Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Trở lại bến Cà Tang

Tạp Chí Giáo Dục

Nghề phu keo bên bến Cà Tang

Trở lại Cà Tang (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) sau hơn 12 năm kể từ vụ tai nạn thương tâm khiến 18 em học sinh thiệt mạng, trên bến đò mang nỗi đau thương ngày ấy, nỗi đau vẫn neo lại bên sông nhưng một sức sống mới đang từng ngày trỗi dậy, từ nỗ lực của mỗi người dân…

Nghề phu keo

Trở lại bến Cà Tang, nơi hiểm trở sông sâu với nỗi niềm về vụ chìm đò kinh hoàng cách nay 12 năm trước, lòng rưng rưng nỗi niềm khó tả. Bến Cà Tang ngày ấy, bây giờ vẫn những người phụ nữ áo quần lấm lem, hối hả bốc vác những khối gỗ khổng lồ từ thuyền tập kết lên xe tải. “Ngày nào chị em tụi tôi cũng ra bến này bốc vác keo, cái nghề đã có từ mấy chục năm nay. Sáng 4 giờ đã vùng dậy khỏi giường chưa kịp ăn đã tập hợp ở bến để bắt đầu một ngày làm việc kéo dài cho đến chiều tối muộn mới về”, vừa chuyền khúc keo chất lên xe, chị Lê Thị Tới (56 tuổi) bộc bạch.

Trong số hàng chục người đang làm cái nghề từng được gọi bằng nhiều cụm từ mới nghe qua đã toát lên vẻ khổ ải, cực nhọc như: Phu ly, phu keo lại toàn cánh phụ nữ đứng tuổi, thân hình ốm nhom. Một chị phu keo nói: “Đàn ông sức dài vai rộng, lên rừng đốn hạ gỗ keo thuê cho các chủ rừng, chỉ cánh phụ nữ chân yếu tay mềm ở lại dưới bến này làm nghề bốc vác thôi. Cực chẳng đã vì miếng cơm manh áo…”. Chị tên Huỳnh Thị Hoa. Cái tên đẹp nhưng so ra “khập khiễng” với cái nghề chị đang làm!

Người trẻ nhất trong số họ năm nay mới bước sang tuổi 17, người lớn nhất như bà Trần Thị Tươi đã bước sang tuổi thất thập, với hơn 40 năm lặn lội thân cò trên bến sông Thu. Từ sớm tinh mơ đến tối mịt, họ mải mê với công việc của mình. Với họ, nghề là cứu cánh áo cơm. “Quần quật cả ngày, khi tiền công chỉ được vài chục ngàn, nhưng cũng phải bám trụ để kiếm tiền đong gạo”, bà Lê Thị Hòa (65 tuổi) trải lòng.

Để gần con mỗi ngày

Câu chuyện bên bến Cà Tang, từng lời bộc bạch của người phu keo nghèo khó mới thấm hơn cái nghề họ chọn để gắn với bến sông này. Trong số những người mấy chục năm phu keo dưới bến Cà Tang để kiếm tìm miếng cơm manh áo, không ít người có con tử nạn trên chuyến đò định mệnh cách nay 12 năm về trước. Với họ, nghề phu keo trên bến Cà Tang không chỉ đơn thuần vì mưu sinh mà có một lí do khác khiến họ không nỡ rời xa, đó là để gần bên những đứa con xấu số của mình.

Học trò tới trường trên cầu Nông Sơn

Theo hướng tay chỉ của những phu keo, cách bến phà ngày ngày ghe thuyền tấp nập không xa có một bãi đất nhô cao. Đó là nơi nằm lại của 18 em học sinh kém may đã vĩnh viễn ra đi làm nơi miền núi cao hẻo lánh phủ trắng vành tang thương. Ở nơi yên nghỉ của các em lúc nào cũng khói hương nghi ngút bởi ngày nào trước khi xuống bến bốc vác, những người mẹ, người chị các em cũng ghé lại thắp lên bàn thờ chung các em những nén nhang cầu mong các em được yên nghỉ. Dưới bến sông, những người nữ phu keo vẫn cần mẫn với công việc bốc xếp gỗ keo từ thuyền lên những chuyến xe. Những đôi mắt của người mẹ u ẩn không rời mặt sông. “Đều đặn mỗi ngày tụi tôi dành thời gian ra đây thắp nhang cho các cháu để các cháu sẽ không thấy quạnh quẽ vì biết rằng mẹ cha vẫn luôn ở bên”, chị Thân Thị Tin, một trong 18 người mẹ có con mất trong vụ chìm đò trải lòng.

Ngày mới ở Cà Tang

Trên bến đò Cà Tang xưa, một cây cầu vững chãi đã được xây dựng, xóa cảnh phập phồng sang sông bằng phà, thuyền của bà con vùng mỏ than Nông Sơn. Con đường bê tông phẳng lỳ nối nhịp cho cư dân đôi bờ sông Thu. Người dân Quế Trung ở đôi bên nhịp cầu đã có điều kiện phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hai, Chủ tịch UBND xã Quế Trung phấn khởi cho biết, sau khi có cây cầu, bà con Quế Trung thuận lợi hơn trong việc giao thương với các vùng miền khác. Không còn cảnh thấp thỏm đò ngang mỗi mùa nước lũ tràn về. Tuyến đường ĐT610 nối quốc lộ 1 từ Duy Xuyên chạy dài đến bến Cà Tang, từ đó chia làm hai lối dọc theo mé sông Thu đã tạo thuận tiện rất nhiều cho bà con đi lại. Cuộc sống của người dân đôi bờ sông Thu qua xã đã có nhiều đổi thay, đất đai trù phú hơn xưa. Những ngôi làng bao đời tách biệt với xóm dưới của ngọn núi Cà Tang, người dân chỉ có phương tiện duy nhất là bằng đò, ghe dọc theo sông Thu Bồn nay đã có đường bê tông để chạy xe gắn máy, ô tô… Nhờ đó xã Quế Trung đã vươn lên phát triển kinh tế, đạt được 12/19 tiêu chí nông thôn mới, ông Hai nói.

Chiều mây phủ Cà Tang. Mây sà xuống mặt nước một màu bàng bạc. Dòng nước sông Thu lặng lẽ đổ từ núi Ngọc Linh xuôi về Cửa Đại, ngang qua bến Cà Tang, nỗi đau neo lại. Giọng ông Hai trầm buồn nhưng chất chứa niềm hi vọng: “Sau ngày chìm đò, chính quyền đã tiến hành xây dựng cây cầu này. Nhờ đó, cuộc sống của bà con đôi bờ đã có điều kiện phát triển kinh tế, không còn nỗi phập phồng lo sợ mỗi mùa nước lũ khi con đến trường. Người Quế Trung không quên nỗi đau nằm lại bến sông này. Mỗi ngày họ đều nỗ lực để chung tay góp sức xây dựng quê hương, để không còn những nỗi đau nào tiếp diễn”.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên – Bá Thanh

Với những người phu keo, làm nghề này trên bến Cà Tang không chỉ đơn thuần vì mưu sinh mà có một lí do khác khiến họ không nỡ rời xa, đó là để gần bên những đứa con xấu số của mình.

 

Bình luận (0)