Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mầm non thể thao cũng cần có kiến thức

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh THPT thi đấu môn bóng rổ tại Hội khỏe Phù Đổng TP.HCM năm học 2015-2016. Ảnh: T.B

Hiện nay trong các trường phổ thông có không ít vận động viên (VĐV) thể thao cấp quận và cấp thành phố theo học. Những trường có học sinh là VĐV cũng rất tự hào khi các em đạt thành tích cao trong các giải thi đấu thể thao. Tuy nhiên, kèm theo sự tự hào đó, nhà trường hết sức lo lắng về việc học tập của những em này. Bởi ngoài giờ học ở trường, những học sinh là VĐV chỉ biết đến luyện tập và thi đấu thể thao. Chính vì thế, hiếm thấy học sinh là VĐV đạt danh hiệu khá giỏi. Mặc dù sau những ngày nghỉ học tập trung luyện tập và thi đấu, trở lại trường, các em đã được thầy cô nhiệt tình bổ sung kiến thức nhưng vẫn không đạt được hiệu quả cao bởi các em không thể nhồi nhét một lượng kiến thức lớn vào cùng lúc. Lớp càng cao thì kiến thức càng khó.

Một học sinh của lớp tôi đang dạy là VĐV cấp thành phố. Đã lên lớp 5 nhưng em học rất yếu: Viết sai chính tả rất nhiều, không viết được một đoạn văn trôi chảy, không làm được chính xác phép nhân, chia nhiều chữ số, không biết giải toán có lời văn… Tôi đã cố gắng dạy em các kiến thức căn bản ở lớp dưới từ đầu năm đến nay nhưng em vẫn chưa tiến bộ nhiều. Thế mà mới đây, phụ huynh của em đã đến xin cho con nghỉ học 10 ngày để đi thi đấu. Tôi đã trao đổi với phụ huynh về việc học tập của em, phụ huynh trả lời: “Tôi biết nó học yếu chứ thầy. Bởi vậy, tôi cho nó theo thể thao luôn. Hiện tại, nó lãnh một tháng trên 5 triệu đồng đó thầy!”.

Đam mê thể thao, chọn thể thao làm sự nghiệp là một điều rất tốt. Thế nhưng, qua độ tuổi để làm VĐV, nếu không có kiến thức, các em sẽ làm gì để sống? Muốn trở thành huấn luyện viên thì các em phải có bằng tốt nghiệp THPT. Chính vì thế, theo tôi, các trung tâm TDTT cần tính đến việc hợp tác với các trung tâm văn hóa ngoài giờ để có giáo viên dạy bổ sung kiến thức ngay cho VĐV trong các đợt huấn luyện, thi đấu dài ngày. Các cuộc thi đấu quan trọng ở lứa tuổi này nên tổ chức vào lúc các em nghỉ hè. Và điều quan trọng nhất là phụ huynh cần phải xác định con đường tương lai của con em mình mà đừng xem nhẹ việc học tập. Xin đừng để câu nói đùa vui: “Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” trở thành hiện thực.

Nhân Tâm

Bình luận (0)