Y tế - Văn hóaThư giãn

Trên triền đồi sim mùa hạ

Tạp Chí Giáo Dục

Vào mùa h, nhng đa tr vùng cao vào rng hái sim v bán

Quê tôi là một vùng bán sơn địa nằm heo hút, chơi vơi trên miền núi cao. Nhà tôi ở ngay dưới thung. Đi ngược lên một chút là chạm chân vào những triền đồi sim tím biếc.

1. Chiều cuối tháng 5, khi cơn mưa giông vừa dứt hạt, tụi nhỏ xóm tôi lại í ới, dắt díu nhau lên đồi hái sim. Tiếng cười bay lơ lửng khắp lưng đồi, sườn núi…

Cứ mỗi chiều hè, cùng với lũ trẻ trong làng, tôi lại vừa cõng, vừa dắt mấy đứa em lên đồi hái sim. Nơi miền sơn cước, những triền đồi sim mùa hoa trái chẳng khác nào thiên đường của trẻ con. Những bụi sim cao quá đầu, mọc san sát, nương tựa vào nhau, phủ dày trên đất đồi đá sỏi. Hoa tím biếc, cánh hoa mỏng mịn như tơ phớt hồng tươi sáng dưới ánh mặt trời. Trái chi chít trĩu cành, xanh nhạt, xanh đậm, tím nhạt, tím thẫm…, đủ các sắc độ trộn lẫn với nhau trong màu hoa lá.

Đứa trẻ nào chẳng thích thú, say mê, nhất là lúc kiếm tìm những trái sim chín đầu mùa. Trái chín bói bao giờ cũng to tròn, căng mọng, tím thẫm. Cảm giác khi hái được chùm trái chín chen lẫn trong vô vàn trái xanh và hoa tím mới thú vị làm sao! Rồi ngửa cổ ngây ngất hít hà mùi hương thanh dịu, để cái vị ngọt mát từ từ thấm vào đầu lưỡi, cho tới khi nào răng môi ngả sang màu tím mà vẫn chưa chịu xuống đồi.

Lúc đã thấm mệt, mồ hôi nhễ nhại, có thể vít những cành thưa hoa trái trải rạp xuống đất nằm. Lá dày, bóng láng. Thân cây dẻo dai, không lo bị dập gãy. Vỏ xù xì mà mềm mại như được ai đó gãi rôm nơi sống lưng cho. Vừa nhâm nhi trái ngọt thơm, vừa hứng gió vi vút từ mặt suối dưới chân đồi thổi lên, mát rười rượi, có đứa ngủ quên lúc nào không hay. Nằm dưới gốc sim, để một chùm hoa phủ tràn khắp mặt, tôi mở mắt ngắm bầu trời xanh thẳm đầy nắng qua màu tím hoa sim. Đó là những sắc màu kỳ lạ mà đến tận giờ, vẫn chưa lần nào tôi nhìn thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Vào hè một năm, đứa em gái nhỏ của tôi bị những cơn sốt rét hành hạ. Và em đã rời bỏ tôi, ra đi mãi không về. Sau ngày đó, mỗi khi lên rẫy quơ củi với em trai, lúc cùng lũ bạn gái hái rau rừng, tôi luôn tìm cớ trốn đi, chạy đến đồi sim, ngồi thụp xuống, núp dưới bụi sim già rậm rạp, mặc cho hoa trái lúc lỉu chảy trên tóc, trên mặt, mà khóc một hồi… Cứ ngỡ rằng không ai hay biết.

Một sớm mai kia, mẹ nắm tay tôi, nói: “Mẹ chiêm bao thấy em con buồn lắm. Nó nói chị mà khóc hoài thì nó sẽ không cười và không bay về trời được đâu!”.

Nhìn mẹ qua làn nước mắt mà không biết nói gì, tôi tin mẹ lắm. Suốt nhiều năm tháng, mỗi khi chiều muộn, tôi lại chạy lên đồi sim, chỉ để được nhìn thấy em gái nhỏ tươi cười giữa muôn ngàn hoa trái…

2. Rồi một ngày cuối mùa sim năm đó, tôi rời triền đồi quê lên phố học. Những câu chuyện tôi kể cho bạn nghe về quê mình, chẳng hiểu sao, cuối cùng, đều quay lại với đồi sim, về một loài hoa trái hoang dã, hiền lành, dễ thương nơi miền sơn cước. Đến nỗi bạn sống nơi phố thị cũng ao ước được một lần ngắm bầu trời xanh thẳm đầy ánh sáng qua cánh tím hoa sim.

Bẵng đi nhiều năm tháng, tôi may mắn gặp lại người bạn năm nào và câu chuyện dễ thương của anh làm tôi xúc động quá. Chẳng biết người ta có ai trồng sim rừng làm cảnh không nữa! Nhưng điều đó có quan trọng gì. Thì có anh. Dẫu mỗi năm hoa chỉ trổ một lần vào những ngày hè oi ả. Ngày đó có người con gái giã từ phố thị về nơi sim tím cả những triền đồi. Từ độ ấy, anh đem lòng yêu cây sim rừng quá đỗi. Hoa đẹp, trái ngọt ngon là cớ hay để anh kỳ công đưa sim từ chốn non cao về thềm nhà nơi phố thị. Dưới nắng hè sắc cạnh, hoa tím biếc thốn cả tim anh. Đôi mắt buồn man mác như màu tím hoa sim. Nỗi niềm xao xuyến ấy neo đậu mãi lòng anh theo chiều năm tháng. Ánh mắt đượm buồn và hoa sim tím. Đi qua và đọng lại trong cuộc đời anh. Để lại cho anh nhiều hoài niệm, lưu luyến. Như chưa bao giờ nguôi ngoai…

