Các năm trước, thời gian nghỉ hè ít và học sinh đi học lại khá sớm, khoảng giữa đầu tháng 7 hàng năm. Vì vậy các em học sinh, nhất là những lớp cuối cấp (lớp 9, 12), hầu như không biết mùa hè là gì. Những năm gần đây, tình hình lạc quan hơn, người học và người dạy được nghỉ dài hơn, từ cuối tháng 5 đến giữa đầu tháng 8.
Các liên hoan tiếng hát thiếu nhi – sân chơi bổ ích cho trẻ trong dịp hè
Nhiều niềm vui vì được nghỉ hè dài ngày
Được nghỉ dài ngày như thế học sinh có thêm thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi. Nhiều em có điều kiện đi du lịch, có cơ hội trải nghiệm dài ngày ở vùng quê, ở môi trường quân đội, học các lớp kỹ năng sống. Những em lực học yếu kém, hổng kiến thức có thể củng cố vững chắc để tự tin bước vào năm học mới. Trong khi đó, giáo viên có điều kiện thực hiện kế hoạch dài ngày. Các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên có điều kiện tổ chức. Trường học có thời gian để chỉnh trang, tu sửa, tránh tình trạng vừa học vừa bảo trì cơ sở vật chất. Những người làm công tác tổ chức thi cử, tuyển sinh không phải xoay công việc như chong chóng… Với nhiều ý nghĩa như thế, nên hiệu quả dễ thấy nhất là vào đầu năm học mới đã bớt đi tình cảnh học sinh còn “ngái ngủ” vì việc học. Bớt đi nét mệt nhọc trên khuôn mặt giáo viên. Mà ai cũng phấn khởi, đầy năng lượng cho một chặng đường phía trước.
Song ý nghĩa nhất cần thấy ở đây là bài học lớn cho ngành giáo dục từ việc biến một chủ trương trở thành hiện thực, mà điều kiện tiên quyết là thái độ quyết liệt. Chủ trương trả lại quyền nghỉ hè cho học sinh đã có từ lâu, nhưng nhiều địa phương, nhiều trường học vẫn cố tình phớt lờ. Nhờ báo chí, xã hội lên tiếng, nhiều trường học dù đang tổ chức học hè buộc phải dừng lại. Đó là những dẫn chứng thực tế mà ai cũng thấy thời gian vừa qua.
Mùa hè chưa trọn vẹn
Quan sát ở nhiều trường phổ thông, chúng tôi thấy đa số đều có kế hoạch hoạt động hè với những nội dung rất hữu ích, hấp dẫn. Thế nhưng, vì không yêu cầu bắt buộc mà tự nguyện nên có rất ít học sinh tham gia. |
Trò chuyện với chúng tôi, một phụ huynh ở quận Gò Vấp (TP.HCM) có con học lớp 6 lo lắng than thở: “Từ hôm nghỉ hè đến giờ, tôi thấy con gái thường xuyên chơi điện thoại. Có hôm cháu nằm dài trên giường chơi game hàng tiếng đồng hồ, từ sáng đến trưa…”. Thực tế thì rất nhiều phụ huynh, do bận bịu công việc, nên kỳ nghỉ hè dài ngày của con em không ai trông nom, kiểm soát. Đa số phụ huynh coi vật giữ chân con em mình trong nhà là chiếc ti vi, điện thoại, và các em tự do sử dụng mà ít ai kiểm soát. Lúc đầu là những trò giải trí đơn giản, sau đó các em đi đến nghiện trò chơi game bạo lực, những phim ảnh dài tập, thậm chí cả những trang mạng tiêu cực. Một phụ huynh có con nhỏ học tiểu học ở quận 12 cho biết: “Kỳ nghỉ của 2 con tôi khá đơn giản, sau một chuyến đi du lịch xả hơi, các cháu chính thức nghỉ hè tại nhà. Tôi cho các cháu học thêm Anh văn tại một trung tâm 2 buổi chiều, còn lại tự học thêm ở nhà. Nói tự học tại nhà chứ chẳng có kết quả bao nhiêu. Hàng ngày vợ chồng tôi đi làm, ở nhà đứa lớn giữ đứa bé”. Các thực tế trên của phụ huynh là rất phổ biến mà chưa có giải pháp để khắc phục. Những năm gần đây, kỳ nghỉ hè thường rất dài, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8. Trong khi đó đa số phụ huynh, nhà trường cũng như địa phương chưa có một kế hoạch cụ thể để lấp vào khoảng trống đó cho các em.
Quan sát ở nhiều trường phổ thông, chúng tôi thấy đa số đều có kế hoạch hoạt động hè với những nội dung rất hữu ích, hấp dẫn. Thế nhưng, vì không yêu cầu bắt buộc mà tự nguyện nên có rất ít học sinh tham gia. Các hoạt động “Hoa phượng đỏ”, “Mùa hè xanh”… cũng chủ yếu dành cho một số đoàn viên tích cực. Còn các hoạt động của phường/xã ở địa phương thì chưa lôi cuốn do cách tổ chức. Những khóa học trải nghiệm cho các em, như học trong môi trường quân đội, nhà chùa… còn quá đặc thù riêng, chưa thật sự phổ biến. Thực tế đó dẫn đến tình cảnh, hoặc là các em vùi đầu vào sách vở để lấp đi khoảng trống ngày hè, hoặc là quá nhàn rỗi và dễ bị tiêm nhiễm cái xấu bởi các trang mạng xã hội.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ phụ huynh, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và nhà trường phải có kế hoạch sinh hoạt, học tập trong hè cho học sinh. Các hoạt động ấy phải yêu cầu bắt buộc. Nhà trường cũng nên đưa các hoạt động giáo dục (như dạy kỹ năng, học nghề) trong năm vào hoạt động trong hè. Để vừa giảm áp lực học tập cho các em, vừa lấp khoảng trống nghỉ hè dài ngày ấy.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)