Do không còn phù hợp với tình hình mới, Trường CĐ Sư phạm Cà Mau vừa “mạnh dạn” giải thể để sắp xếp lại bộ máy khi chưa có sự thống nhất của Bộ GD-ĐT.
Ở ĐBSCL, Trường cao đẳng Cần Thơ (có 10 ngành đào tạo sư phạm) hoạt động tương đối hiệu quả, trong khi nhiều trường cao đẳng sư phạm đều trong tình trạng “thoi thóp” – Ảnh: CHÍ QUỐC |
Hiện chúng tôi chỉ còn cách dạy theo nhu cầu xã hội, xã hội chuộng ngành nào thì trường dạy ngành đó. Nhưng sinh viên chạy theo ngành nào thì ngành đó không có giáo viên, khi tuyển đủ giáo viên thì một hai năm sau ngành đó hết nóng, lại dư giáo viên. Chúng tôi đang kẹt giữa vòng luẩn quẩn ấy |
Ông Lê Thành Công |
Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Cà Mau, tiền thân là Trường trung học Sư phạm, được thành lập sau khi tỉnh Cà Mau được tái lập năm 1997.
Ông Trần Hồng Quân – phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – cho biết việc đảm bảo kinh phí cho Trường CĐSP hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, duy trì bộ máy hằng năm… rất lớn. Thêm nữa, đào tạo sinh viên ra trường không xin được việc làm thì gây lãng phí rất lớn cho xã hội.
“Xét thấy vai trò lịch sử của Trường CĐSP đã hoàn thành, nên UBND tỉnh xin Ban thường vụ Tỉnh ủy giải thể và được sự thống nhất. Vì vậy cuối năm 2016, UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định giải thể trường” – ông Quân nói.
Sinh viên không mặn mà với sư phạm
Theo ông Quân, việc giải thể trường là hợp lý nhằm sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất đã đầu tư.
Sau khi giải thể, “nguồn lực” trước đây dành cho Trường CĐSP được tỉnh Cà Mau tập trung cho các lĩnh vực khác trong ngành giáo dục. Hiện tại trên địa bàn Cà Mau, các sinh viên học ngành sư phạm ra trường thất nghiệp, không có việc làm đúng theo chuyên ngành đào tạo rất nhiều.
Nguyên nhân vì hiện tại giáo viên địa bàn tỉnh Cà Mau dư thừa nhiều, việc tuyển dụng mới của các trường rất hạn chế.
Tương tự, Trường CĐSP Sóc Trăng cũng khó khăn không kém. Bà Mai Thị Yến Lan, hiệu trưởng, cho biết tình hình tuyển sinh đầu vào của trường vài năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn, thường rơi vào tình trạng “chạy ăn từng bữa”.
Hiện giáo viên bậc trung học cơ sở và tiểu học đã đủ nên từ năm 2012 trường không xét tuyển hai bậc này nữa, chỉ xét tuyển bậc mầm non và Anh văn. Tuy vậy, số lượng hồ sơ đăng ký vẫn không đủ chỉ tiêu.
Giải thích tình trạng thiếu hụt đầu vào, bà Lan cho rằng phần lớn do nhiều gia đình có một hoặc hai con, có điều kiện chăm sóc và đầu tư nên ai cũng mong muốn con em của mình có bằng ĐH, nhiều cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường.
Mặt khác, chế độ đối với nghề dạy học chưa có nhiều ưu đãi, đồng lương thấp so với nhiều nghề khác nên lớp trẻ ngày nay không còn tỏ ra mặn mà với nghề “gõ đầu trẻ” nữa.
Trường cao đẳng sư phạm Cà Mau – Ảnh: Như Hùng |
Nhập vào vẫn “long đong”
Tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều trường CĐSP đã sáp nhập để tìm “mảnh đất sống” mới cho mình nhưng vẫn không khả quan.
Đã dự đoán trước khó khăn nên nhiều địa phương chủ động sáp nhập trường CĐSP vào khoa sư phạm của ĐH hoặc nhập chung vào các trường CĐ để đào tạo đa ngành. Nhưng đến nay hầu như các trường đều than “khó” khi cạnh tranh với bậc ĐH.
Ông Lê Thành Công, hiệu trưởng Trường CĐ Bến Tre, cho rằng nếu không sớm sáp nhập thì bậc CĐ nói chung, ngành sư phạm Bến Tre nói riêng đã “chết” từ lâu.
Theo ông Công, từ năm 2004 Trường CĐSP Bến Tre và các trường Trung học kinh tế – kỹ thuật, Trung học kỹ thuật – công nghiệp Bến Tre sáp nhập thành Trường CĐ Bến Tre đào tạo đa ngành (13 ngành).
“Tưởng khi sáp nhập thì việc tuyển sinh ở trường sẽ thuận lợi hơn. Nhưng hiện nay trường gặp rất nhiều khó khăn, số lượng đã giảm từ 3.000 còn chỉ gần 1.500 sinh viên” – ông Công nói.
