Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Làng rượu cần dưới chân núi Langbiang

Tạp Chí Giáo Dục

Niềm vui của bà con với sản phẩm do chính mình làm ra

Nằm lặng lẽ bao đời dưới chân núi Langbiang huyền thoại – một bon (buôn) nhỏ của tộc người Lạch hiền lành sống tựa vào cỏ cây, muông thú… Sáng, chiều lên nương, đêm về quây quần bên bếp lửa thao thức làm ra những chóe rượu cần sóng sánh men say ngây ngất giữa đại ngàn…

Làng rượu cần không… tuổi

Theo chân chàng trai Cil Khơi, Phó chánh Văn phòng UBND thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (cũng là người con của buôn làng), tôi đã len lỏi vào các hộ gia đình người Lạch (một nhóm thuộc tộc người bản địa Kơ Ho sống lâu đời nhất ở Lâm Đồng) để tìm hiểu làng rượu cần không… tuổi này. Gọi “Làng rượu cần không tuổi” bởi hầu hết người dân sống bao đời nay ở đây không ai biết cái nghề làm rượu cần ở Bon Langbiang có tự bao giờ? Ai là “ông tổ” đã truyền bí kíp nghề làm rượu cần hết sức độc đáo để bao nhiêu thế hệ con cháu nối truyền nhau cho đến tận hôm nay…

Duy chỉ biết nghề làm rượu cần ở Bon Langbiang được lưu truyền, tiếp nối trong mỗi gia đình người Lạch cứ âm thầm như dòng Đạ Nhim thấm vào từng thớ đất, chảy trong mạch ngầm của buôn làng này. Bà Pang Ting Jí (72 tuổi, ở buôn Bon Dơng I) hay bà Kră Jăn Dềt (60 tuổi, ở buôn Bon Dơng II) – thị trấn Lạc Dương đều cho chúng tôi biết nghề làm rượu cần của gia đình mình được truyền từ đời bà cố, đến đời mẹ, đời các bà và bây giờ các bà đã và đang truyền lại cho con cháu… Cứ vậy, nhiều gia đình trong Bon Lạch lưu giữ nghề làm rượu cần cho đến nay đã hơn bốn thế hệ rồi.

Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) được thành lập năm 1979, song nghề làm rượu cần (cùng với dệt thổ cẩm và cồng chiêng) đã tồn tại trước đó rất lâu và đều không có… tuổi. Cồng chiêng và rượu cần trở thành mạch nguồn, sản phẩm văn hóa tâm linh của tộc người Kơ Ho – Lạch, Kơ Ho – Cil dưới chân núi Mẹ Langbiang. Hiện nay, Bon Langbiang có 644 hộ với 2.603 nhân khẩu; trong đó, hơn 500 hộ dân tộc thiểu số (DTTS). Người Lạch ở Bon Langbiang sống bằng nghề làm lúa nước, trồng cà phê và làm rượu cần. Nghề làm rượu cần được xem là công việc phụ lúc nông nhàn và chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình, làng bản mỗi khi có lễ, Tết, hội hè, cưới hỏi, tang ma… Cồng chiêng và rượu cần gắn liền với đời sống tâm linh, luôn hiện hữu trong vui, buồn, sướng, khổ… của người TDTS Tây Nguyên nói chung, đối với người Lạch ở Bon Langbiang nói riêng. Cồng chiêng là cung bậc của tâm thức, rượu cần là mạch nguồn, thức uống tâm linh!

Già làng Krajan Plin ở buôn Đăng Gia cho biết, các gia đình tộc Lạch ở Langbiang đều làm rượu cần và hầu hết phụ nữ đều biết và làm rượu cần giỏi hơn nam giới. Để có một chóe rượu cần ngọt dịu, thơm ngon, kỹ thuật và các công đoạn cũng lắm công phu. Nguyên liệu chính là bắp (ngô), các loại gạo, ngon nhất là gạo lức; tất cả được nấu chín, để nguội rồi trộn với men và trấu cho vào chóe (hũ đựng), bịt nắp thật chặt, đem cất trong nhà… Rượu cần Langbiang có bí quyết riêng, đó là lúa trồng trên rẫy và men rừng (lá, vỏ, rễ của cây dòng). Loại rượu cần được làm theo công thức này rất thơm, thanh khiết, càng để lâu ngày càng ngon và rất quý. Ngày nay, men để làm rượu cần đều là men công nghiệp bán ở chợ, gạo cũng không phải gạo rẫy nên chất lượng không bằng rượu cần ngày xưa… Tuy vậy, rượu cần Langbiang với kỹ thuật thuần thục và bí kíp lưu truyền cứ ngây ngất men say đối với những ai mỗi khi được vít cần…

