Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xây thêm 22 trường mầm non tại các KCN

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP vừa công bố Chỉ thị 16/2015/CT-UBND của UBND TP về đẩy mạnh các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX).

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn ngành GD-ĐT TP.HCM 5 năm 2016-2020, số phòng học ngành giáo dục mầm non (GDMN) cần xây dựng mới bổ sung 2.740 phòng học, kinh phí cần tới trên 6.000 tỷ đồng. Để tháo gỡ khó khăn về kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) thì nguồn vốn huy động ngoài xã hội ước đạt 3.000 tỷ đồng.

Chỗ học MN năm nào cũng “nóng”

Do tình hình tăng dân số cơ học diễn tiến quá nhanh dẫn đến số lượng trẻ trong tuổi MN tại các quận, huyện tăng cao, ở các địa phương có nhiều KCN-KCX nhu cầu gửi trẻ ở độ tuổi MN, nhất là độ tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) ngày càng tăng. Hệ thống các cơ sở GDMN cả công lập và ngoài công lập chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều cơ sở có chất lượng còn rất hạn chế. Việc đầu tư xây dựng cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn về đất đai và kinh phí xây dựng trường.

Ông Lê Minh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức – cho biết: “Hiện tại trên địa bàn quận có trên 150 đơn vị MN, gồm công lập và dân lập. Tuy nhiên, những khu vực còn thiếu trường và chưa đáp ứng đủ chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn phường, trong đó có con em của công nhân như phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Trung vì số lượng công nhân tới thuê trọ, người ngoại tỉnh… năm nào cũng tăng cao. Vì vậy, dù trên địa bàn những phường này có trường MN công lập và rất nhiều trường MN tư thục, dân lập, nhóm trẻ cũng không đáp ứng đủ chỗ học”.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân thăm Trường MN 30/4 vừa được xây mới tại KCN Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM)

Còn theo ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân: Quận có 125 cơ sở MN và nhóm trẻ gia đình chưa có phép đang nuôi dạy hơn 6.000 trẻ trong khi chỉ có 16 trường MN công lập, 45 trường ngoài công lập chăm sóc 26.976 cháu. Thời gian vừa qua, quận đã rà soát, hướng dẫn để nhóm trường này hoàn chỉnh thủ tục xin cấp phép thành lập. “Thậm chí chúng tôi còn hướng dẫn họ về văn bản, liên hệ phòng ban nào của quận để có thể vay vốn của TP, quận nhằm nâng cao CSVC, trang thiết bị phục vụ cho dạy học. Hi vọng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội, Bình Tân sẽ nhanh chóng có đủ trường, phòng học cho con em công nhân và một bộ phận không nhỏ các cháu chỉ có KT2, KT3”, ông Tuyên chia sẻ.

Ông Nguyễn Trí Dũng – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho rằng: Việc tăng dân số cơ học đang là vấn đề nóng trên địa bàn huyện, nhất là ở những xã có KCN-KCX như: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân… đã gây áp lực lớn đến sĩ số HS/trường /lớp. Riêng đối với bậc MN nhu cầu gửi con của công nhân rất lớn, trong khi CSVC của nhiều xã chưa được hoàn chỉnh, có nhiều điểm lẻ, nhiều trường MN ngoài công lập và nhóm trẻ khó khăn về tài chính nên việc đầu tư cho cơ sở GDMN bị hạn chế, tạm bợ…

Trước năm 2020, hoàn thành 22 trường MN

Chỉ thị 16 của TP nêu rõ: Các sở, ban, ngành cùng UBND các quận, huyện khi phê duyệt quy hoạch phát triển KCN phải có quy hoạch về nhà ở cho người lao động, trong đó có một phần diện tích để xây dựng cơ sở GDMN. Sở Kế hoạch – Đầu tư có nhiệm vụ huy động vốn ODA và các nguồn vốn khác hỗ trợ phát triển CSVC cho các trường. Sở Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn các quận, huyện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu xây dựng trường, ban hành các quy định cụ thể về ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ duyệt cấp đất xây dựng…; Chủ tịch UBND các quận – huyện rà soát, đánh giá và chỉ đạo thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về XHHGD, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn vay và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở GDMN phục vụ nhu cầu của cán bộ và công nhân KCN. Đối với các KCN đang hoạt động nghiên cứu dành quỹ đất để xây dựng trường MN.

Ông Nguyễn Quốc Vĩnh – Trưởng phòng Xây dựng KCN-KCX TP.HCM (Hepza) cho biết: “Sau khi được TP đồng ý chủ trương cho triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xây trường, Hepza đã quy hoạch, tìm vị trí đất cho 22 trường trong các KCN-KCX, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành các dự án trường MN trước năm 2020. Hepza sẽ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đảm bảo đến năm 2020, đáp ứng cơ bản nhu cầu, trường lớp MN ở các KCN trên địa bàn TP”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)