Ông Công nói thêm sau khi có nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó chuẩn giáo viên tiểu học đến năm 2020 phải đạt trình độ ĐH, lập tức từ năm đó đến nay không sinh viên nào đăng ký học ngành tiểu học.
Hiện trường chỉ còn đào tạo theo địa chỉ dành cho giáo viên mầm non, mỗi năm 150 chỉ tiêu, đầu ra do Sở GD-ĐT tự phân bổ. Còn những ngành khác, sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp không quá 40%.
Giảm chỉ tiêu ngành sư phạm
Ông Nguyễn Thành Nguyện, giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh, cho biết từ năm 2007, Trường CĐSP Trà Vinh đã chuyển thành khoa sư phạm thuộc ĐH Trà Vinh để duy trì tốt hệ thống đào tạo vì rải rác thì khó phát triển.
Tuy nhiên không có nhiều sinh viên theo học bởi lượng giáo viên hiện nay đã bão hòa.
“Hằng năm, Bộ GD-ĐT có duyệt chỉ tiêu ngành sư phạm cho ĐH Trà Vinh nhưng rất ít, chỉ mang tính chất đào tạo dự phòng cho số giáo viên nghỉ hưu và nghỉ theo quy định của Nhà nước” – ông Nguyện nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Đệ – hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp – cho biết đây là năm thứ 2 trường cắt giảm đáng kể chỉ tiêu tuyển sinh hệ CĐ.
Cụ thể, hệ CĐ năm 2017 sẽ chỉ tuyển 120 chỉ tiêu ngành giáo dục tiểu học và 120 chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non do hai ngành này nhu cầu tuyển dụng ở ĐBSCL còn khá cao.
“Không riêng hệ CĐSP mà ĐH cũng đang gặp khó trong khâu tuyển sinh” – thầy Đệ lý giải.
Ông Đệ cho biết thêm hiện cả nước có hơn 100 cơ sở đào tạo giáo viên bao gồm các trường ĐH sư phạm, trường CĐSP, trường ĐH và trường CĐ có khoa sư phạm, trường trung cấp sư phạm, trường văn hóa nghệ thuật có đào tạo ngành sư phạm… Đó là chưa kể trước đây một số sinh viên tốt nghiệp những ngành khác sau đó học thêm chứng chỉ sư phạm vẫn có thể đứng lớp giảng dạy.
Ông Đệ nhìn nhận: “Nhiều năm qua, các trường đào tạo ngành sư phạm nhưng đã không tính toán được nhu cầu của xã hội, từ đó dẫn đến đào tạo dôi dư”.
Bộ chưa đồng ý, tỉnh “tự ý” giải thể Ngày 22-3, Bộ GD-ĐT có công văn gửi UBND tỉnh Cà Mau đề nghị cử đại diện lãnh đạo tỉnh đến bộ làm việc nhằm thống nhất phương án giải quyết việc giải thể Trường CĐSP Cà Mau. Theo Bộ GD-ĐT, thẩm quyền giải thể Trường CĐSP Cà Mau do bộ quyết định, tuy nhiên UBND tỉnh Cà Mau đã làm việc này. Liên quan vụ việc, ông Trần Hồng Quân – phó chủ tịch UBND tỉnh – giải thích: “Trước khi giải thể, khi làm việc với bộ, tỉnh có nêu vấn đề này và bộ cũng đồng tình cao. Ngoài ra, trong tháng 10 và tháng 11-2016 tỉnh đã có hai tờ trình gửi bộ xin ý kiến. Sau đó tỉnh có tiếp công văn nhắc nhở về vụ việc trên nhưng vẫn không nhận được phản hồi. Trong khi đó, trong quá trình phân bổ ngân sách năm 2017, tỉnh không cấp kinh phí đào tạo cho trường. Ngoài ra, ban giám hiệu trường cũng đến thời hạn bổ nhiệm lại nhưng chờ mãi đến cuối năm không nhận được phản hồi, nên UBND tỉnh đã báo cáo và được Ban thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận cho chủ trương giải thể trường”. |
Kiếm việc cho giáo viên Theo bà Mai Thị Yến Lan – hiệu trưởng Trường CĐSP Sóc Trăng, để tồn tại, nhất là không để 87 giảng viên (trên 50% là thạc sĩ, 2 tiến sĩ và 8 nghiên cứu sinh) “ngồi chơi xơi nước”, trong các năm qua trường đã chủ động liên hệ Trường ĐH Đồng Tháp, ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Thể dục thể thao TP.HCM để liên kết đào tạo. Ngoài ra, trường còn phối hợp với các địa phương trong tỉnh đào tạo chuyên môn cho giáo viên theo hình thức vừa dạy vừa học. Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết sau khi giải thể, cơ sở vật chất Trường CĐSP Cà Mau tạm thời đóng cửa, còn nhân sự được cơ quan chức năng tỉnh bố trí, sắp xếp có việc làm tại nhiều cơ sở GD-ĐT tại Cà Mau. Trong đó, phần lớn biên chế sự nghiệp Trường CĐSP được chuyển sang Trường CĐ Cộng đồng Cà Mau để thành lập khoa sư phạm. |
|
Bình luận (0)