Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bản sắc văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính

Tạp Chí Giáo Dục

Trong lịch sử thi ca Việt Nam, vẻ đẹp của văn hóa làng quê đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận và là một đề tài xuyên suốt sáng tác của các nhà thơ. Mỗi thời kỳ, đề tài làng quê đều có những tác giả và tác phẩm đặc sắc. Giữa muôn vàn những nhà thơ viết về làng quê ấy, có lẽ Nguyễn Bính vẫn “chân quê” hơn cả.

Bút tích của Nguyễn Bính trong sách Tuyển tập Nguyễn Bính 1986

Tìm hiểu các sáng tác của Nguyễn Bính sẽ giúp ta nhận ra nét đẹp của làng quê Việt Nam và đánh giá đúng giá trị bản sắc văn hóa làng quê trong thơ ông.

1. Xét về phương diện nội dung và nghệ thuật của việc thể hiện bản sắc văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính, ta dễ dàng nhận thấy ông đã kế thừa và học tập ngôn ngữ, tinh thần dân tộc từ kho tàng ca dao dân ca. Thơ Nguyễn Bính vừa nhẹ nhàng, cổ kính gần với lối nói mộc mạc, dân quê lại vừa có hơi hướng hiện đại. Sinh ra từ làng quê, uống nước con sông quê, trong những bài thơ của mình, chàng thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính dành một vị trí khá trang trọng cho thiên nhiên. Đó là tiếng chim tu hú gọi mùa hè về với cái nắng chang chang, sắc đỏ của hoa gạo hoa xoan quấn quýt vào nhau làm bừng sáng cả một khoảng trời: “Chưa hè, trời đã nắng chang chang/ Tu hú vừa kêu, vải đã vàng/ Hoa gạo tàn đi cho sắc đỏ/ Nhập vào sắc đỏ của hoa xoan” (Cuối tháng ba). Không gian ấy là không gian thiên nhiên của đồng bằng Bắc bộ. Không gian phong tục, lễ hội trong thơ Nguyễn Bính thường gắn liền với không gian sinh hoạt. Trong thơ Nguyễn Bính, Tết là một trong những lễ hội được nhắc đến nhiều nhất: “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/ Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều” (Tết của mẹ tôi). Nếu mùa xuân là mùa của lễ tết thì mùa thu lại là mùa rộn ràng của những ngày hội. Trong rừng thơ của mình, Nguyễn Bính dành nhiều trang để tả về hội làng với bầu không khí hân hoan, tấp nập: “Hội làng mở giữa mùa thu/ Giời cao gió cả giăng như ban ngày” (Đêm cuối cùng). Trong thơ Nguyễn Bính, vẻ đẹp của con người Việt Nam bừng sáng đến lạ kỳ với đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi dáng vẻ khác nhau. Sự bình dị chân quê ấy được thể hiện rõ nhất qua trang phục (cái yếm lụa sồi, chiếc khăn mỏ quạ, cái quần nái đen) và trong văn hóa ứng xử; trong tính cách và vẻ đẹp tâm hồn của người Việt.

Tóm lại, không gian văn hóa làng quê và con người chân quê trong thơ Nguyễn Bính mang vẻ đẹp của bản sắc văn hóa Việt. Phong cảnh trữ tình nên thơ ở thôn quê với những phong tục tập quán, lễ hội lâu đời đã hình thành nên tính cách hồn hậu, chân thực, nghĩa tình của người nhà quê. Đọc thơ Nguyễn Bính ta thấy hiểu và yêu thêm những giá trị truyền thống và vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

2. Bản sắc văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính được thể hiện ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật. Thơ ông không chỉ tràn ngập những cảnh sắc thiên nhiên, hình ảnh của con người quê bình dị hay những lễ hội, phong tục truyền thống mà vẻ đẹp văn hóa làng quê còn thể hiện trong việc sử dụng thể thơ dân tộc vào những sáng tác của mình. Giữa lúc các nhà thơ mới mải miết đi tìm dáng tân kỳ hiện đại cho nàng thơ của mình thì Nguyễn Bính lại đắm say với lục bát dân tộc. Tìm hiểu những sáng tác của Nguyễn Bính giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám, chúng tôi nhận thấy trong thơ ông sử dụng đa dạng các thể thơ, bao gồm: thơ lục bát, thơ năm chữ, thơ bảy chữ và thơ Đường luật. Nhưng thành công hơn cả khi nhắc đến Nguyễn Bính là nhắc đến một nhà thơ có tài năng thiên bẩm về lục bát.

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính (1918-1966), là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng của Việt Nam. Ông được coi là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Trong suốt 30 năm, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều thể loại như thơ, kịch, truyện thơ… Ông sáng tác rất mạnh, viết rất đều và sống hết mình cho sự nghiệp thi ca. Ông được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.

Để hiểu về văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính thì việc đầu tiên là phải thấy được cái hay, cái đẹp của việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ ông. Một trong những phương diện thể hiện bản sắc văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính là việc sử dụng ngôn ngữ đậm chất đời thường và ngôn ngữ mang phong vị ca dao. Nguyễn Bính được tôn vinh bằng nhiều danh xưng như: thi sĩ của đồng quê, nhà thơ chân quê, chàng trai chân đất, có lẽ một phần bởi thơ ông sử dụng khá lớn lớp từ ngữ chân quê, dân dã. Giữa muôn vàn giọng điệu của các nhà thơ mới, Nguyễn Bính có một chất giọng riêng chẳng lẫn vào ai. Đó là giọng “nhà quê”. Cách cảm, cách nghĩ, cách nói của Nguyễn Bính ta bắt gặp trong đa số những con người bình dân. Cái cách giản dị, mộc mạc và rất chân thành. Thơ Nguyễn Bính suy cho cùng vẫn là tình yêu. Tình yêu ấy được thể hiện ở giọng điệu tình cảm, thiết tha. Ông yêu quê hương, yêu nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Quê hương là ngọn nguồn, là nơi chôn nhau cắt rốn. Trong cuộc đời ta, có biết bao nhiêu nơi để đến nhưng hẳn chỉ có một nơi để quay về; đó là gia đình, là quê hương. Bởi lẽ đó mà trong thơ Nguyễn Bính, những vần thơ đẹp nhất, giọng điệu trong trẻo nhất là viết về quê hương, về những con người nhà quê: “Và những tâm hồn nghe rất đẹp/ Cùng chung sống dưới mái nhà tranh” (Sao chẳng về đây). Đọc những vần thơ ấy, ta thấy hình ảnh chàng thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính đang reo lên với giọng điệu rất trong trẻo, yêu đời, trẻ trung và rạo rực. Giọng điệu ấy xuất hiện không nhiều trong thơ Nguyễn Bính và dường như chỉ khi trở về với đồng quê Nguyễn Bính mới vui đến thế.

Bản sắc văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính được thể hiện rất đa dạng từ nội dung đến hình thức nghệ thuật. Tắm mình trong ca dao dân ca, Nguyễn Bính luôn hướng đến giấc mộng đẹp của làng quê, của cảnh quê và tình quê. Phải chăng, đó là một cái tâm trong vắt được gột rửa bằng dòng nước sông quê, lớn lên từ củ khoai, củ sắn và nghĩa tình của quê hương rồi đem tình yêu ấy mà nhân lên thành thơ. Bản sắc văn hóa làng quê trong thơ Nguyễn Bính chính là những giá trị cao đẹp của hồn cách Việt.

TS. Phạm Thị Rơn (Trường ĐH Sài Gòn)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)