, đuôi bò xốt sa tế, khô mực sa tế, tôm xốt thịt viên, snack vịt quay… chay, giá chỉ 8.000 đồng/gói. Nơi bán chào hàng theo combo hàng chục món và mua theo ký, giá 320.000 đồng giảm còn 256.000 đồng/kg.
Hầu hết các nơi bán đều khẳng định, hàng nội địa Trung Quốc sản xuất cho người Trung Quốc ăn, khác hàng xuất khẩu nên rất yên tâm về chất lượng. Thế nhưng, bao bì in toàn chữ Trung Quốc, người mua chỉ nhìn hình ảnh để đoán là loại kem gì, đồ ăn vặt gì chứ không có thông tin tiếng Việt nào về sản phẩm, kể cả ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Bắt cứ bắt, hàng vẫn bán chạy ầm ầm
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, các lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn liên tục phát hiện vụ vận chuyển kem Trung Quốc nhập lậu, mới nhất là bắt 5 vụ thu giữ hơn 22.000 cây kem. Toàn bộ số kem này đã bị tiêu hủy, các đối tượng vi phạm bị xử phạt 32 triệu đồng.
Theo lời khai của chủ lô hàng ở Lạng Sơn, kem được mua tại cửa khẩu Chi Ma, vận chuyển về TP.Lạng Sơn để bán lẻ kiếm lời.
Lô hàng gồm 8.000 que kem các loại do Trung Quốc sản xuất, được đóng trong 200 hộp carton (40 que/hộp) bị QLTT Lào Cai bắt giữ ít ngày trước |
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT thông tin với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, trước mắt mới phát hiện lượng lớn kem Trung Quốc nhập lậu, tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, chưa phát hiện ở khu vực phía Nam. Tổng cục đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này, vì kem Trung Quốc nhập lậu chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Ông Linh khuyến cáo, theo quy định về an toàn thực phẩm, sản phẩm không có nhãn tiếng Việt, chưa công bố chất lượng và không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, sẽ bị tịch thu, tiêu hủy. Người tiêu dùng không nên ăn các sản phẩm này, bởi chúng không an toàn. Theo ông Linh, sắp tới, sẽ mở rộng kiểm tra các mặt hàng đồ ăn vặt quảng cáo hàng nội địa Trung Quốc.
Nếu vận chuyển trót lọt, những thùng kem Trung Quốc nhập lậu sẽ được bán dưới dưới dạng hàng xách tay |
Thực tế cho thấy, phần lớn hàng nội địa Trung Quốc là hàng xách tay và được cá nhân chào bán, không phải hàng nhập chính ngạch nên không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.
Lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh cũng từng phát hiện lô hàng hơn 1 tấn thạch trái cây Trung Quốc không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và một lô chân gà xuất xứ từ Trung Quốc bốc mùi hôi thối, đang được vận chuyển đi tiêu thụ.
Chúng tôi đặt vấn đề, vì sao kem Trung Quốc và cả đồ ăn vặt xuất xứ Trung Quốc vẫn được rao bán rầm rộ trên mạng dù chưa được kiểm soát chất lượng, ông Linh cho rằng, cần phải phối hợp nhiều cơ quan chức năng vì các điểm bán trên mạng khó xác định được kho hàng.
Lực lượng QLTT từng đến địa chỉ rao nhưng địa chỉ không có thực, hàng hóa không có. Đa số người kinh doanh trên mạng chỉ đăng hình ảnh quảng cáo, khi có người mua mới huy động nguồn hàng từ nơi khác.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu QLTT kiểm soát chặt chẽ thì vẫn có thể truy ra người bán để xử lý nếu bán hàng trôi nổi, không nguồn gốc, không công bố chất lượng. Việc đóng vai người mua hàng để phát hiện các đầu nậu vi phạm không quá khó.
Theo Nguyễn Cẩm/Phụ Nữ
Bình luận (0)