Có bao giờ bạn cảm thấy ngạc nhiên với suy nghĩ: Tại sao bò con, trâu con dân gian gọi là “con bê”, “con nghé”, còn những con vật khác thì không có tên riêng như vậy, mà chỉ gọi chung là mèo con, gà con, thỏ con, voi con…? Quả thật, khó mà lý giải tường tận vấn đề ngôn ngữ thoạt nghe thì quá đơn giản này “trời sinh ra thế”, nhưng ngẫm kỹ thì thấy không ít phức tạp và khá thú vị.
Theo F.d.Saussure – cha đẻ của ngành ngôn ngữ học thế kỷ XX – đặc trưng quan trọng nhất của ngôn ngữ là tính võ đoán. Tính võ đoán (không có căn cứ) của ngôn ngữ là chỉ tên gọi (cái biểu hiện) và sự vật (cái được biểu hiện) không có mối quan hệ tất yếu nào, mà chỉ đơn thuần là do con người quy ước với nhau và được cộng đồng chấp nhận. Nói nôm na là giữa sự vật và tên gọi không tồn tại mối quan hệ có sẵn, mà tên gọi của sự vật là do con người tự đặt ra. Do đó, khó mà giải đáp tường tận vì sao vật này gọi là “cái bàn”, vật kia gọi là “cái ghế”, mà không gọi ngược lại. Hay cùng một sự vật, nhưng các cộng đồng có tên gọi khác nhau; chẳng hạn như quan niệm “họ nội” và “họ ngoại” của người Kinh và người Ê-đê trái ngược hẳn nhau: ta gọi “ông nội” thì người Ê-đê gọi là “ông ngoại”, và ngược lại. Tuy nhiên, bên cạnh hầu hết từ ngữ mang tính võ đoán, vẫn tồn tại một bộ phận từ ngữ có căn cứ khá thú vị. Đặt tên vật theo âm thanh/ tiếng kêu: con bò, con quạ, con tắc kè, bánh xèo…; đặt tên vật theo hình dáng: bánh bèo, mũ lưỡi trai, bèo lục bình… Vậy nguyên nhân vì sao trong vô số loài vật, duy chỉ trâu và bò mới có từ ngữ riêng biệt để gọi: trâu con, bò con là “nghé”, “bê”?
Như ta đã biết, trâu bò là loài vật từ thời các vua Hùng dựng nước được thuần hóa, ban đầu với mục đích là giải quyết thực phẩm cho con người, tiếp theo trâu bò giữ vai trò quan trọng để cày bừa làm đất trồng cây lương thực, vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp và nhiều công việc khác ở nông thôn, hoặc như là một phương tiện giao thông đi lại… Nói cách khác, trâu bò là loài vật quen thuộc, gần gũi, thân thương với người nông dân đất Việt lâu đời, gắn liền với truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước tự ngàn xưa của dân tộc ta. Chúng có mặt trong khá nhiều thành ngữ, tục ngữ dân gian: Ba bò chín trâu; ruộng sâu trâu nái; trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết; thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu; tậu trâu, cưới vợ, làm nhà… Có lẽ từ sự gắn bó mật thiết đó, mà trâu bò có sự “ưu ái” hơn trong việc hình thành những từ ngữ riêng biệt chỉ bò con/ trâu con là “bê/ nghé” mà các loài vật khác không có được!
Tương tự, các loài cây khác khi còn bé thì gọi cây con, duy chỉ có cây lúa khi còn nhỏ cũng có tên riêng là “mạ” vì đây cũng là loài thực vật gắn bó mật thiết với người nông dân lúa nước Việt Nam từ xưa đến nay. Nên có lẽ vì thế mà trong vốn từ tiếng Việt, không có loài cây nào sở hữu nhiều từ ngữ phong phú chỉ các giai đoạn phát triển như cây lúa: mạ, thì con gái, trổ đòng đòng, uốn móc câu, gié lúa, bông lúa… Còn nhỏ là cây mạ, lớn lên là lúa, lúa đâm bông gọi là đòng, hạt lúa nếp non rang lên là cốm, hạt lúa chín là thóc, bông lúa đã tuốt sạch hạt gọi là rơm, phần thân còn lại ngoài đồng là rạ, thóc xay giã xong thành gạo, cám, trấu; gạo có nếp/ tẻ, gạo gãy là tấm; gạo nấu lên thành cơm, đồ lên thành xôi, nấu nhiều nước thành cháo, quấy loãng thành hồ, rang xay giã thành lớ; gạo là nguyên liệu dùng để chế biến nên vô số món ăn: phở, bún, mì quảng, bỏng, bánh đa, bánh cuốn, bánh hỏi, bánh xèo, bánh đúc…
Quay lại chuyện “bê – nghé”, thực tế cách gọi này cũng không phải thông dụng trong cả nước, một số vùng ở miền Trung không hề dùng từ “bê”, mà gọi chung cả trâu con, bò con đều là “nghé” và phân biệt: “nghé trâu”, “nghé bò”. Nhưng lạ một điều, món khoái khẩu “bê thui” thì lại thống nhất tên gọi trên cả nước, chứ không có nơi nào gọi là nghé thui/ bò con thui. Âu cũng là một biểu hiện sự tinh tế, thú vị của tiếng mẹ đẻ!
Võ Thường Danh
Bình luận (0)