Trong khi Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 hướng đến mục tiêu ngày càng nhiều học sinh biết đọc, viết, giao tiếp bằng tiếng Anh thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây của môn này tại Đà Nẵng thật đáng buồn, thể hiện sự tụt dốc của hiệu quả dạy học ngoại ngữ trong nhà trường.
Môi trường giao tiếp tiếng Anh hầu như chỉ có ở những câu lạc bộ ngoài trường phổ thông. Ảnh: H.Giang |
Thiếu và yếu
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, năm học 2013-2014, tỉ lệ học sinh thi tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt điểm 5 trở lên có 96,24%, nhưng qua 2 năm triển khai kỳ thi THPT quốc gia, tỉ lệ này tụt xuống còn 24,34% và 18,14%. Một con số đáng buồn so với những nỗ lực trong dạy học ngoại ngữ hướng đến mục tiêu các đối tượng học sinh phổ thông đều biết đọc, viết và giao tiếp tiếng Anh như một ngôn ngữ thông dụng.
Ông Nguyễn Minh Hùng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng) cho biết hiện thành phố có 778 giáo viên tiếng Anh ở 3 bậc học: tiểu học, THCS, THPT. Trong đó có 624 giáo viên đạt chuẩn (chiếm khoảng 80%), còn lại chưa đạt chuẩn. Theo nhìn nhận của ông Hùng, đa số giáo viên tiếng Anh có đủ năng lực tham gia các hoạt động dạy học trong nhà trường. Tuy nhiên, kỹ năng giao tiếp, thực hành (nghe, nói) chưa tốt do môi trường sử dụng tiếng Anh chưa phổ biến, giáo trình còn nặng về lý thuyết, ngữ pháp… Mặt khác, quá trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là bộ môn tiếng Anh trong suốt những năm qua tại các trường ĐH, CĐ chưa thật sự hiệu quả. Ngoài ra, một bộ phận giáo viên lớn tuổi nên hạn chế về sức khỏe cũng như khả năng tiếp thu kiến thức, tiếp cận ứng dụng CNTT trong soạn giảng, ngại đổi mới phương pháp, thụ động trong truyền đạt kiến thức, ngại trao đổi rèn luyện kỹ năng giao tiếp nên một số tiết học không đáp ứng được yêu cầu. Sĩ số học sinh trên lớp còn khá cao khiến giáo viên gặp khó khăn khi đổi mới phương pháp dạy học, luyện tập các kỹ năng giao tiếp, thực hành. Đó là chưa kể, một số giáo viên chuyển từ tiếng Nga sang nên kiến thức tiếng Anh chưa chuẩn; một số trường, các phòng học ngoại ngữ, phương tiện luyện nghe, nói còn hạn chế, thiếu phòng chức năng để thực hành. Chưa kể, chương trình sách giáo khoa theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 còn khó so với một số đối tượng học sinh, nhất là ở những vùng khó khăn.
Ông Hùng cũng cho rằng, việc học ngoại ngữ nhìn chung còn tập trung vào thi, mà chủ yếu là thi viết để đáp ứng yêu cầu trước mắt của học sinh và giáo viên. Môi trường nói, nghe, giao tiếp với người bản xứ còn hạn chế.
Cần có sự bứt phá
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng về việc triển khai thực hiện “Đề án ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2012-2016 và kế hoạch thực hiện đề án giai đoạn 2017-2020” vào trung tuần tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Minh Hùng đã thay mặt ngành giáo dục có nhiều đề xuất về chính sách, cơ chế bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng được các quy định về chuẩn năng lực mới có thể bảo đảm chất lượng bộ môn. Đồng thời cần có chính sách hoặc cho phép các trường phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước nhằm tăng cường thêm tiết tiếng Anh ngoài giờ chính khóa, đẩy mạnh mở rộng xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho giáo viên bản xứ giảng dạy ngoại khóa tại các trường phổ thông…
Ông Đặng Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng) yêu cầu ngành giáo dục cần khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thời gian sớm nhất có thể. Cụ thể, cần có lộ trình về chế độ chính sách cũng như tăng cường năng lực cho giáo viên ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu phát triển; tránh dàn trải trong đầu tư phòng học bộ môn… Ông Dũng cũng cho rằng, để đạt các mục tiêu này, không nên lệ thuộc quá nhiều vào chương trình, giáo trình của Bộ GD-ĐT, cũng như đừng phụ thuộc quá nhiều vào vấn đề thi cử. Cần có sự mở rộng, đổi mới trong phương pháp giao tiếp, tiếp cận để giúp học sinh vừa có thể đạt chuẩn trình độ vừa tự tin giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ. “Việc tăng cường năng lực, trình độ chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh là quan trọng nhất; đồng thời tăng cường các câu lạc bộ tiếng Anh trong trường học. Bên cạnh đó, xã hội hóa trong dạy học tiếng Anh phải tính tới yếu tố vùng miền”, ông Dũng nhấn mạnh.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)