Có lẽ người con gái trong câu chuyện của anh đã là một bóng hình xưa cũ. Nhưng cây sim rừng trước hiên nhà anh vẫn ở đó, nở hoa tím biếc trong nắng hè. Và chiều nay, nhìn lũ trẻ lại dắt díu nhau lên đồi sim, tiếng cười vang khắp lưng đồi, sườn núi và ý nghĩ màu hoa sim tím, giờ đây, đã trở thành một khoảng trời bình yên không chỉ của riêng mình không khỏi làm tim tôi xốn xang…

3. Tối tháng năm giông gió ầm ầm. Mẹ tôi nhìn ra ngoài. Hai con chim bồ câu trắng muốt chấp chới trong mưa gió tơi bời. Chúng bay về đậu trên sân nhà, dẫn theo một con chim câu lạ đầu trắng, cánh nâu bị gãy chân. Đây chính là hai con chim trắng đẹp nhất lồng mà mẹ đã chọn mãi để biếu cho một người bà con xa làm vật phóng sinh trong lễ an táng người thân. Mẹ đã nghĩ lần này, chắc đôi chim sẽ tự do ở đâu đó, vì nơi phóng sinh cách nhà tôi cả trăm cây số. Vậy mà…

Cũng một đêm mưa gió như thế này cách nay chừng hơn ba chục năm, cha tôi nghe thấy có tiếng chim yếu ớt bên ngoài cửa sổ. Và mở ra trước mắt cha tôi là một đôi chim bồ câu sã cánh, tả tơi, ướt sũng không biết từ đâu bay lạc vào nhà. Ấp ủ, chữa lành vết thương cho chúng xong, cha đóng cho đôi chim cái lồng gỗ nhỏ với ô cửa hình tròn, không có cánh. Chúng ở đó, bay đi, bay về. Rồi sinh con đẻ cái. Rồi thành bầy.

Mỗi sáng, chiều cho chim ăn, ngắm bầy chim ngày càng đông đúc, rồi khum khum bàn tay như che nắng, nhìn bốn phương trời, cha tôi vẫn thường thắc thỏm: “Lạ quá, không biết chim từ đâu bay tới nhà mình!”. Nhiều người nói, đó là do nhân duyên, duyên trời. Còn cha thì muốn chúng tự do đi đâu tùy thích. Có thể về với thiên nhiên hoang dã, có thể về lại nơi chúng đã ra đi. Nên cha đã đóng cho chúng chiếc lồng gỗ lớn hơn, cũng với những ô cửa hình tròn, không có cánh.

Từ bấy đến nay, mỗi khi đến ngày rằm, lễ tết, ma chay…, mọi người trong làng thường tìm vật phóng sinh. Ai ai cũng thích nhất là những con chim câu hiền lành, xinh đẹp của nhà tôi. Cha tôi luôn chọn biếu người làng cặp chim trống, mái đẹp và khỏe nhất bầy. Và bao giờ cha cũng thì thầm trước khi rời xa chúng: “Đi đi con, ở đâu tốt thì ở, không cần quay trở về đâu!”.

Nghe nói chim bồ câu chỉ thích ở trong những ngôi nhà đẹp đẽ. Còn không, chúng sẽ bỏ đi nơi khác. Nhưng cái lồng gỗ với những ô cửa hình tròn không có cánh của nhà tôi đã nhiều lần chắp vá, cơi nới trở nên cũ kỹ qua năm tháng. Thế mà lũ chim câu vẫn ở đây. Dù có đi đâu, xa lạ đến mấy, cũng vẫn tìm về.

Điều lạ lùng là mỗi khi một cặp chim phóng sinh trở về, bao giờ chúng cũng cưu mang những con chim lạ đang trong tình trạng bị thương tích đầy mình, tưởng như không sống được. Cha tôi lý giải chắc nhà mình là nơi lũ chim muốn sống. Chim nhà mình đưa chim bị thương từ nơi khác về vì chúng nghĩ nhà mình là chốn an toàn nhất.

Ngày tiễn cha tôi lên ngọn đồi về với đất mẹ cũng là lúc hoa sim nở tím thẳm cả một triền đồi, rất đông người làng đến đưa chân. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy bầy chim câu nhà tôi bay theo đông đúc. Rồi ngày này qua ngày nọ, chúng bay lên đồi sim, nơi cha tôi yên nghỉ, suốt một thời gian dài sau đó. Tôi thực sự cảm thấy thật lạ lùng với một thứ tình cảm giữa những sinh thể không cùng đồng loại. Tình chim câu!

Dường như chỉ mẹ tôi hiểu rõ vì sao. Nén nỗi đau buồn, tiếng mẹ rơi rớt. Mà đàn cháu nhỏ vẫn rõ từng lời: “Lũ chim câu thiệt là chí nghĩa, chí tình. Bà chỉ mong nhà mình ai cũng sống có tình, có nghĩa như thế…”.

Và giữa không gian xanh điểm tô sắc tím của hoa sim rừng, có đôi mắt đượm buồn man mác dõi theo những cánh chim câu bay về phía đâu đó trên bầu trời.

Nguyn Th M Hnh
(GV Trưng THCS An Lão, Bình Đnh)

 

Bình luận (0)