Nhà thiền sư Mãn Giác (1052-1096) từng có bài “Kệ” nói về sức sống diệu kỳ của tâm thế con người được khơi nguồn từ thiên địa, từ khí tiết (Tết) mùa xuân. Qua hình tượng một nhành hoa mai, ông đã tự răn mình khuyên người: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Cáo tật thị chúng). Nay xin dùng hai từ “cảm thức” với cách cảm ấy của thiền sư đời Lý trên để nói về sức sống khơi nguồn từ ý nghĩa của mùa xuân.
Ông bà lì xì cho cháu trong ngày Tết
Cảm thức Tết với trẻ – những bài học ý nghĩa!
Tết đem đến cho mọi người nhiều cảm xúc và suy nghĩ đặc biệt, khác với thường ngày. Riêng với trẻ, Tết là dịp các em có điều kiện để trưởng thành hơn, và học được nhiều điều hay, lẽ phải. Với phong tục “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”, Tết là dịp quý giá giúp cho trẻ biết được họ hàng nội – ngoại, giúp các em có điều kiện thể hiện lòng hiếu thảo, sự biết ơn, tri ân đối với ông bà, cha mẹ. Đây là dịp các em hiểu gốc tích, biết ơn về huyết thống, cội nguồn.
Cùng chung tay quét nhà, lau cửa với cha mẹ, giúp trẻ có ý thức hơn về trách nhiệm bản thân với gia đình. Việc cha mẹ chỉ bày cho con biết cách bày biện hoa quả (mâm ngũ quả), cách thờ tự nhang khói bàn thờ gia tiên, hay đi lễ chùa, những kiêng cử… sẽ giúp trẻ có ý thức về cội nguồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Biết thêm về phong tục, tập quán, văn hóa lễ hội của dân tộc, như các món ăn ngày Tết, tục xông đất, tục lì xì mừng tuổi, đặc trưng chợ Tết, vẻ đẹp của chợ hoa, ý nghĩa của các trò chơi, nét đẹp của các lễ hội dân gian gắn liền với từng địa phương. Đây là cơ hội giúp trẻ hiểu biết về văn hóa dân tộc.
Dẫu chưa thật sâu sắc, song trẻ cũng đã biết so sánh với bạn bè, biết quan tâm về gia cảnh của mình sau một năm làm ăn được mất. Điều này sẽ giúp trẻ có sự đồng cảm và yêu thương cha mẹ mình hơn. Tết là dịp trẻ ý thức về thời gian. Ý thức về tuổi tác của ông bà, cha mẹ. Và trẻ cũng sẽ tự ý thức về sự trưởng thành bản thân, cảm thấy có trách nhiệm với bản thân mình và gia đình hơn.
Những tổng kết của năm cũ, những hoạch định cho năm mới trong công việc làm ăn của cha mẹ, hoặc cha mẹ sắp đặt cho con, sẽ giúp trẻ có phương hướng và quyết tâm phấn đấu tốt hơn cho một năm sắp tới. Ngoài ra, Tết còn là dịp giúp cho trẻ mở rộng tầm mắt vì được đi du lịch; hình thành ý thức tiết kiệm từ những bao lì xì; giúp trẻ có ý thức và thói quen ăn uống những món ăn ngày Tết; biết cách nghỉ ngơi, vui chơi, thăm thầy thăm bạn bè của chúng. Ý nghĩa lớn nhất của Tết đối với trẻ là đem đến cho các em niềm vui, sự lạc quan, điều mà dân gian thường hay nói “vui như Tết” là có ý dành cho trẻ nhỏ.
Tết của giáo viên – những niềm vui thật giản dị!
Mặc dù Nhà nước đã nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách lương, thưởng cho giáo viên. Nhiều tổ chức, hoạt động quan tâm hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho thầy cô, song còn nhiều địa phương trên cả nước, giáo viên còn chịu nhiều thiệt thòi. Mà trường hợp giáo viên Trường THCS Trung Bình, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng được dư luận phản ánh “không biết Tết là gì” năm ngoái là một dẫn chứng.
Thế nhưng, nếu biết vui cái vui dân gian “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, biết tạm quên phần vật chất thì Tết với nghề giáo có những cái vui mà không phải nghề nào cũng có được. Đó là sự đồng hành với niềm háo hức của học trò trong không khí những ngày giáp Tết. Cùng các em tham gia các lễ hội mùa xuân tại trường. Ấm áp và đầy thân thương từ những lời chúc Tết, từ những tấm thiệp xuân giản dị đáng yêu. Vui lây với niềm vui của các em, khi chính thầy cô vận động, quyên góp giúp đỡ, trao quà xuân cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Đó là những niềm vui xuân thật sự ấm áp tình thầy trò!
“Tết” nhất, vui nhất có lẽ là những hoạt động của nhà trường, từ công đoàn, từ chính giáo viên tạo nên: Một chút quà xuân và tấm lịch Tết của trường; Cảnh rộn rịp cùng gói bánh chưng, cùng những câu chuyện rôm rả ngồi chờ bánh chín; Các “tiệc” tất niên đơn giản thắm đượm tình đồng nghiệp; Cùng chia ngày trong Tết để đến giao lưu, chúc Tết cùng nhau với bao niềm vui, ăm ắp tiếng cười.
Một đồng nghiệp nói vui với tôi rằng: “Tết này khỏi cần đi chợ. Chỉ cần “đặt hàng” ở đồng nghiệp là có… Tết!”. Nói vui mà thật. Cứ đến Tết là thầy cô có dịp “trao đổi hàng hóa” qua mạng với nhau. Chỉ cần lướt một vòng trên Facebook đồng nghiệp là có thể mua bất cứ hàng hóa gì, bất cứ đặc sản Tết của vùng quê nào. Đa số giáo viên chẳng nghĩ đến lợi nhuận mà vì vui là chính. Đó là cái vui Tết thời… công nghệ 4.0 của nhà giáo hiện nay!
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)