Nên dùng muối có iốt để hạn chế bệnh bướu cổ – Ảnh: Thành Nhân |
Mới đây, khi siêu âm vùng cổ trong lần khám sức khỏe tổng quát, chị Phạm Ngọc Q., 30 tuổi, ở TP.HCM, tình cờ bị phát hiện nhân giáp có đường kính 1,5cm. Kết quả sinh thiết khối bướu là lành tính.
Tuy nhiên, vì yếu tố thẩm mỹ nên chị quyết định mổ để lấy bướu giáp. Sau mổ, khối bướu lấy ra được đem giải phẫu bệnh thì phát hiện là ung thư tuyến giáp dạng nhú (thường gặp, chiếm 90% các loại ung thư tuyến giáp).
Chị Q. được êkip bác sĩ khoa ngoại lồng ngực – mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM mổ lần hai, cắt toàn bộ tuyến giáp, sau đó điều trị iốt phóng xạ tiêu hủy tế bào ung thư.
Số người được phát hiện tăng cao
ThS.BS Trần Thanh Vỹ, trưởng khoa lồng ngực – mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết tỉ lệ phát hiện nhân giáp hay còn gọi là bướu giáp nhân gần đây tăng nhiều nhờ tầm soát bệnh bằng siêu âm vùng cổ.
Chỉ tính riêng tại phòng khám nội tiết Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, số người đến khám bướu giáp nhân tương đương với người khám tiểu đường, là 4.134 lượt người trong 9 tháng đầu năm 2016 (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015).
TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết trong những lần siêu âm khám sức khỏe định kỳ, nhiều người tình cờ được phát hiện có nhân giáp. Trong đó, không ít người lo lắng mang kết quả siêu âm đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để được khám lại.
Theo TS Quốc Thịnh, khi khám sức khỏe định kỳ nếu nhận kết quả siêu âm có những hạt này (nhân giáp) thì đừng quá lo lắng vì cứ 10 người được siêu âm tuyến giáp sẽ có khoảng tám người được phát hiện. Hầu hết đều lành tính, chỉ có một số trường hợp là những bệnh lý khác như viêm tuyến giáp, ung thư tuyến giáp.
Đối với những hạt này, bình thường sẽ không gây bất kỳ một triệu chứng nào, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể gây một số thay đổi về mặt nội tiết vì những tuyến giáp có thể tiết ra những chất nội tiết tố tuyến giáp và có thể tạo ra sự thay đổi. Thường gặp nhất, sẽ bị hội chứng cường giáp basedow (sụt cân nhanh, nhịp tim nhanh, hồi hộp…).
Xử lý ra sao?
Khi phát hiện trong bướu giáp có một hoặc nhiều hạt nên đi khám và theo dõi để các bác sĩ xác định những hạt này là lành tính hay là ung thư. Trong hầu hết các trường hợp chẩn đoán dựa vào lâm sàng, siêu âm là các bác sĩ có thể biết được.
Trong một số trường hợp qua siêu âm thấy những hình ảnh nghi ngờ, ví dụ có những điểm đóng vôi trong những hạt này hoặc siêu âm thấy nhiều tăng sinh mạch máu thì khi đó các bác sĩ có thể dùng kim nhỏ chích vào những hạt này, thử tế bào xác định xem là lành tính hay ác tính.
Với những hạt nhân giáp nhỏ li ti, các bác sĩ thường không điều trị mà chỉ khuyên bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn để cung cấp đủ chất iốt như nấu ăn bằng chất iốt, chế độ ăn cá biển và theo dõi sức khỏe định kỳ.
Đối với những hạt, theo thời gian sẽ lớn dần lên, có thể gây xấu về mặt thẩm mỹ hoặc nếu để hạt to quá, khi nuốt, thở sẽ bị vướng, có thể phải mổ.
Ngày nay, bướu lớn nếu được chọc hút bằng kim nhỏ sẽ cho chẩn đoán rất chính xác trước khi mổ, để tiến hành mổ hợp lý.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ bướu quá to sẽ có tình trạng hoại tử, khi chọc hút bằng kim nhỏ có trường hợp bị âm tính giả không thấy ung thư nhưng thực ra là bị ung thư.
Bướu giáp nhân là bệnh lý dễ gặp Theo ThS.BS Trần Thanh Vỹ – trưởng khoa lồng ngực – mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược, bướu giáp nhân là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam. Hằng năm có khoảng 115.000 người được khám, chữa bệnh bướu giáp nhân. Nhân giáp là tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp, đa số không gây triệu chứng gì. Nhân giáp được phân loại thành nhân lành tính và ác tính, trong đó nhân lành tính chiếm đa số. Nếu bướu giáp nhân là ác tính và được chẩn đoán là ung thư thì cần được điều trị kịp thời bằng phương pháp phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch vùng cổ. Bướu giáp có thể gặp khi mới sinh hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt cuộc đời, lứa tuổi thường gặp từ 30 – 55 tuổi. Phụ nữ dễ bị rối loạn tuyến giáp hơn so với nam giới, do đó cũng nhiều khả năng phát triển bướu giáp. Phụ nữ mắc bệnh nhiều gấp 5 lần nam giới. |
THÙY DƯƠNG (TTO)
Bình luận (0)