Đó là nỗi lo của các chuyên gia, người dân và của chính doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trước tình trạng giá xăng tăng mạnh cuối tuần qua.
Giá xăng vừa tăng khá mạnh. ẢNH: NGỌC THẮNG
Quý cuối cùng thường là thời điểm doanh nghiệp (DN) kỳ vọng “cứu” cho cả năm. Lời – lỗ phần lớn quyết định ở những tháng này. Tuy nhiên, nếu phải tăng giá hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu, lợi nhuận có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
Không còn cách nào khác ngoài tăng giá
Giá bán lẻ xăng, dầu tăng từ 403 – 752 đồng/lít vào cuối tuần qua đưa giá xăng đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Với ngưỡng giá này, các DN vận tải, sản xuất đều tính toán đến chuyện tăng giá sản phẩm, dịch vụ. Các bà nội trợ đang lo lắng, nhà sản xuất chưa kịp tăng, giá rau, thịt ngoài chợ có thể sẽ tăng trước.
Trước thông tin giá xăng dầu tăng, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh – chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, nói: “Giá xăng dầu chiếm 40% giá thành vận tải. Giá xăng dầu tăng mạnh và liên tục như vậy bắt buộc chúng tôi phải tăng cước phí vận tải theo tỷ lệ tương ứng của giá xăng. Việc tăng cước cũng gây nhiều khó khăn khi làm việc với khách hàng tuy nhiên cũng không còn cách nào khác. Để giảm rủi ro, các DN vận tải thường khi ký hợp đồng với khách đều kèm theo điều khoản phụ”.
Trong khi đó, lãnh đạo một DN kinh doanh thực phẩm lớn ở TP.HCM cho biết: Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu chủ yếu tăng, đặc biệt tăng mạnh trong hơn một tháng qua. Những lúc có tăng có giảm công ty cũng cố gắng cân đối giá mua – bán để đảm bảo chi phí và lợi nhuận vì nếu cứ tăng theo giá xăng sẽ mất thị trường. Tuy nhiên, trước tình hình hiện tại công ty đang tính toán lại phương án tăng giá sao cho hợp lý và có thể giữ ổn định đến gần tết. Hiện nay so với đầu năm giá dịch vụ vận tải hàng từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM đã tăng trung bình 100.000 – 150.000 đồng/chuyến. Trong khi đó, để phân phối hàng hóa khắp thành phố công ty phải dùng xe tải nhỏ. Chi phí xăng dầu cho mỗi đầu xe hiện nay cũng tăng thêm gần cả trăm ngàn mỗi ngày. “Giá xăng dầu tăng như hiện nay làm chúng tôi hết sức khó khăn. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải “sống” và những chi phí đó đi vào từng quả trứng, miếng thịt, cọng rau trong bữa ăn của người dân, không còn cách nào khác", vị này than thở.
Nhiều “ẩn số” tác động vào lạm phát
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá xăng dầu tăng mạnh đợt này sẽ ảnh hưởng lên các hàng hóa dịch vụ, tác động đến lạm phát những tháng cuối năm.
Khi đưa ra mức tăng giá xăng dầu, theo ông Long, hai bộ có thể đã có tính toán sự tác động đến chỉ số tiêu dùng đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra 4% trong năm 2018. Tuy nhiên, cũng không nên mất cảnh giác vì lạm phát từ tháng 1 – 9 đã tăng 3,57% và nhiều thị trường đang có một số “ẩn số” vào cuối năm.
Cụ thể, giá dầu thô trên thế giới có thể tăng trên 100 USD/thùng trước sự căng thẳng của các nước; chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc có thể sẽ làm tỷ giá tiếp tục biến động, giá USD trong nước tăng tác động đến hàng nhập khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN; thiên tai, lũ lụt dự báo khó lường; các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm để hoàn thành kế hoạch…
Tất cả những yếu tố vừa nêu có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng cuối năm. Ngoài ra còn một hiện tượng mà ông Long đánh giá là tất yếu xảy ra. Đó là tình trạng giá hàng hóa dịch vụ “té nước theo mưa” tăng nhanh hơn sự tăng giá của xăng dầu. Đây là vấn đề mà các cơ quan ban ngành cần phải kiểm soát.
Tác động chu kỳ tăng trưởng
TS Bùi Trinh nhận xét đợt tăng giá xăng dầu lần này khá mạnh sẽ tác động thấy rõ lên các DN sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển. Điều này ảnh hưởng đến chỉ số lạm phát vào những tháng cuối năm có thể sẽ tăng hơn. Việc tác động mức tăng giá xăng dầu ảnh hưởng tăng lạm phát như thế nào cần có thêm thời gian để tính toán. Nhưng giá xăng tăng không những ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng mà điều này còn tác động đến chu kỳ tăng trưởng kinh tế sắp tới.
|
Theo TNO
Bình luận (0)