Ngày Tết với nhiều người thực sự là những ngày nghỉ ngơi sau bao ngày làm việc vất vả. Một trong những thú vui tao nhã mà rất có ý nghĩa là đọc sách và chiêm nghiệm về những điều trong sách. Một nhà bác học nổi tiếng người Pháp thời Phục Hưng đã cho rằng, đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với những bộ óc tuyệt vời. Đó có thể coi là một đúc kết rất đúng đắn và cũng rất ấn tượng…
Theo tác giả, một nhà bác học nổi tiếng người Pháp thời Phục Hưng cho rằng đọc sách hay cũng giống như trò chuyện với những bộ óc tuyệt vời. Trong ảnh: Học sinh THCS đọc sách tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Y.Hoa
Réne Descartes (1596-1650), một bộ óc vĩ đại của nước Pháp thế kỷ XVII, là một triết gia, đồng thời là nhà khoa học, nhà toán học, người được coi là cha đẻ của triết học hiện đại, từng nói: “Đọc sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua”. Hơn 400 năm trước, do rất nhiều điều kiện, dù sách vở không nhiều nhưng những bộ óc tuyệt vời để lại cho nhân loại hẳn không ít. Về toán học, đã có cuốn “Cơ bản” của Euclid, hay các định lý, tiên đề của Pythagoras… Về triết học, chính trị học, đã có Anaxagoras, Democritos, Heraclitus, các thầy trò Socrates, Platon, Aristotle… Về thiên văn học, dù không để lại một tác phẩm cụ thể nào nhưng đã có Thales, người đầu tiên nghiên cứu về lĩnh vực này, đã lý giải khoa học về hiện tượng nhật thực, tính được 1 năm có 365 ngày, được coi là người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu về sự sống ngoài trái đất… Về kịch nghệ, có các chuyện ngụ ngôn vô cùng đặc sắc của Aesop, “Mây” của Aristophanes, Rhesus của Euripides, “Những người Ba Tư” của Aeschylus… Về nghiên cứu lịch sử có “Lịch sử chiến tranh Peloponnesse” của Thucydides, “Historiai” của Herodotos… Về văn học, bộ “Thần thoại Hy Lạp” của Homer có giá trị kinh điển cho cả nhân loại.
Dĩ nhiên, ở phương Đông, cũng có những thành tựu rực rỡ không kém. Có thể bấy giờ Descartes chưa biết đầy đủ, nhưng chỉ riêng Trung Quốc thôi thì đã có “Xuân Thu” của Khổng Tử, “Sử ký” của Tư Mã Thiên (về nghiên cứu lịch sử), “Chu bễ toán kinh”, “Cửu chương toán thuật” (về toán học)… Nếu tính cả Ấn Độ, Lưỡng Hà (chủ yếu khu vực Iraq, Iran ngày nay), Ai Cập… thì số tác phẩm để lại còn nhiều hơn, thành tựu còn rộng lớn hơn. Ngoài ra còn có nền văn minh của người châu Mỹ bản địa với không ít thành tựu.
