Có một thực tế đã và đang diễn ra thời gian qua là tại một số trường trung cấp có đầu ra phù hợp với nhu cầu thiết thực của xã hội, số học viên đã có bằng cử nhân, thạc sĩ theo học đang có xu hướng gia tăng.
Sinh viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM xem thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm 2016 do trường tổ chức (ảnh minh họa). Ảnh: M.Tâm |
Dù chưa có một thống kê thực sự đầy đủ về hiện tượng trái khoáy này nhưng quá trình “liên thông ngược” đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đáng phải suy ngẫm, nhất là khi bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” hiện vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Theo thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có hơn 225.000 người có trình độ từ ĐH trở lên bị thất nghiệp. Con số “biết nói” trên phần nào phản ánh một thực tế: Hiện có rất nhiều sinh viên, học viên cao học ra trường không tìm được việc làm phù hợp với các chuyên ngành đã được đào tạo. Để tồn tại, nhiều người đã phải tự tìm cho mình những ngả rẽ khác nhau. Trong số đó, có không ít người đã “giấu” bằng cử nhân, thạc sĩ để quay lại học trung cấp, mong có được việc làm ổn định sau khi ra trường.
Chỉ khi rơi vào tình cảnh cầm tấm bằng ĐH đi khắp nơi xin việc mà không được nhận, nhiều người trong số đó mới nhận ra rằng, ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. |
Có thể nhận thấy, tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn là một nỗi ám ảnh đối với nhiều học sinh hiện nay. Việc trở thành sinh viên ĐH đã trở thành một áp lực không nhỏ đối với mỗi học sinh bởi đó là cách để làm rạng danh gia đình, dòng họ. Trong nhìn nhận của nhiều người thì dường như bằng cấp được xem là “tấm vé” vào đời duy nhất khi cho rằng: Bằng cấp càng cao, cơ hội lập thân, lập nghiệp trong tương lai càng lớn. Dưới sức ép từ phía gia đình trong khi bản thân chưa nhận được những sự tư vấn hướng nghiệp phù hợp, không ít học sinh đã phải ra sức học, gắng sức thi để có thể đậu bằng được một trường ĐH nào đó mà không quan tâm nhiều đến sở trường nghề nghiệp của bản thân cũng như cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường.
Tình trạng dư thừa nhân lực lao động ĐH và sau ĐH còn bắt nguồn từ sự “lệch pha” giữa đào tạo và nhu cầu xã hội. Thời gian qua, việc gia tăng ồ ạt các trường đào tạo hệ ĐH cả trong và ngoài công lập cùng với đó là sự gia tăng quy mô tuyển sinh khiến số lượng người theo học ngày càng nhiều, tất yếu dẫn tới tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Điều đáng nói là, mặc dầu tăng số lượng các trường ĐH nhưng chất lượng đào tạo giữa các trường chưa đồng đều, nhất là giữa các trường trong và ngoài công lập. Chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, chưa thực sự chú trọng nhiều đến việc trang bị những kỹ năng thực hành khiến cho không ít sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc mà nhà tuyển dụng cần tới.
Sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền của Với những gia đình đang có con theo học ĐH xa nhà, chi phí chu cấp cho con để trang trải các khoản tiền sinh hoạt, ăn ở hàng tháng trung bình từ 2-3 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền đóng học phí. Như vậy, với 4-5 năm nuôi con học ĐH, mỗi gia đình phải chi phí hàng trăm triệu đồng. Đó thực sự là một số tiền lớn đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hay ở các vùng nông thôn, miền núi. Và như vậy, việc miệt mài một khoảng thời gian dài trên giảng đường ĐH, ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề khác để kiếm sống là một sự lãng phí rất lớn về thời gian và tiền của đối với bản thân, gia đình và xã hội. |
Trước tình trạng ngày càng có nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp phải “liên thông ngược” để tìm việc làm, nhiều người cho rằng đó là một nghịch cảnh đau lòng. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, dưới góc độ của nhà quản lý lao động, đó lại là một “bước lùi” cần thiết để người lao động có thể định vị lại bản thân, hướng tới những giá trị thực, khả năng thực. Tuy vậy, để không phải tốn thời gian, tiền của trả giá cho những sai lầm khi “ngồi nhầm” trường ĐH, mỗi phụ huynh, học sinh cần xác định rõ về mặt tư tưởng, rằng: cổng trường ĐH không phải là sự lựa chọn duy nhất. Bản thân mỗi học sinh cần căn cứ vào khả năng, sức học của mình để từ đó đưa ra quyết định có nên vào ĐH hay không. Nếu tự lượng thấy lực học của bản thân còn hạn chế, không đủ để có thể “vượt vũ môn” thì nên chọn cho mình một hướng đi khác phù hợp với thực tế hơn. Các trường trung cấp, dạy nghề có thể là địa chỉ để các em lựa chọn. Điều này càng đáng lưu tâm khi đất nước đang từng bước chuyển mình trong thời kỳ hội nhập, rất cần một đội ngũ nhân công có năng lực, tay nghề.
Bùi Tuấn
Bình luận (0)