Chọn lựa nghề nghiệp là một hành trình theo suốt cuộc đời của mỗi con người. Trong những năm gần đây, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) được nhà trường, gia đình và toàn thể xã hội đặc biệt quan tâm.
Tháng 10-2015, theo một khảo sát từ các buổi tư vấn hướng nghiệp tại 10 trường THPT ở TP.HCM và tỉnh Vĩnh Long cho thấy, có 97% HS cho rằng bản thân thật sự lo lắng khi chọn ngành nghề, 95% HS lo sợ thất nghiệp, 80% HS lo chọn ngành nghề không phù hợp, 70% HS lo ngành nghề mình chọn sẽ hết “hot” sau khi tốt nghiệp… Từ đó dẫn đến tâm lý lo lắng, rối loạn khi chọn ngành nghề.
Các nguyên nhân dẫn đến sai lầm lớn nhất trong chọn ngành nghề chính là chọn theo cảm tính; ngộ nhận về năng lực khả năng của bản thân; thiếu sự khảo sát tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành nghề; so sánh khập khiễng hoặc có thành kiến giữa các nghề; dựa dẫm, ỷ lại người khác; chọn ngành nghề theo “hào quang” của nghề mà không nhìn thấy “khoảng lặng” của nghề; chọn ngành nghề theo xu hướng môn học giỏi nhất… Để chọn được ngành nghề phù hợp, đòi hỏi bản thân mỗi người phải tự tin và chủ động tìm hiểu, khám phá và quyết định. Một sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cần dựa vào các yếu tố căn bản có tính nguyên tắc gồm: Thứ nhất, khám phá và xác định các tố chất của bản thân (năng lực, khả năng, sở trường, sức khỏe, điều kiện kinh tế, vị trí địa lý, môi trường học tập…). Thứ hai, xác định rõ sự đam mê, yêu thích của bản thân. Thứ ba, khảo sát kỹ ngành nghề sẽ chọn (yêu cầu của nghề, điều kiện tuyển sinh, mức điểm, tổ hợp môn xét tuyển, ưu thế đào tạo của mỗi trường). Thứ tư, xác định rõ mục đích học tập, sự khác biệt giữa ngành nghề và bản thân. Thứ năm, tìm hiểu kỹ mức độ “cần” của ngành nghề đối với xã hội.
Trong cuộc hành trình lựa chọn nghề nghiệp, không có sự lựa chọn nào là tuyệt đối, chỉ có sự lựa chọn phù hợp với bản thân mỗi người ở mỗi thời điểm nhất định, nếu HS nghiêm túc tìm hiểu và tuân thủ những quy tắc nhất định trong lựa chọn nghề nghiệp, các em sẽ hạn chế thấp nhất sai lầm trong chọn ngành nghề.
Những bài trắc nghiệm tính cách như MTBI, HOLAND, sự tư vấn chia sẻ của ba mẹ, thầy cô, chuyên gia hướng nghiệp… sẽ giúp các em khám phá bản thân mình là ai, phù hợp với nhóm ngành nghề nào. Trong khi đó, sự tư vấn, chia sẻ của nhân sự đang trực tiếp làm công việc đó sẽ giúp các em nhận biết được “hào quang” và “khoảng lặng” của nghề; sự tìm hiểu kỹ về yêu cầu của ngành nghề, trường đào tạo, mức điểm xét tuyển và môi trường học tập sẽ giúp các em có được quyết định đúng đắn khi “gửi gắm” tương lai của mình vào một ngôi trường đào tạo.
Chọn ngành nghề đã khó, việc “dừng lại” ở một nghề nào đó còn khó hơn. Sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ đi làm là một sự trải nghiệm để tiếp tục lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân, sự lựa chọn ấy sẽ không dừng lại nếu như chính bản thân chúng ta không hài lòng, hạnh phúc với nghề và không sống được bằng chính nghề chúng ta đã chọn.
Phạm Doãn Nguyên
(Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM)
Chọn ngành nghề đã khó, việc “dừng lại” ở một nghề nào đó còn khó hơn. |
Bình luận (0)