Thuyên tắc phổi là bệnh lý điển hình với những triệu chứng như bệnh nhân suy hô hấp cấp, khó thở, bứt rứt, vật vã, tím môi, tím đầu chi… Tuy nhiên đó cũng là những triệu chứng đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân thuyên tắc phổi bị đột tử ngay sau khi nhập viện, nguyên nhân bị chẩn đoán nhầm do sự chủ quan của người bệnh, thậm chí là chủ quan của đội ngũ BS.
Bệnh nhân thuyên tắc phổi may mắn được cứu sống sau 6 ngày tích cực điều trị. Ảnh: Thy Dương |
Dễ nhầm lẫn với nhồi máu cơ tim
Ngày 29-5, một bệnh nhân trẻ khoảng 30 tuổi được người thân chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM. Bệnh nhân nhập viện với những triệu chứng suy hô hấp cấp, khó thở, bứt rứt, vật vã, tím môi, tím đầu chi. ThS.BS Nguyễn Phương Lan – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cho biết, ngay lập tức người bệnh được tiếp cận cấp cứu, đánh giá sinh hiệu bằng phương pháp SBO2 (đo tại chỗ áp lực của mao mạch máu), kết quả xác định ôxy trong máu của người bệnh chỉ còn 50% (so với người bình thường thở khí trời phải trên 92%).
BS Lan nhớ lại: “Xác định người bệnh còn rất trẻ bị suy hô hấp cấp, đồng thời với những triệu chứng ban đầu, ngay lập tức chúng tôi xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Bởi hiện nay, bệnh lý nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa. Người bệnh nhanh chóng được hỗ trợ thở ôxy. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác bệnh sử của người bệnh, chúng tôi phát hiện 2 tuần trước nhập viện, bệnh nhân bị té xe máy khiến xương bánh chè bị gãy. Người bệnh đã được chuyên khoa chấn thương chỉnh hình can thiệp, tuy nhiên những triệu chứng đau nhức, sưng vù ở vết thương vẫn không thuyên giảm. Ngoài ra, người bệnh ở tình trạng bất động đã khoảng 2 tuần. Chúng tôi đưa ra thêm một chẩn đoán phân biệt là người bệnh có thể bị thuyên tắc phổi”. “Sau khi điện tim không có dấu, men tim không tăng. Ngay lập tức chúng tôi chuyển hướng sang bệnh lý thuyên tắc phổi. Kết quả chụp CT phát hiện những cục huyết khối ở cả động mạch phổi trái và phải trong lồng ngực của người bệnh, không những thế bệnh nhân còn bị tắc tĩnh mạch ở cánh tay nội, tĩnh mạch cẳng chân cũng bị thuyên tắc. Tất cả các phát hiện đều liên quan đến tổn thương mạch máu ở chân” – BS Lan thông tin thêm.
Đến sáng 5-6, người bệnh đã có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. BS.CKII Nguyễn Thiên Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM: Tình trạng của bệnh nhân lúc nhập viện hết sức nguy kịch, nếu không được phát hiện và chẩn đoán đúng bệnh lý thì khó có thể “cải tử hoàn sinh” cho người bệnh.
Không chủ quan với chấn thương ở chân
Theo nhiều chuyên gia y tế, thuyên tắc phổi hay còn gọi là tắc mạch phổi, hoặc thuyên tắc động mạch phổi, là một tình trạng tắc động mạch phổi, hoặc một trong các nhánh của nó. Nguyên nhân do các chất di chuyển từ các nơi khác nhau của cơ thể qua dòng máu đến gây tắc nghẽn ở phổi. Tình trạng này thường gây ra bởi những cục huyết có nguồn gốc từ hệ tĩnh mạch sâu ở chân. Sự cản trở dòng máu đến phổi và tăng áp suất lên tim dẫn đến các triệu chứng như khó thở, đau ngực. Các triệu chứng lâm sàng bao gồm nồng độ bão hòa ôxy trong máu thấp, chứng xanh tim, nhịp thở nhanh và nhịp tim nhanh. Các trường hợp thuyên tắc phổi nặng có thể dẫn đến hôn mê, choáng, thậm chí là tử vong vì ngưng tim ngưng thở.
BS.CKII Nguyễn Thiên Bình nhấn mạnh: “Nhồi máu cơ tim và thuyên tắc phổi có triệu chứng ban đầu gần giống nhau, tuy nhiên phương pháp điều trị lại hoàn toàn khác nhau. Do đó nếu chẩn đoán nhầm bệnh thì sẽ đưa ra phương pháp điều trị sai”. |
ThS.BS Nguyễn Phương Lan cho hay, các đối tượng có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi như: bệnh nhân bất động 3 ngày trở lên, bệnh nhân lớn tuổi, suy tim, nhồi máu cơ tim hoặc bệnh lý ác tính. Thuyên tắc phổi không có nguyên nhân chính mà tổ hợp các yếu tố nguy cơ. Khi hình thành những cục huyết khối, không được phát hiện kịp thì sẽ theo lưu lượng dòng máu di chuyển lên phổi. Cũng theo BS Lan, thuyên tắc phổi là bệnh lý không được chú trọng vào những thập niên trước, chỉ được nghiên cứu qua những tụ huyết. Bệnh nhân vào viện thường tử vong ngay sau đó vì bị chẩn đoán nhầm.
Trở lại trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc phổi vừa được cứu sống thần kỳ tại Bệnh viện Trưng Vương, BS Huỳnh Nhật Anh – Khoa Hồi sức nhấn mạnh: Đối với ca bệnh này diễn tiến nặng một phần do sự chủ quan của bệnh nhân. Bởi khi xuất hiện những triệu chứng sưng, đau nhức, khó thở… bệnh nhân chỉ nghĩ rằng do vết thương gây ra nên không đến cơ sở y tế từ sớm. Một nguyên nhân khác là xuất phát từ sự chủ quan của đội ngũ nhân viên y tế. “Thường đối với những bệnh nhân bị chấn thương, khi xuất hiện những cơn đau, sưng căng, khó thở… bệnh nhân đến các cơ sở y tế thăm khám thường chỉ được xem xét ở góc độ chấn thương phần cứng, mà các BS không nghĩ đến thuyên tắc mạch. Do đó khi đến bệnh viện diễn tiến đã nặng”. BS Huỳnh Nhật Anh khuyến cáo, đối với những trường hợp nguy cơ cao, đặc biệt là bệnh nhân có chấn thương ở chân, khi xuất hiện những triệu chứng trên thì ngay lập tức phải đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, đội ngũ y BS cần thận trọng trong quá trình chẩn đoán bệnh.
Thy Dương
Bình luận (0)