Thay vì phải cáng đáng một mình cấp cứu bệnh nhân trong trường hợp gặp “ca khó”, hiện các bệnh viện tại TPHCM đã vận hành một mô hình liên kết đầu tiên của cả nước: cùng nhau cấp cứu hay còn gọi mỹ miều là báo động đỏ liên viện.
Theo đó, có thể báo động đỏ nội viện nhưng cũng có thể ngoại viện khi một bệnh viện tiếp nhận trường hợp cấp cứu nguy kịch nhưng đội ngũ y bác sĩ, thiết bị không đủ tự tin hoặc khả năng thực hiện thì có quyền kêu gọi các bệnh viện chuyên môn khác đến cùng tham gia. Đây cũng là quy ước mà Sở Y tế TPHCM đặt ra để các bệnh viện có trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết với mục tiêu cao nhất là giành giật sự sống!
Buổi diễn tập cấp cứu báo động đỏ tại bệnh viện quận 11, TPHCM
Nhiều tay, thêm sức
Nhập viện tại Bệnh viện (BV) Quận Thủ Đức TPHCM trong tình trạng bị gãy khung xương chậu, toác khớp mu, toác khớp cùng chậu, vỡ bàng quang, đứt niệu đạo, xuất huyết nội gây mất nhiều máu…, tính mạng anh Lê Phước Lê (36 tuổi, quê ở Huế, tạm trú tại Bình Dương, làm nghề cơ khí) như ngàn cân treo sợi tóc. Qua thăm khám, các bác sĩ gần như lắc đầu vì khả năng cứu sống bệnh nhân rất thấp nên nhanh chóng “báo động đỏ”. Ngay lập tức, BV huy động các bác sĩ liên chuyên khoa khẩn trương chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Và sau hơn 3 giờ bệnh nhân đã được cố định khung xương chậu, cầm máu bên trong cho người bệnh, khâu lại vị trí vỡ bàng quang (rách gần 1/2 bàng quang), tạm xử lý vị trí bị đứt hoàn toàn ở niệu đạo… BS Nguyễn Văn Quân, Giám đốc BV, nhìn nhận nếu mỗi một khoa cấp cứu thì khó cứu nổi người bệnh nên cần huy động tất cả các chuyên khoa và đây là quy trình “báo động đỏ” nội viện đã được triển khai khá hiệu quả. Đến nay nhờ quy trình này, BV Quận Thủ Đức đã cứu sống hàng chục bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch…
Một trường hợp khác là anh N. Q. T. (28 tuổi, công nhân, ngụ Trà Vinh) cũng vừa được cứu sống bằng sự liên viện. Nhập BV Quận 2 TPHCM trong tình trạng bị đa chấn thương lúc bắc giàn giáo, sốc mất máu nặng, rối loạn nhịp tim, vỡ gan…, anh T. được chẩn đoán 99% tử vong. Sau khi tiến hành sơ cấp cứu, BV Quận 2 đã thực hiện quy trình “Báo động đỏ liên viện” với BV Nhân dân Gia Định vì không thể chuyển viện do người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch có thể tử vong trên đường đi. Nhận được báo động đỏ, BV Nhân dân Gia Định cử ngay các bác sĩ phẫu thuật và hồi sức xuống BV Quận 2 để hỗ trợ, trong vòng 20 phút ê kíp bác sĩ BV Nhân dân Gia Định đã có mặt tại BV Quận 2 và vào thẳng phòng mổ để tiếp ứng, phẫu thuật cấp cứu thành công. Hiện bệnh nhân đã xuất viện. Ngoài trường hợp này, có thể kể đến như trường hợp cấp cứu tại BV Quận Tân Phú (TPHCM) được sự ứng cứu của bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát của BV Nhân dân 115 sau khi “báo động đỏ” đã phẫu thuật thành công.
Cấp cứu bệnh nhân tại một bệnh viện ở TPHCM
“Phủ sóng” báo động đỏ
Thực tế cho thấy một số BV trên địa bàn TPHCM còn gặp khó khăn trong công tác cấp cứu bệnh nhân nguy kịch do ngoài khả năng chuyên môn. Do vậy, Sở Y tế TPHCM đã triển khai quy trình “báo động đỏ liên viện” nhằm huy động sự hỗ trợ giữa các BV để cùng phối hợp xử lý những trường hợp khẩn cấp. Nhằm “chuẩn hóa” quy trình, mới đây Sở Y tế TPHCM đã cho diễn tập hoạt động quy trình “Báo động đỏ liên viện” trong tình huống cấp cứu sản khoa tại BV Quận 11, BV Từ Dũ và BV Truyền máu Huyết học. BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đánh giá quy trình “báo động đỏ liên viện” là một sự phối kết hợp cần có nhuần nhuyễn giữa các ê kíp.
Cùng với “báo động đỏ liên viện”, hiện TPHCM cũng đã “phủ sóng” mạng lưới cấp cứu 115 với 9 trạm cấp cứu tại 9 bệnh viện cửa ngõ thành phố. Theo BS Tăng Chí Thượng, ngành y tế TPHCM sẽ phấn đấu thành lập mỗi quận, huyện 1 trạm cấp cứu vệ tinh 115. Đồng thời hiện đã thành lập Ban chỉ đạo cấp cứu ngoại viện và Ban điều hành quy trình báo động đỏ liên viện. |
“Cái quan trọng là ngay từ sơ cứu ban đầu, BV tiếp nhận bệnh nhân phải biết đánh giá mức độ, nguy cơ của bệnh nhân và báo động đỏ với đơn vị nào”, BS Thượng cho biết. Để sẵn sàng trong mọi tình huống, theo BS Thượng, hiện Sở Y tế đã yêu cầu các BV lập ngay danh sách các bác sĩ “trực chiến” để gửi về sở, đến lúc gọi là phải có. TS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cũng cho biết “báo động đỏ liên viện” thực hiện cần thiết bởi trong một số trường hợp không phải BV nào cũng hoàn hảo. “Đừng có tự trọng, tự ái. BV mình không đủ năng lực thì cứ báo động đỏ, cứ gọi, các đơn vị bạn sẵn sàng tiếp ứng. Cái quan trọng trên hết là tính mạng người bệnh”, TS Phú nhìn nhận.
Theo PGS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, báo động đỏ liên viện nằm trong kế hoạch hoạt động phản ứng nhanh cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao do Sở Y tế TPHCM đề ra. Quy trình báo động đỏ liên viện là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các BV nhằm cấp cứu người bệnh nguy kịch, cần sự phối hợp của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. “Mục tiêu của quy trình này là khẩn trương vừa hồi sức vừa tiến hành can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay cho bệnh nhân. Quy trình yêu cầu toàn bộ ê kíp hồi sức, phẫu thuật và các chuyên khoa liên quan phải có mặt tại phòng mổ trong thời gian sớm nhất có thể. Ngoài ra, việc này còn nhằm mục đích khẩn trương hồi sức tích cực chuyên sâu đối với những trường hợp diễn tiến xấu đột ngột, đe dọa tính mạng người bệnh”, PGS Bỉnh nói. Theo BS Bỉnh, trước mắt mới chỉ có một số BV triển khai quy trình “báo động đỏ” nhưng sắp tới bắt buộc thực hiện đại trà, phủ sóng trên toàn mạng lưới hệ thống BV cả công lẫn tư.
TƯỜNG LÂM/SGGP
Bình luận (0)