Ai cũng biết con chuột (Tý) đứng đầu 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần…) và có mặt trong loại tranh Đông Hồ – một trong những dòng tranh tiêu biểu của Việt Nam xưa, được người dân mua về treo trong nhà vào những ngày Tết đến xuân về, nhất là những năm Tý. Tuy nhiên nhiều người lại thắc mắc rằng, tại sao chuột lại được tôn thờ đến như vậy trong khi đây là loài vật lem luốc, dơ bẩn, thích phá hoại mùa màng…
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về chuột nhân dịp Tết Canh Tý 2020
Nói về chuột đứng đầu 12 con giáp, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam bộ) đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về chuột có trong dân gian.
Chuyện bắt đầu từ việc Ngọc Đế tổ chức cuộc định đặt một vòng tuần hoàn chu kỳ 12 địa chi tương ứng với 12 con vật tiêu biểu nhưng không biết định liệu thế nào. Phân vân mãi nên Ngọc Đế đã nhờ các chư tiên bày cách là tổ chức cuộc thi triệu các con vật về thiên đình, theo thứ tự con nào bước tới vạch mức được định đặt trước điện Linh Tiêu lần lượt tới trước chọn trước và cứ thế chọn đủ 12 con thì thôi. Cuộc thi yêu cầu 12 con vật phải vượt qua nhiều chướng ngại vật và phải xuyên qua một cánh rừng rậm rạp, băng qua một con sông rộng lớn. Thấy trâu khỏe mạnh và tốt bụng lại hay thức dậy sớm, mèo và chuột vốn là đôi bạn thân của trâu đến cậy cho đi nhờ qua sông. Do dậy quá sớm, mèo con nằm vắt vẻo trên lưng trâu ngủ, chuột thì nằm im trên đầu trâu nhìn quan sát cảnh vật. Đi một lúc thì đến đoạn qua sông, do mèo ngủ say nên lúc trâu lên bờ đã bị rơi xuống nước. Mèo giật mình tỉnh giấc tìm chỗ lau khô, làm sạch sẽ mặt mày và tức giận khi chuột không báo cho trâu đợi mình. Khi lông mèo đã khô và sạch sẽ thì lao nhanh về đích nhưng trâu đã sắp giáp vào vạch mức thì chuột phóng xuống trước nên đứng nhất. Trâu đứng thứ nhì. Hổ ở gần bìa rừng nên phi nhanh và đến vị trí thứ ba. Còn mèo kịp đến vị trí thứ tư. Tiếp đến là rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn.
Trong câu chuyện này, đã cho thấy chuột tuy là con vật bé nhất nhưng đã biết mượn phương tiện đó là trâu để đỡ mất sức, nhanh chóng tận dụng cơ hội, đặc biệt luôn quan sát và tính toán để thành công trong cuộc thi trên, chuột là người chiến thắng và đứng đầu 12 con giáp. Người xưa còn cho rằng, có hình ảnh chuột trong nhà sẽ mang lại thành công mùa màng, “nơi nào có chuột, nơi đó có lúa” nên chuột là hình tượng được nhiều người tôn thờ.
Không chỉ mượn chuột để nói lên trí thông minh, nhạy bén, biết nắm bắt thời cơ, dân gian còn dùng đưa con chuột vào hội họa, trong đó tiêu biểu nhất là bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” – một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của dòng tranh dân gian này, thường được người xưa mua về treo trong nhà mỗi khi Tết đến, xuân về. Có lịch sử hơn 600 năm tuổi, với hai tuyến nhân vật là chuột và mèo cùng được xây dựng chung trong một bức tranh đã giúp cho “Đám cưới chuột” mang nhiều ý nghĩa. Trong tranh, phía trên có 4 con chuột: một con cầm chim, con cầm cá, 2 con sau cầm kèn bầu tượng trưng việc dâng lễ vật cho mèo. Mèo và chuột vốn dĩ rất khắc nhau nhưng lại hòa nhau nhờ biết giữ lễ. Lễ không chỉ ở vật chất mà còn tinh thần nên mượn âm thanh kèn bầu – một loại kèn truyền thống dùng trong đại lễ như cưới hỏi, nhã nhạc… tăng thêm phần long trọng. Hàng dưới là 8 chuột gồm chú rể chuột cưỡi ngựa, có lọng tàng, cô dâu chuột ngồi trong kiệu và các chuột khác đưa dâu, rước dâu với thái độ quan sát nhìn qua lại trước sau, không có tính nghiêm trang như hàng đầu.
Đám cưới chuột đã mô tả rất thực tế tâm trạng của một đám cưới thật của con người, tục lệ nạp lễ, nạp cheo theo hủ tục xưa và niềm vui nỗi lo đan xen nhưng vẫn cho thấy sự long trọng của một lễ cưới đầy tư duy, chuẩn bị rất tốt. Mặt khác, chuột là loài vật sinh sôi nảy nở nhiều, hình ảnh chuột còn thể hiện sự chúc phúc cho đôi tân lang tân nương nhanh chóng có “con đàn cháu đống”. Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, vì chuột (Tý) nằm ngay vị trí đầu và cuối chu kỳ Bát quái Hậu thiên và 12 con giáp, nên nhẫn cưới nằm ngay vị trí chữ Tý trên bàn tay khi đếm thứ tự con giáp.
Với nhân vật mèo, dù chuột có thể là kẻ thù “không đội trời chung” của nó, song mèo vẫn tỏ vẻ hài lòng, tán đồng ngày lễ lớn của đôi vợ chồng trẻ. “Qua tranh, ở phía tích cực chúng ta có thể nhận thấy một phần bản sắc văn hóa Việt Nam thời xưa. Ứng với các hình ảnh tượng hình, tượng thanh như ô, lọng, kèn, đoàn rước dâu kéo dài… Ngoài ra, tranh “Đám cưới chuột” còn giúp người ta nhớ lại và xem đám cưới không còn chỉ là việc riêng của một cá nhân, một gia đình mà nó còn là công việc trọng đại của một xóm làng, một xã hội” – diễn giả Nhựt Quang cho biết.
Bức tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột” vẫn được nhiều người sử dụng để giới thiệu về nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam vào những dịp đặc biệt
Không chỉ có trong hội họa, hình ảnh con chuột còn được mang vào thơ ca được nhà thơ Hoàng Cầm thể hiện cái tình quê, hồn quê dạt dào, đầy hoài niệm, thấm đẫm tình yêu nước và quê hương sâu sắc trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”. Nếu “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” thì “Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã” gợi lên hình ảnh của cuộc sống thanh bình, no ấm, hạnh phúc. Cũng như dân ca quan họ, mảng tranh dân gian Đông Hồ được tác giả nói đến với bao yêu mến, tự hào, từ đề tài đến chất liệu, từ tư tưởng đến phong cách nghệ thuật đều mang vẻ đẹp bình dị, dân dã, mến yêu sáng bừng màu sắc dân tộc.
Từ đầu thế kỷ 20, ngành y học đã dùng chuột bạch cho phòng thí nghiệm giúp ích sức khỏe cho con người. Chuột không chỉ là hình tượng để nói lên nét văn hóa của dân tộc từ xưa mà còn là món ăn đặc sản của người Nam bộ. Nhắc đến chuột gợi cho chúng ta nhớ về tuổi thơ tươi đẹp, bình yên khi cùng các anh trong làng đi bắt chuột về làm bữa cơm chiều. Dù chuột là loài vật thích phá hoại mùa màng nhưng với nhiều người, đây là con vật thể hiện nhiều ý nghĩa độc đáo.
Bài, ảnh: Kiều Trinh
Bình luận (0)