Làng nghề truyền thống

Theo chế độ mẫu hệ, việc phân công lao động trong gia đình người Kơ Ho – Lạch rất rõ ràng: Đàn ông làm rẫy, làm ruộng, chăm sóc cà phê; đàn bà làm rượu cần, dệt thổ cẩm hay đan lát. Do đó, phụ nữ Lạch rất giỏi nghề làm rượu cần và là người quyết định việc lưu truyền nghề cho thế hệ con cháu.

Bà  Kră jăn Dệt (buôn Bon Dơng II)

Gia đình bà Pang Ting Jí (ở buôn Bon Dơng I) là hộ làm rượu cần nhiều nhất buôn. Nhà có 6 người con gái đều được bà dạy nghề làm rượu cần từ khi còn bé, hiện nay các con gái đã “bắt chồng” và tiếp tục nghề làm rượu cần. Dù năm nay đã gần 80 mùa rẫy nhưng bà Pang Ting Jí rất khỏe mạnh cùng con cháu giữ lấy cái nghề của tổ tiên. Mỗi tháng, gia đình bà làm khoảng 10 chóe rượu cần các loại chóe (5 lít, 6 lít, 10 lít). Loại chóe dung lượng 10 lít hiện được bán 350.000 đồng/chóe; (chóe nhỏ hơn thì giá thấp hơn). Bà Kră Jăn Dềt (buôn Bon Dơng II), chồng “khuất núi” hơn 20 năm rồi, nhưng nhờ nghề làm rượu cần bà đã nuôi dạy năm đứa con ăn học thành người. Ngoài chăm bón 3 sào cà phê, tối nào người phụ nữ này cũng thao thức chiết lọc từ nước mắt, mồ hôi để làm ra những chóe rượu cần trắng đục, ngọt thơm bán kiếm tiền. Nhờ đó, tất cả năm người con của bà đều được học cái chữ. Nụ cười răn reo, sám khói tro tranh nhưng rạng ngời niềm tự hào, bà Kră Jăn Dềt cho biết: “Con gái mình là Brin đã tốt nghiệp ĐH Đà Lạt giờ là giáo viên dạy học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lạc Dương đấy”…

Già làng Krajan Plin cho biết thêm, nghề làm rượu cần ở Bon Langbiang diễn ra hàng tháng, thường ngày nhà nào cũng có 5-7 chóe; song, vào mùa nắng Tây Nguyên – Tết Nguyên đán về và cũng là mùa du lịch thì nhà nào cũng sáng đèn thâu đêm để làm thêm nhiều chóe rượu cần phục vụ du khách. Đặc biệt, ở cái bon nhỏ chỉ vài ngàn dân quần tụ trong khu vực chừng 1km² mà có đến 11 nhóm cồng chiêng hoạt động. Các hộ dân làm rượu cần ở đây chủ yếu bán cho các điểm biểu diễn văn hóa cồng chiêng này để phục vụ du khách, một số hộ gửi bán tại các điểm du lịch ở Đà Lạt…

Từ một làng nghề “tự túc, tự cấp” và không có… tuổi trở thành một “Làng nghề truyền thống” cùng với các chính sách khuyến khích về mặt bằng sản xuất, đầu tư tín dụng, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực… đã làm cho cộng đồng Bon Lạch nhỏ dưới chân núi Mẹ Langbiang vô cùng phấn khởi, tự hào.

Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG

Xác định cồng chiêng và rượu cần không chỉ là sản phẩm văn hóa tinh thần mà còn là những “món độc” thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng đất này, những năm gần đây lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và huyện Lạc Dương đã có nhiều chủ trương quan tâm phát triển các “thương hiệu” đặc trưng vốn quý này. Cồng chiêng và rượu cần Langbiang ngoài được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận nhãn hiệu sở hữu trí tuệ, ngày 19-10-2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định “Công nhận làng nghề làm rượu cần Bon Langbiang, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương đạt tiêu chí Làng nghề truyền thống”.

 

Bình luận (0)