Dạy học là một nghề sáng tạo. Và điều đầu tiên, rõ ràng nhất thể hiện sự sáng tạo ấy là ở chỗ người giáo viên phải luôn tìm tòi những phương pháp giáo dục tốt nhất, nhằm tạo ra sự “ảnh hưởng tích cực” cho người học. Có rất nhiều phương pháp, song nhiều khi không cần phải “đao to búa lớn”, lý thuyết vòng vo, mà chỉ cần vài dẫn chứng nho nhỏ, bằng cách dùng những hình ảnh minh họa nhằm tác động một cách trực quan, nhẹ nhàng nhưng tạo ra được hiệu quả tích cực.
Trước đây, Steve Jobs, cha đẻ của thế giới công nghệ hiện đại và Apple, đã chứng minh cho người ta thấy rằng: một hình ảnh đáng giá bằng cả ngàn lời nói. Đó là trong màn diễn thuyết ra mắt sản phẩm Macbook Air (dòng máy tính xách tay siêu mỏng, siêu nhẹ), Steve Jobs đã thuyết phục người xem về sự tiện lợi vượt trội của nó bằng cách đút chiếc máy tính vào trong một cái phong bì nhỏ gọn.
Phương pháp nêu ví dụ, dùng hình ảnh minh họa thực ra không phải mới. Mà nó được các nhà sư phạm sử dụng từ thời cổ đại và lưu lại qua những câu chuyện giàu ý nghĩa triết lý. Đó là các bài giảng gắn liền với các hoạt động trải nghiệm của các nhà triết học – sư phạm mẫu mực từ phương Đông cho đến phương Tây.
Dưới đây là hai ví dụ nho nhỏ có tính gợi mở, chấm phá về phương pháp dùng hình ảnh vòng tròn để giáo dục đạo đức cho học sinh:
Vòng tròn lớn và vòng tròn nhỏ
Dùng hình ảnh minh họa này để nhằm khuyến khích việc học hỏi không ngừng, và để kiềm chế tính tự đại, tự mãn của một số bộ phận học sinh. Hãy dùng phấn vẽ lên bảng hai vòng tròn (một vòng tròn nhỏ và một vòng tròn lớn) và diễn giải: Vòng tròn nhỏ biểu thị cho sự hiểu biết ít, vòng tròn lớn biểu thị sự hiểu biết nhiều. Vòng tròn nhỏ tiếp xúc với bên ngoài ít, vòng tròn lớn tiếp xúc nhiều hơn. Như vậy, nếu ta hiểu biết ít thì phần tiếp xúc với bên ngoài ít, phần chưa biết ít. Ngược lại, nếu ta hiểu biết nhiều thì phần chưa biết ở bên ngoài sẽ nhiều hơn thêm. Có nghĩa là, càng hiểu biết nhiều thì càng thấy mình “dốt” hơn, vì những gì mình chưa biết sẽ nhiều hơn.
Thế là chỉ qua vài vết phấn, ta đã mượn câu chuyện của nhà toán học cổ đại Hy Lạp Archimedes đã dạy các môn đệ của mình để khuyến khích tinh thần học tập cho học sinh, vừa qua đó mà chuyển tải được thông điệp của nhà bác học Isaac Newton: “Các điều ta biết chỉ là giọt nước, các điều ta không biết là cả một đại dương”.
Những vòng tròn giao nhau
Trong lớp có học sinh thụ động, tự kỷ, sống khép kín, luôn có tư tưởng đề cao cái tôi của mình một cách thái quá. Mặc dù giáo viên đã giảng giải rất nhiều nhưng vẫn không chuyển biến. Áp dụng cách này giúp họ “cởi trói” khỏi vòng tròn khép chặt họ. Thử vẽ lên bảng nhiều vòng tròn với nhiều màu phấn khác nhau. Mỗi vòng tròn biểu thị cho từng cái tôi cá nhân riêng biệt. Sau đó tô vào các phần giao nhau giữa các vòng tròn. Phần giao nhau ấy là sự hòa lẫn các màu nên cho ra một màu sắc mới. Sau đó diễn giải: “Chúng ta thấy đấy, nếu chúng ta sống khép mình thì chúng ta sẽ nghèo nàn và đơn điệu biết dường nào. Giống như những chiếc vòng tròn đơn điệu sắc màu và buồn tẻ kia. Nếu chúng ta hòa nhập với bạn bè với mọi người, thì chúng ta sẽ có thêm những phần giao thoa mới, thêm những màu sắc mới…”.
Còn vô số tình huống khác mà ta có thể áp dụng linh hoạt bằng phương pháp trực quan, bằng cách nêu ví dụ điển hình. Nếu ta chịu khó tìm tòi thì hiệu quả giáo dục sẽ không phụ công lao của ta cho sự tìm tòi ấy.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)