Cùng với phóng sự nói, phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình, phóng sự viết đã một thời nổi đình nổi đám tạo nên một lực hút mãnh liệt đối với độc giả khi cầm một tờ báo trên tay.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – đại diện Hội Nhà báo TP.HCM – trao giấy khen cho các phóng viên đoạt giải báo chí hàng năm |
Những thiên phóng sự để đời
Đó là thời kỳ “ăn nên làm ra” của các tờ báo giấy khi lượng phát hành lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn bản. Sau khi coi qua tin tức thời sự, bạn đọc lại có niềm đam mê lớn hơn là dành thật nhiều thời gian để “gặm nhấm” từng thiên phóng sự in trong trang ruột. Chính những câu chuyện kể về số phận con người xa lạ, những miền đất chưa một lần đặt chân đến được đề cập trong bài phóng sự xã hội đã cuốn hút văn hóa đọc của con người ở mọi độ tuổi và thành phần. Nếu trước đó, các phóng sự thời bao cấp chỉ dạo chơi trên các lĩnh vực thuần chất với không khí yên bình và tinh thần ngợi ca thì các phóng sự sau này bắt đầu có sự cựa mình rõ nét. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – Hội Nhà báo TP.HCM nhớ lại: “Đó là những năm bắt đầu đổi mới tức là sau năm 1986, khi đó báo chí cũng được đổi mới theo không khí và tinh thần đổi mới của đất nước. Báo chí được nói thẳng nói thật nhiều hơn. Cái mới đến nhưng chưa đủ át cái cũ, bây giờ rất nhiều điều mới lộ ra như những câu hỏi nhức nhối. Đây chính là lúc phóng sự điều tra có đất tung hoành, người viết phóng sự điều tra có đất dụng võ”.
Không còn là chuyện cưỡi ngựa xem hoa, các cây bút đã biết đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, đến với những thân phận éo le hơn của cuộc đời. Những nhân vật “quần là áo lượt” trong phóng sự đã bắt đầu nhường chỗ cho những số phận bèo bọt, thấp hèn. Đó có thể là phu kéo xe, người làm thuê, trẻ đánh giày, kẻ bán vé số lang thang cơ nhỡ… nói chung là những góc khuất và thân phận đôi khi gần dưới đáy xã hội. Nếu các loạt bài phóng sự trên Báo Lao động đi sâu ghi chép, miêu tả mang màu sắc ký sự thì các bài phóng sự trên Báo Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Công an TP.HCM lại sử dụng nhiều chi tiết sự kiện có nhiều yếu tố sự kiện hơn.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình – cây bút chuyên viết mảng phóng sự xã hội của Báo Tuổi trẻ |
Cũng nhờ cái “phao” phóng sự với các đề tài như Ký sự đường xa, Ký sự pháp đình, Sài Gòn by night... mà nhiều PV tên tuổi bắt đầu được bạn đọc đón nhận như Binh Nguyên, Vũ Bình, Hàng Chức Nguyên, Huỳnh Dũng Nhân, Thủy Cúc, Nguyễn Tường Lộc, Trần Yên, Cù Mai Công, Vương Liễu Hằng, Quốc Việt, Võ Đắc Danh… Để có những bài báo hay có sức thuyết phục các nhà báo đã hóa thân thành những nhân vật tham gia sự kiện. Lúc thì giả dạng xe ôm, bán vé số lúc thì hành nghề đánh giày, nhập vai cò vé… Những câu chuyện kể trong phóng sự là của chính người viết chứ không phải là của nhân vật nên có sức thuyết phục cao. Các phóng sự điều tra cũng rất hấp dẫn bởi vì các nhà báo xông pha dám đột kích vào những góc khuất của các tệ nạn xã hội kịp thời đưa ra ánh sáng những mảng tối của đời sống kinh tế thị trường. Cũng nhờ tinh thần xả thân mà các PV đã đưa lên mặt báo những câu chuyện đời đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhưng yếu tố làm say lòng bạn đọc qua từng trang phóng sự chính là sự đồng cảm của bạn đọc đối với những thân phận mà trước đó mình quá thờ ơ. Những câu chuyện đời đi ra từng trang báo đã chạm đến trái tim yêu thương của nhiều bạn đọc để họ có con mắt nhìn khác hẳn với thế giới xung quanh. Phóng sự đã trở thành cầu nối tình cảm giữa nhân vật với độc giả, giữa độc giả với người viết. Nhờ phóng sự mà con người không chỉ biết nhìn lên mà đã biết nhìn xuống những thân phận thấp hơn mình để có sự chia sẻ, đùm bọc. Người trong cuộc cũng cảm thấy hạnh phúc và đáng sống hơn. Nhờ báo chí mà nhiều ranh giới khoảng cách giữa người với người dần được xóa bỏ. Một số bài phóng sự đã thúc đẩy thêm các hoạt động xã hội và công tác từ thiện càng thể hiện tính nhân văn cao đẹp.
