Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sử dụng sơ đồ tư duy có hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Sơ đồ tư duy là công cụ năng động, hấp dẫn giúp con người suy nghĩ và lên kế hoạch nhanh chóng cũng như hiệu quả hơn. Từ khi ra đời đến nay, nó đã phát huy hiệu ứng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của xã hội, trong đó có giáo dục.

Học sinh Trường THPT Tây Thạnh (TP.HCM) trong tiết học văn “Phát biểu theo chủ đề” có minh họa sơ đồ tư duy. Ảnh: N.Tuấn

Sơ đồ tư duy (SĐTD) hay còn gọi lược đồ tư duy, bản đồ tư duy (Mind map) là phương pháp dạy học chú trọng đến cơ chế ghi nhớ, dạy cách học, cách tự học nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức… bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. Đặc biệt, đây là một dạng sơ đồ mở không yêu cầu tỷ lệ chi tiết chặt chẽ như bản đồ địa lý, học sinh có thể tự ý vẽ thêm hoặc bớt đi các nhánh. Mỗi em có thể sáng tạo một kiểu khác nhau thông qua những màu sắc, hình ảnh, chữ viết và các cụm từ diễn đạt khác nhau. Tuy cùng một chủ đề nhưng mỗi cá nhân, các nhóm có thể thể hiện nó dưới dạng SĐTD theo cách riêng của mình. Do đó, việc lập SĐTD phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi người. Vậy giáo viên và học sinh nên sử dụng SĐTD trong hoạt động nào của quá trình dạy học?

Thứ nhất, sử dụng SĐTD trong việc hệ thống, củng cố kiến thức sau mỗi bài học, mỗi phần của bài học. Khi kết thúc bài học, củng cố kiến thức giáo viên thường sử dụng SĐTD (đây là lúc SĐTD phát huy thế mạnh). Sau khi học sinh nhắc lại kiến thức do giáo viên yêu cầu, các em sẽ tự tạo lập một SĐTD cho mình hoặc cùng với nhóm chung để thiết kế một SĐTD khái quát bài học. Đó là khả năng đánh thức trí nhớ, khơi gợi khả năng tổng hợp, hệ thống hóa kiến thức, khả năng sáng tạo.

Thứ hai, sử dụng SĐTD trong quá trình dạy bài mới. Trong quá trình dạy, SĐTD chỉ là công cụ hoặc bảng phụ của giáo viên nhưng rất ít khi sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu biết phát huy thì việc sử dụng SĐTD kết hợp với ghi bảng, giảng bài là một thuận lợi đặc biệt là những bài khái quát về tác giả, ôn tập tác phẩm, tiếng Việt, làm văn. Đây được coi như một thứ “gia vị” mới tăng sức hấp dẫn cho bài học, tạo hứng thú, khơi gợi trí tưởng tượng sáng tạo của học sinh. Và cũng vì vậy mà các em có cách ghi bài khác bằng SĐTD. Ví dụ, khi dạy Truyện Kiều, giáo viên vẽ SĐTD bằng cụm từ khóa tên tác phẩm. Từ các câu hỏi sẽ có thêm nhánh tác giả, tác phẩm và các nhánh nhỏ hơn về xuất thân, thời đại, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của tác giả hay nguồn gốc thể loại, kết cấu, giá trị của tác phẩm.

Thứ ba, sử dụng SĐTD trong kiểm tra, đánh giá chung. Đây là việc làm ít được áp dụng vì trước nay vẫn theo truyền thống cũ. Giáo viên không dám mạnh dạn đổi mới, hoặc nếu có thì chưa hẳn đã được cấp quản lý, lãnh đạo đồng thuận tạo điều kiện.

Thứ tư, sử dụng SĐTD trong kiểm tra bài cũ. Theo đó, thay vì gọi học sinh lên bảng hỏi những câu liên quan đến bài học trước, giáo viên có thể sử dụng SĐTD để kiểm tra các em. Giáo viên có thể gọi 1 em lên vẽ SĐTD cho bài học trước đồng thời gọi 1 em khác lên vấn đáp kiến thức cũ. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể kiểm tra bài cũ cả lớp bằng cách yêu cầu mỗi em tự vẽ SĐTD khái quát nội dung bài học trước, hoặc khái quát 1 phần bài học trước. Cách này giúp học sinh tránh xa kiểu học vẹt máy móc, khuyến khích tư duy logic, sáng tạo của bản thân.

Thứ năm, sử dụng SĐTD trong kiểm tra 15 phút và 1 tiết. Cách này tạo hứng thú mới cho học sinh, giảm bớt tâm lý nặng nề, nhàm chán cho các em mỗi khi nghe thông báo có bài kiểm tra. Tuy nhiên, nếu thực hiện giáo viên cần báo trước với tổ trưởng chuyên môn hoặc ban giám hiệu nhà trường để được đồng thuận, phê duyệt. Trong trường hợp này chỉ nên hỏi những kiến thức tổng hợp, khái quát, mô hình hóa kiến thức về từ loại, danh từ, động từ, tính từ, về các phương châm hội thoại… Với phân môn Làm văn, giáo viên có thể đề nghị các em mô hình hóa kiến thức của văn thuyết minh, văn tự sự, nghị luận xã hội. Mô hình hóa các nội dung về tác giả, một phần nội dung của văn bản, về các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong phân môn đọc văn. Ví dụ: Từ tiếng Việt gồm những loại nào? Em hãy vẽ SĐTD giới thiệu chi tiết về chúng? Hoặc: Với cụm từ khóa “Viếng lăng Bác”, em hãy lập SĐTD ghi lại diễn biến tâm trạng cảm xúc của tác giả theo trình tự không gian và thời gian qua mỗi khổ thơ?…

Tóm lại, giáo viên có thể sử dụng SĐTD trong mọi hoạt động của quá trình dạy học. Khi sử dụng chúng sẽ phát huy sự hứng thú, chủ động, sáng tạo, rèn luyện tư duy logic… ở học sinh. Nhờ vậy bài giảng của giáo viên chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, giáo viên cần biết tiết chế đủ liều lượng, chừng mực không quá lạm dụng. Việc lạm dụng vẽ SĐTD sẽ có tác dụng ngược làm cho lớp học nhàm chán, thiếu hứng khởi cho học sinh mà phải dùng đúng cách, đúng liều lượng và đúng thời điểm. Có như vậy SĐTD mới thực sự là một công cụ, một phương pháp dạy học hiệu quả.

Hoàng Long Trọng
(Giáo viên Trường Vinschool, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)