Lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Mỹ, từng làm ở bộ phận iTunes của Apple nhưng Nguyễn Anh Sơn lại quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp.
Ý tưởng từ seri hài Mr.Bean
Nguyễn Anh Sơn (sinh năm 1990, quê ở Mỹ Đức, Hà Nội) luôn xác định muốn phát triển sự nghiệp dựa trên sự bền vững. Chàng trai 26 tuổi này nhận định hầu hết các doanh nghiệp đang phải đương đầu với những câu hỏi hóc búa như tồn kho, ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cạnh tranh, tài chính ảo, công nợ… dẫn đến sự phát triển tại các thời điểm không ổn định một cách bền vững. Và rằng muốn kinh doanh hiệu quả thì điều quan trọng nhất là phải nhắm vào nhu cầu cơ bản của con người.
Trong một lần du lịch tại Nha Trang hồi tháng 8.2014, Sơn vô tình có nói chuyện với một tài xế taxi về tiệm giặt trong seri hài Mr.Bean. “Câu chuyện phiếm làm tôi giật mình khi nhận ra đây chính là cái mình đang tìm kiếm! Giặt sấy luôn là nhu cầu tất yếu. Giặt sấy không bị biến mất ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Giặt sấy không có hàng tồn kho như nhà hàng và tạp hóa”, Sơn kể.
Tham khảo thêm thông tin, Sơn thấy giặt sấy là ngành phát triển thực sự bền vững từ sự bùng nổ dân số tại Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ 2: “Các cửa hàng giặt sấy đã lan rộng khắp 116 quốc gia trên khắp thế giới. Riêng tại Mỹ số liệu tiệm giặt sấy thống kê vào năm 2014 là 35.000 cửa hàng. Nhìn lại thị trường Việt Nam thì đây là một ngành hoang sơ chưa ai khai thác”.
Nguyễn Anh Sơn (trái) đang gặt hái thành công từ chuỗi cửa hàng giặt sấy Laundpro trên khắp Sài Gòn – Ảnh: NVCC
“Giặt quần áo là một việc phải làm và thực sự không ai thíc việc này cả. Nhất là 70% sinh viên tại Sài Gòn lại đến từ các tỉnh khác. Theo tôi thống kê thì trung bình 40 sinh viên sẽ cần tối thiểu một máy giặt. Tôi bắt tay xây dựng kế hoạch kinh doanh và chỉ trong 12 ngày sau tôi đã khai trương được cửa hàng giặt sấy thông minh Laundpro đầu tiên tại đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh”, Sơn nói.
Thời điểm ban đầu khai trương, Laundpro sử dụng máy giặt gia đình. Tuy nhiên, vì các loại máy gia đình được thiết kế sử dụng một ngày một lần, nhưng khi đem vào kinh doanh thì một ngày máy phải chạy 10 lần dẫn đến máy móc trục trặc liên tục.
“Chỉ với 19 phút giặt và 25 phút sấy bạn sẽ quần áo dùng được ngay lập tức. Và kỳ vọng quá lớn vào sự đột phá ưu việt trên đã thúc đẩy tôi quyết định nhập và triển khai hàng loạt cửa hàng Laundpro. Tuy nhiên, điều này vô tình đưa Laundpro trên bờ vực phá sản khi tồn đọng hơn 100 máy giặt sấy chưa được triển khai (giá trị mỗi máy từ 100 – 200 triệu đồng), do yếu tố quyết định thành công lại nằm ở địa điểm”, Sơn tiếp tục nói về những trục trặc trên con đường khởi nghiệp của mình.
Đối tượng khách hàng mà Laundpro hướng tới là sinh viên, cư dân ở các khu chung cư mới và các khu công nghiệp – Ảnh: NVCC
Đứng lên sau thất bại
Sau những sự cố ban đầu, Sơn đã biết định hướng chính xác hơn cho hệ thống Laundpro bằng cách đưa ra những dịch vụ khác biệt với chất lượng tốt. Đơn cử như việc Laundpro có hệ thống thanh toán tự động bán thẻ và nạp tiền tự động không cần nhân viên. Thẻ được kích hoạt qua số điện thoại khách hàng để máy gửi báo cáo giao dịch phát sinh và số dư của thẻ bằng tin nhắn, đồng thời máy sẽ tự động thông báo cho khách hàng khi máy đã giặt xong, mang lại cảm giác yên tâm cho khách giống như giặt ở nhà.
Bên cạnh đó Laundpro chuyển sang sử dụng máy giặt công nghiệp của Mỹ. Đặc biệt, khách hàng không bao giờ phải đụng tay vào hóa chất vì đã có hệ thống bơm định lượng tự động đưa hóa chất giặt chính xác theo định mức phù hợp. Khách đến Laundpro chỉ cần cho quần áo vào máy, đóng lại, bấm chọn vết bẩn, loại vải rồi cho thẻ vào máy bấm khởi động.
Nếu như một chiếc máy giặt thường được xem là một thiết bị gia dụng phổ biến ở các gia đình thì đối tượng khách hàng mà Laundpro lựa chọn lại là những người muốn tiết kiệm thời gian.
“Máy gia dụng trung bình cần 2 giờ giặt sạch quần áo và 8 giờ để phơi khô thì tại Laundpro chỉ cần 19 phút là xong. Kết quả được phân tích bởi chuyên gia hóa chất của đối tác Johnson Diversey kiểm định độ sạch trên vải hơn 72% so với máy gia gia dụng. Laundpro đang xây dựng mô hình tự phục vụ với chi phí rẻ nhất (thậm chí là rẻ hơn giặt ở nhà) đến khu vực chung cư, sinh viên, khu công nghiệp và khu có lượng khách du lịch lưu trú đông”.
Sau gần 10 tháng đi vào hoạt động, thống kê cho thấy Laundpro có sự tăng trưởng rất ổn định từ tháng thứ 4. Thống kê tại một chi nhánh sau khi trừ tất cả chi phí mang về lợi nhuận đạt mức khoảng 18 triệu/tháng.
Để phát triển mạnh mẽ hơn, Sơn bắt đầu xúc tiến nhượng quyền thương hiệu cho hệ thống cửa hàng Laundpro. Bên cạnh đó, Sơn cũng trở thành nhà phân phối chính thức máy giặt công nghiệp Speed Queen ở Việt Nam.
“Ở Việt Nam, mô hình giặt sấy này còn mới nhưng lại là nhu cầu thường nhật nên dịch vụ của Laundpro sẽ không bị thoái trào, cũng như nó đã tồn tại từ rất lâu ở Mỹ. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để việc sử dụng dịch vụ giặt sấy tự động ngày càng phổ biến", Sơn nói.
Khi được hỏi tại sao lại từ bỏ công việc ở Apple – một công ty mơ ước của rất nhiều người trẻ để trở về Việt Nam khởi nghiệp, Sơn bộc bạch: “Gia đình tôi ở Việt Nam và tôi luôn muốn đóng góp công sức cho quê hương”. Chàng trai Hà Nội đang làm giàu trên đất Sài Gòn này đồng thời chia sẻ điều khó khăn nhất với một người trẻ khi bắt tay vào thực hiện một dự án khởi nghiệp chính là phải “ra quyết định”.
Trần Nhật Minh (TNO)
Bình luận (0)