Nếu tính đến sát thời kỳ của Descartes thì ngay tại châu Âu, văn hóa Phục Hưng đã có không ít tác phẩm. Cộng dồn số tác phẩm của nhân loại đến thời điểm đó có lẽ cũng là con số khổng lồ, là sự tích hợp của biết bao bộ óc tuyệt vời, mà có những ý tưởng, những luận điểm mang tầm cách mạng và đi trước thời đại của tác giả đến hàng ngàn năm. Chẳng hạn, trong trường hợp của Jules Verne, người được coi là cha đẻ của thể loại tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, đã có những ý tưởng mang tính gợi mở, dự báo về một xã hội tương lai với các thành tựu khoa học kỹ thuật. Như tiểu thuyết “Paris au XXe siècle” đã vẽ ra cuộc sống như là xã hội những năm cuối thế kỉ 20 với hệ thống điều hòa, ô tô, internet, ti vi…; còn cuốn “Từ trái đất lên mặt trăng” dường như đã miêu tả trước chuyến du hành ba người đáp xuống Mặt Trăng vào năm 1969; còn tiên đoán của ông về những thành phố dưới đại dương có thể sẽ thành hiện thực trong một vài thế kỷ tới, khi điều kiện sống trên mặt đất ngày càng khó khăn với tình trạng đông dân số, ô nhiễm môi trường, nhiệt độ trái đất ngày càng nóng… Dĩ nhiên, có nhiều công trình là sản phẩm tập thể của nhiều người, trải qua nhiều năm nhưng cũng có những công trình chỉ là sự sáng tạo của một cá nhân. Đôi khi, cá nhân đó phải đánh đổi bằng nhiều thứ để có được tác phẩm để lại cho hậu thế. Với những trường hợp đó, không chỉ có bộ óc tuyệt vời mà còn có nghị lực, tinh thần tuyệt vời. Mỗi tác phẩm có thể không chỉ để lại cho người đọc kiến thức, có khi rất đồ sộ, mà còn những bài học, những cảm xúc, những trăn trở, những ray rứt, mà không phải chỉ đôi ba ngày… Ta có thể bắt gặp những tấm lòng tuyệt vời, những ước nguyện tuyệt vời của tác giả gửi gắm vào trong từng trang sách, từng dòng chữ. Đọc “Truyện Kiều” ta thấm lắm tấm lòng của nhà thơ đối với thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến, mà đâu chỉ có trong tác phẩm này, trong “Long Thành cầm giả ca” cũng vậy; mà đâu chỉ có phụ nữ, Nguyễn Du còn thể hiện lòng nhân ái bao la trong “Văn tế thập loại chúng sinh” hay “Sở kiến hành”…
Ta không chỉ đã gặp mà còn có dịp trò chuyện, những cuộc trò chuyện thật sự với tác giả, những bộ óc và tấm lòng tuyệt vời đó. Nhớ hồi đọc bộ “Đống rác cũ” của Nguyễn Công Hoan, tôi đã rơm rớm nước mắt, khi đọc đến đoạn cuối. Trần Đức Thừa lúc gần chết đã hối hận một số việc mình đã làm, trong đó có việc lừa và chiếm đoạt cô gái Xuy-dan, rồi biến cô này thành nhân tình của mình, sau khi chán đã bán cô vào nhà chứa. Khi biết Xuy-dan là con gái của mình, Thừa đã đưa tiền cho người chú họ đồng thời là quản gia của mình đi chuộc cô gái ra nhưng không kịp… Tôi muốn hỏi nhà văn vì sao ông không để cho Xuy-dan được cứu, không chỉ giải thoát cuộc đời cô gái tội nghiệp này mà còn để Thừa bớt tội lỗi… Nhà văn như nhìn tôi mỉm cười: tội lỗi của Thừa gây ra quá nặng nề, sự hối hận muộn màng của hắn không thể cứu vãn được, nên đến chết hắn cũng không thể nhắm mắt… Tôi chia sẻ suy nghĩ nếu có điều kiện tôi sẽ làm phim dựa trên tiểu thuyết này và sẽ sửa lại chi tiết đó, nhà văn như gật gù tán đồng: cậu nghĩ vậy là nhân văn nhưng có lẽ không phù hợp với logic câu chuyện…
Hẳn nhiều người đọc một cuốn sách hay cũng có những lời chuyện trò với tác giả theo kiểu đó. Người ta thắc mắc, tức giận, tiếc rẻ, xúc động… với tác giả, muốn tác giả bỏ bớt, thay đổi, bổ sung… một vài chi tiết trong sách mà theo người đọc là chưa hay, chưa hợp lý, chưa đúng hoặc để cho hay hơn. Dĩ nhiên, đó là câu chuyện với những bộ óc tuyệt vời, và không phải trường hợp nào người đọc cũng hiểu hết ý đồ của tác giả! Còn đối với những tác phẩm bình thường, không phải của một bộ óc tuyệt vời thì có thể không phải là những cuộc trò chuyện, mà là những phê phán, tranh luận, có khi gay gắt. Bởi bộ óc đó có khi không hấp dẫn chúng ta bắt đầu cuộc trò chuyện! Vậy nên, trò chuyện sinh ra giá trị của tác phẩm và giá trị của tác phẩm mới thuyết phục người đọc tạo ra cuộc trò chuyện!
Nguyễn Minh Tâm
Bình luận (0)