Theo TS. Nguyễn Quốc Chính (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM), sau một tuần đã có khoảng 7.000 thí sinh đăng ký thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP.HCM trong đợt 1 năm nay.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP.HCM năm trước
Cụ thể, sau 1 tuần kể từ ngày mở cổng đăng ký, có 6.851 thí sinh đã xác nhận tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP.HCM đợt 1 (xấp xỉ số lượng đăng ký của đợt 1 năm trước). Riêng trong ngày đầu tiên, hơn 2.100 thí sinh đã đăng ký xác nhận tham gia kỳ thi này. Điều đó cho thấy thí sinh ngày càng quan tâm và mức độ tin cậy vào kỳ thi cũng lớn; thông tin về kỳ thi đưa đến thí sinh và phụ huynh nhanh chóng và rõ ràng hơn.
Đợt 1, thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 6-1 đến 28-2; thi ngày 29-3 tại TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bến Tre và An Giang. Đợt 2 thi ngày 5-7 tại TP.HCM, Cần Thơ và Khánh Hòa. |
Theo ông Chính, TP.HCM vẫn là địa điểm được thí sinh lựa chọn dự thi chủ yếu với khoảng 5.500 em. Các địa điểm khác theo thứ tự thí sinh đăng ký giảm dần là Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bến Tre và An Giang. Ông Chính cũng lưu ý, dù tỉ lệ thí sinh đăng ký sai cú pháp đã giảm nhiều so với năm ngoái nhưng vẫn còn nhiều em không đọc kỹ hướng dẫn của Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, đặc biệt là phương thức thanh toán lệ phí thi qua ngân hàng. “Khi chọn phương thức thanh toán qua ngân hàng, trong phần nội dung chuyển khoản, thí sinh cần viết đúng cú pháp là họ và tên kèm chứng minh nhân dân. Nhiều em không làm đúng dẫn đến việc đăng ký chưa thành công. Các bước đăng ký đã được trung tâm hướng dẫn cụ thể và rõ ràng, vì vậy thí sinh cần cẩn trọng hơn”, ông Chính lưu ý.
Năm nay, kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP.HCM tổ chức được nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng làm một trong các phương thức xét tuyển chính, bên cạnh 2 phương thức chủ chốt là xét học bạ và kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, năm nay số lượng trường ĐH ngoài hệ thống dùng kết quả đánh giá năng lực này xét tuyển cũng tăng, lên đến hơn 40 trường so với 24 trường năm ngoái. Không chỉ tăng số lượng trường xét kết quả thi này, nhiều trường ĐH năm nay còn tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét. Đơn cử như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năm 2020 dự kiến sẽ tăng khoảng 10% chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM so với năm 2019 (khoảng 10-50% chỉ tiêu cho phương thức này)… ThS. Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) nhận định, năm trước trường có xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Qua đào tạo có thể thấy những em trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH này có học lực tương đối tốt hơn so với số thí sinh trúng tuyển bằng học bạ. Ở phương thức xét học bạ, sức học của các em không đồng đều, có em học khá nhưng có em chưa đáp ứng. Theo ông Sơn, việc xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM thực sự đã đánh giá được các kỹ năng cần thiết cho việc học ĐH của người học.
Bài thi đánh giá năng lực vào ĐHQG TP.HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: Sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.
Thục Trân
Bình luận (0)