Thay đổi xu thế làm báo và đọc báo
Cần giữ phong cách riêng cho thể loại phóng sự trên báo Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khẳng định, nói gì thì nói phóng sự vẫn có độc giả, báo in vẫn có thị phần, và lực lượng viết phóng sự vẫn đầy tiềm năng để duy trì và phát triển một thể loại phóng sự đa dạng, phong phú đầy tính văn học rất hấp dẫn như ngày nào: “Như một nhà văn đã từng nói, nhờ có phóng sự mà báo in mới cạnh tranh được với báo nói, báo hình và nay là báo mạng. Nhưng ban biên tập các báo muốn duy trì và phát triển được loại phóng sự này tôi nghĩ cần có sự kiên nhẫn, cần giữ phong cách riêng cho thể loại vua này trên báo mình, và cần nhất là chính ông tổng biên tập cũng phải… yêu phóng sự”. |
Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – hội viên Hội Nhà báo TP.HCM, mỗi bài báo đều có một hiệu ứng xã hội riêng, khó có thể có một hiệu ứng chung cho từng bài báo. Có bài, hiệu ứng ở cách nhìn cách nghĩ và thái độ tiếp nhận vấn đề của bạn đọc. Có bài lại có hiệu ứng ở cách tác động vào sự việc sau khi bài báo nêu ra vấn đề: “Nếu cho tôi lấy một dẫn chứng, thì tôi sẽ lấy bài phóng sự Vết xe lăn trên cát Long Hải của tôi để làm ví dụ. Bài này tôi viết khoảng 25 năm trước, khi ấy đơn vị điều dưỡng thương binh này có ít nhiều vấn đề tiêu cực, và chưa được sự quan tâm giúp đỡ của xã hội, các ban ngành, đoàn thể… Nhưng sau khi bài này và một số bài của các báo khác đến với bạn đọc, nơi đây đã có một sự thay đổi khá lớn. Đơn vị điều dưỡng thương binh được khắp nơi đến thăm hỏi và giúp đỡ, chính đơn vị cũng thay đổi một cách tốt đẹp. Bản thân tôi cũng gắn bó như người nhà với anh em thương binh ở đơn vị cho tới bây giờ”.
Tuy nhiên theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, gần đây so với phóng sự ảnh, phóng sự nói, phóng sự truyền hình thì thể loại phóng sự viết đang có chiều hướng co hẹp lại. Nguyên nhân chính có thể “quy kết” từ độc giả thiếu mặn mà, do chất lượng bài báo hay do xu thế phát triển của báo chí. Đây cũng là ý kiến của nhà báo Nguyễn Vũ Bình – Trưởng ban Chính trị xã hội, Phóng sự – ký sự (Báo Tuổi trẻ) khi đánh giá sắc diện của thể loại phóng sự báo chí: “Theo dõi các tờ báo tôi thấy so với 10 năm trước đây các bài phóng sự đã giảm ít đi kể cả Báo Tuổi trẻ. Để có những thiên phóng sự đặc sắc như trước đây rất khó tìm”. Không chỉ bạn đọc mà người làm báo cũng đang ngậm ngùi với thân phận thể loại này. Về lý do chủ quan nhà báo Vũ Bình cho biết, nếu trước đây báo giấy còn độc quyền khi các thể loại báo khác chưa phát triển thì hiện nay các phương tiện truyền thông khác đang tìm cách lấn lướt. Do bị truyền hình, báo mạng lôi kéo độc giả không còn thời gian nghiền ngẫm báo giấy như trước. Theo nhà báo Vũ Bình, báo chí luôn tôn trọng thể loại phóng sự và dù trong hoàn cảnh nào vẫn coi là đặc sản của tờ báo. Mà đã là đặc sản đem đến những khẩu vị riêng thì nhiều người yêu thích nên không thể bỏ đi hoặc mai một được. Vì thế, trước hết là sự nhìn nhận của ban biên tập báo cần phải quan tâm hơn nhất là trong giai đoạn khủng hoảng. Vì thế có nhiều tờ báo tìm ra cơ chế phù hợp luôn ưu tiên dành đất cho phóng sự như trả nhuận bút cao, tổ chức các cuộc thi viết phóng sự hàng tháng, bình chọn bài báo hay để nuôi dưỡng phóng sự trên mặt báo. Có như vậy mới tạo được lửa và chất men say cho lực lượng “bộ binh phóng sự”.
Bài, ảnh: Ngọc Quang
Bình luận (0)