Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Những “khoảng trống” cần được khỏa lấp

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giáo dục là đào tạo thế hệ trẻ có tri thức, đạo đức, bản lĩnh, có những kiến thức sâu sắc, toàn diện về quê hương, đất nước, từ đó có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả phần đất liền cũng như biển, đảo. Trong đó, biển, đảo là phần lãnh thổ thiêng liêng, phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Do vậy, giúp học sinh hiểu rõ hơn về biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục.

Các em học sinh tham gia phần thi tìm hiểu về biển, đảo quê hương. Ảnh: I.T

Những kiến thức cơ bản về lãnh thổ đã được trang bị chủ yếu trong chương trình địa lý ở các bậc học phổ thông. Tuy nhiên, để thự sự hiểu rõ về biển, đảo Việt Nam cũng như những kiến thức liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo thì sách giáo khoa chưa có điều kiện đề cập tới một cách đầy đủ, hệ thống.

Thiếu hụt kiến thức về chủ quyền biển đảo

Xét trên các yếu tố lịch sử và pháp lý quốc tế, hiến pháp và nhiều bộ luật của nước ta đều khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách giáo khoa Địa lý Việt Nam bậc học phổ thông cũng đã đề cập vấn đề chủ quyền của hai quần đảo này là của Việt Nam. Tuy nhiên, sách giáo khoa môn lịch sử phổ thông hiện lại không có một dòng nào đề cập tới vấn đề “chủ quyền” khi viết về Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời gian gần đây, khi “vấn đề Biển Đông” được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận thì những kiến thức về “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng, dư luận cho rằng, việc khẩn trương bổ sung nội dung chủ quyền biển, đảo vào chương trình môn lịch sử là hết sức cần thiết.

Qua tìm hiểu được biết, rất nhiều giáo viên dạy lịch sử đều có mong muốn đề nghị Bộ GD-ĐT sớm bổ sung nội dung giáo dục về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa môn lịch sử, nhất là trong bối cảnh tình hình biển Đông đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay. Mặc dầu vậy, vấn đề đáng quan tâm là việc học sinh thờ ơ với môn lịch sử cùng với chất lượng dạy và học môn học có nhiều nét đặc thù này trong những năm qua còn nhiều bất cập. Điều này được thể hiện phần nào trong kết quả của kỳ thi THPT quốc gia những năm qua. Dư luận xã hội và  cả những người “trong cuộc” đã phải “giật mình”, bởi hàng năm, số học sinh đạt dưới điểm trung bình chiếm tỉ lệ khá cao trong các kỳ thi quan trọng. Đây thực sự là thực trạng đáng báo động trong việc dạy và học môn học có vị trí đặc biệt quan trọng này.

Cần được bù đắp kịp thời

Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo cho học sinh, bên cạnh việc cải tiến nội dung chương trình và nâng cao chất lượng dạy, học môn lịch sử, các nhà trường cần lồng ghép kiến thức về chủ quyền biển đảo vào các môn khoa học xã hội khác như, địa lý, ngữ văn, giáo dục công dân. Bên cạnh đó, giáo viên có thể phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các trường học có thể giành thời gian trong những tiết chào cờ sáng thứ hai hàng tuần để lồng ghép nội dung vấn đề biển đảo; vận động đoàn viên thanh niên ủng hộ các phong trào thiết thực như “Góp đá cho Trường Sa”…

Thời gian gần đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn tích hợp nội dung giáo dục tài nguyên, môi trường biển, đảo vào chương trình giáo dục mẫu giáo năm tuổi và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc. Vấn đề biển, đảo cũng đã xuất hiện trong những kỳ thi mang tầm quốc gia thời gian vừa qua khiến các thí sinh có cơ hội tiếp cận và thể hiện quan điểm của mình trong việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây có thể xem là những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành giáo dục trong việc nâng cao tinh thần dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ cho thế hệ học sinh, sinh viên. Thế hệ học sinh ngày nay lớn lên không phải chứng kiến sự tàn khốc, hủy diệt, những hy sinh, mất mát của chiến tranh mà chỉ biết qua phim ảnh, sách báo và các môn học xã hội ở các bậc học phổ thông. Tuy nhiên, nếu giới trẻ ngày nay không có vốn hiểu biết cần thiết về độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc thì rất dễ nảy sinh thái độ thờ ơ với thời cuộc, đồng thời, không thể bồi đắp được những phẩm chất cần có của người công dân tương lai.

Bùi Minh Tuấn
(Trường THPT Kim Liên,  Nam Đàn – Nghệ An)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)