Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhà báo nói về nghề báo: Kỷ nguyên thách thức và sáng tạo lại

Tạp Chí Giáo Dục

Gắn bó lâu năm với nghề, nhà báo Thẩm Tuyên, nguyên Phó Tổng Biên tập các báo Người lao động, VietNamNetPháp luật TP.HCM đã có những đánh giá chung diện mạo cũng như các hoạt động báo chí hiện nay tại Trung ương và các địa phương…

Độc giả xem triển lãm báo xuân 2016 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM)
Nhà báo Thẩm Tuyên

Nhà báo Thẩm Tuyên nói: Nếu chỉ bằng quan sát và cảm nhận, một cách chủ quan, tôi xin nói, đến giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này hoạt động báo chí và nghề báo của chúng ta đang đối diện với một quá trình chuyển động chưa định hình. Có thể tóm gọn trong ba từ: Sự biến dạng, sự lệch lạc và sự méo mó.

Nói biến dạng là xét về mặt khung cảnh. Báo chí truyền thống, nhất là báo in, tiếp tục đóng vai trò công cụ nhưng vẫn phải tự lực cánh sinh trong khi nền tảng kinh tế của nó biến đổi hoàn toàn, thói quen đọc báo cũng thay đổi tận gốc, chỉ trừ một thiểu số không thể tiếp cận được với các phương tiện mới: laptop, tablet, smartphone…

Nhiều hệ sinh thái truyền thông – báo chí mới ra đời trong bối cảnh này một cách tự phát với mục đích đi tìm lợi nhuận khủng, không ít trong số đó bỏ qua những chuẩn mực báo chí truyền thống: Trách nhiệm đối với công chúng, chức năng thông tin dẫn dắt xã hội, chức năng tranh luận nhiều chiều một cách khoa học và những chuẩn mực tối thiểu của đạo đức nghề nghiệp. Tôi muốn nói tới khái niệm déontologie chứ không phải luân lý cổ hủ. Thật ra, tôi không tin lắm ở sự phát triển tự phát của các hệ sinh thái mới này mà dường như có bàn tay dẫn dắt của ai đó, hoặc cố tình hoặc vô ý, nhưng đều hướng đến tiền. Và, cuối cùng, nếu so với các nền báo chí phát triển, chúng ta thật sự không có tờ báo nào đủ tầm “ông lớn” để cạnh tranh hướng dẫn dư luận trước các hệ sinh thái hỗn tạp mới hình thành. Đâu đó chỉ có mệnh lệnh hành chính mà xét về bản chất, loại mệnh lệnh này không thể chi phối toàn bộ thị trường thông tin truyền thông thời đại số.

Về sự lệch lạc, theo quan sát của tôi đó là xét trên bình diện bản lĩnh nghề nghiệp. Báo chí, người làm báo và độc giả của chúng ta đã không được chuẩn bị cho một sự bùng nổ thông tin và phương tiện truyền thông xuyên biên giới và tương tác tự động liên xã hội. Những thông tin lệch lạc, những thông tin đánh đấm kiểu về hùa sẽ ngày càng nhiều mà không ít khi không gây hại nặng nề cho ai đó, để rồi chỉ rút kinh nghiệm là “nóng vội”.

Sự méo mó trong hoạt động báo chí, nó xuất hiện trong việc thực hiện chức năng đi tìm sự thật, phản ánh sự thật, tranh luận khoa học và phản biện… khi mà các quyền ghi trong Hiến pháp chưa được luật hóa đầy đủ để bước vào thời đại truyền thông liên xã hội. Sự lệch lạc trong suy diễn, đồn đoán sẽ có cơ hội phát triển mạnh trong bối cảnh đó. Toàn bộ những biến dạng, lệch lạc, méo mó phản ánh trong bức tranh thông tin lá cải đang lan truyền trong đời sống xã hội, chi phối đại bộ phận người đọc tin, không chỉ ở tầng lớp bình dân. Thông tin chính thống giới hạn ở một bộ phận không lớn người tìm đọc.

PV: Báo chí hiện nay cũng đang đứng trước những thách thức mới. Ông có thể cho biết những thách thức và khó khăn hiện nay của báo chí nhất là loại hình báo in?

Nhà báo Thẩm Tuyên: Một phần của câu hỏi này tôi đã trả lời ở trên. Ở đây tôi xin trình bày một cái nhìn toàn cảnh từ nước ngoài và chúng ta tự rút ra kết luận về thách thức cụ thể. Nghề báo (journalism) vẫn tồn tại nhưng báo chí (press) tương lai chỉ còn chiếm một phần nhỏ hòa lẫn trong ổ bánh lớn mang tên “web nội dung” bao gồm các trang viral, các tên tuổi truyền thống trong làng báo in, trang tin tổng hợp và những chuyên trang địa phương. Tất cả những hình thức web nội dung đó đánh thẳng vào nền tảng kinh tế của báo in truyền thống là quảng cáo.

Báo Giáo dục TP.HCM là tờ báo ngành của một địa phương. Theo ông tờ báo cần có những tiêu chí gì riêng và phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM phải có những định hướng đặc thù nào để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình?

Ở phân khúc báo chí truyền thống, thị phần sẽ tập trung trong tay một vài cơ quan lớn vì tin tức bây giờ quá nhanh và dễ kiếm. Những tờ báo chỉ đưa tin thuần túy và thiếu bản sắc sẽ không đủ sống. Quảng cáo đã ít mà lưu lượng còn phải chia bớt cho các trang tin, phần mềm tổng hợp như Flipboard, Pulse, baomoi.com

Báo chí có chất lượng muốn tồn tại được phải có nguồn nội dung riêng hoặc nguồn độc giả riêng. Cụ thể là những tờ báo, nhất là tạp chí, có bài bình luận, phân tích chuyên sâu mà những trang tạp nhạp không dễ gì xào nấu lại. Không nhanh thì phải sâu. Những diễn biến và thách thức đặt ra đối với báo chí phát triển ở phương Tây lặp lại ở Việt Nam gần như giống hệt. Có khác chăng là cái toàn cảnh đó diễn ra trên cái nền dân trí khác, tổ chức xã hội cao hơn, ý thức về quyền và nghĩa vụ rõ ràng hơn. Ở đó, các ông chủ báo có đầy đủ quyền để quyết định sự sống chết của tài sản vật chất và giá trị tinh thần mà họ đã tạo ra và độc giả của họ có đủ trình độ để phân biệt giải trí mua vui và quan điểm.

Báo Giáo dục TP.HCM là một tờ báo chuyên ngành tưởng hẹp mà không hẹp vì công chúng đọc báo quan tâm sâu sắc đến giáo dục. Hơn nữa, trước một nền giáo dục nặng từ chương nhẹ đào tạo con người và không gắn với thế giới nghề nghiệp, công chúng đó phải đơn độc, vất vả hàng ngày xác định hướng đầu tư vào đời cho con cái họ. Đó là một lợi thế. Vấn đề là xác định kