Làm công tác quản lý không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” mà luôn gặp những tình huống khó xử! Người thầy luôn phải là tấm gương cho học sinh noi theo từ phong cách, ăn nói, đi đứng, cư xử và mọi sinh hoạt hàng ngày.
Trường tôi cũng vậy, năm nào vào đầu năm học, học sinh (HS) phải học nội quy và việc thực hiện, chấp hành luôn thường xuyên được kiểm tra, nhắc nhở. Nếu HS có nội quy thì đối với thầy cô giáo, cũng có những quy định của ngành về mọi mặt, trong đó có trang phục, giày dép…
Nhìn chung, HS chấp hành rất nghiêm túc; dù nhiều gia đình có khó khăn nhưng phụ huynh vẫn mua giày, dép sandal cho con em đi học. Giáo viên thì luôn chấp hành tốt để xứng đáng là người thầy, là tấm gương cho các em…
Tuy vậy, có trường hợp thầy A. làm cho tôi nhiều khi khó xử, khó trả lời với HS. Đó là thầy luôn mang dép da không quai hậu đi dạy quanh năm, mùa mưa cũng như mùa khô! Có những buổi sinh hoạt dưới cờ, trong lúc tôi nhắc nhở HS đồng phục thì bên dưới ồn ào, một số HS chỉ trỏ…
Thì ra thầy A. ngồi dãy bàn đầu, vẫn mang đôi dép da “bất ly thân”… Tan buổi chào cờ, có HS gặp tôi và hỏi: “Sao thầy A. mang dép được mà tụi con không được?”. Tôi chưa tìm ra câu trả lời nên đành “hạ nhiệt” rằng thầy sẽ gặp và góp ý sau cho thầy A.
Trong một lần mời uống cà phê, sau phần hỏi thăm tình hình gia đình và việc học tập của HS; tôi đưa câu hỏi ấy cho thầy A. Thầy nói rằng bản thân không quen đi giày, vừa nặng nề vừa gò bó, nóng nực…
Tôi bàn thêm là đi dép có quai hậu được không thì thầy A. nói không được, vì nó vướng víu lắm! Tôi nói rằng việc mang giày, dép có quai hậu là quy định của ngành, quy định của công chức Nhà nước thì thầy A. chống chế, ai nói gì thì chịu chứ không mang giày được!
Người thầy phải biết chấp hành quy định đã đành mà còn phải biết hy sinh những thói quen cố hữu; biết thu nhỏ cái “tôi” của mình để hòa mình vào tập thể, vì tập thể… Hơn nữa, người thầy trong mắt HS là người hoàn hảo, toàn diện và là tấm gương sáng cho các em.
Tưởng chuyện giày dép là chuyện nhỏ nhưng thực ra không hề nhỏ như nhiều người vẫn suy nghĩ! Nó thể hiện vị thế, chỗ đứng của người thầy trên bục giảng và lời nói, lời nhắc nhở của người thầy có trọng lượng hay không? Giả sử có HS mang dép không quai đi học, thầy muốn nhắc nhở có “kỳ” lắm không? Cái “tôi” của ai cũng có nhưng một khi sống, công tác trong một tập thể thì phải biết đặt quyền lợi, danh dự của tập thể lên trên hết!
Hoàng Sa Việt
(Sóc Trăng)
Bình luận (0)