Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Máy cắt giấy laser “made in” sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ với chiếc điện thoại di động kết nối internet, bất kỳ ai cũng có thể điều khiển máy cắt laser nghệ thuật kLaserCutter để tạo ra các tuyệt tác tranh cắt giấy mà không cần đến sự khéo léo của đôi tay.

Ngô Huỳnh Ngọc Khánh vinh dự gặp gỡ, đối thoại với Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa qua

Sản phẩm trên do sinh viên Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (lớp cử nhân tài năng chuyên ngành khoa học máy tính, Khoa CNTT Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) sáng tạo. Đây cũng là sản phẩm vừa đạt giải vàng Thiết kế chế tạo ứng dụng do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.

Dễ dàng tạo ra các tuyệt tác tranh giấy

Máy cắt laser nghệ thuật kLaserCutter được điều khiển từ xa thông qua thiết bị mạng IOT (Internet of thing). Theo đó, thiết bị sẽ truyền các dòng lệnh GCode xuống cho máy cắt. Dựa vào dòng lệnh, máy sẽ điều khiển laser, động cơ bước hoạt động theo những gì con người yêu cầu. Đối với 2 động cơ bước, máy sẽ yêu cầu chúng hoạt động để di chuyển bàn cắt, laser tới vị trí theo hệ tọa độ Oxy. Đối với laser, khi đưa đến vị trí cắt sẽ được bật lên và tiến hành khắc hoặc cắt trên vật liệu đã chọn. Thông qua cơ chế hoạt động này, máy có thể tạo ra những sản phẩm tranh cắt giấy sáng tạo, đẹp mắt vô cùng nhanh và chính xác, kể cả các chi tiết kỹ thuật cắt khó mà không cần đến sự khéo léo của đôi tay con người. Điểm nổi bật của kLaserCutter đó là kích thước khá nhỏ, chỉ 60cm x 15cm x 40cm, giúp người dùng thuận tiện sử dụng như các dụng cụ khoan, cưa… Mặt khác, kLaserCutter có thể lắp ráp và cất gọn mà không cần phải tháo laser.

Sản phẩm ra đời từ đam mê nghệ thuật Kirigami

Mô hình máy cắt laser nghệ thuật kLaserCutter (ảnh nhỏ)

Động lực khiến Khánh quyết tâm nghiên cứu, sáng tạo ra kLaserCutter xuất phát từ niềm đam mê môn nghệ thuật Kirigami (nghệ thuật cắt giấy truyền thống Nhật Bản). Tuy nhiên, do không khéo tay, mỗi lần cắt em thường cắt phạm giấy hoặc bị thương do lưỡi dao gây ra. Từ đó, Khánh đã nghĩ đến giải pháp đó là tạo ra một công cụ tự động cho mình, xa hơn nữa là cung cấp một công cụ tiện ích cho nhiều người khác cần đến nó. Và chiếc máy cắt laser nghệ thuật kLaserCutter đã ra đời.

Bước đầu Khánh tìm kiếm trên trang http://www. instructables.com, qua đó mới biết đến khái niệm máy cắt laser. Tham khảo thêm cách người ta làm ra những máy cắt laser từ những chiếc laser diode và ổ DVD-RW cho đến những máy cắt laser to hơn như máy scan, máy in màu, Khánh đã tự tay làm nên một chiếc máy cắt  từ 2 ổ đĩa DVD-RW với laser diode. Và hiện tại là kLaserCutter với nguyên liệu inox và nhựa mica bền bỉ theo thời gian.

Theo Khánh, so với các sản phẩm cùng tầm hoạt động 30 x 302 trên thị trường, giá sản xuất một bộ khung (bao gồm toàn bộ thiết bị, động cơ bước, mạch điều khiển nhưng không có laser và laser driver) vào khoảng 1 triệu đồng. Còn máy cắt laser nghệ thuật kLaserCutter điều khiển từ xa thông qua thiết bị mạng IOT có giáo dao động từ 4,5 đến 7 triệu đồng tùy công suất laser và tầm hoạt động.

Điều khiến Khánh tâm đắc là máy không chỉ nhỏ gọn, điều khiển bằng một chiếc điện thoại mà nhiều người có thể sử dụng, trong đó có cả những người đam mê môn nghệ thuật Kirigami nhưng không khéo tay như em.

Khánh cho biết thêm, máy cắt laser hiện nay đang dần thay thế con người trong lĩnh vực gia công mỹ thuật. Tuy nhiên, người dùng phổ thông như sinh viên mỹ thuật, kiến trúc sư, người chế tác muốn cắt giấy để tạo mẫu vẫn chưa thể tiếp cận công nghệ laser này tại nhà vì sự cồng kềnh và khó sử dụng của nó. “Với chiếc máy của mình, em mong muốn có thể giúp nhiều người tạo ra các tuyệt tác tranh cắt giấy mà không cần đến sự khéo léo của đôi tay”, Ngọc Khánh cho biết.

Trinh Ngọc

Bình luận (0)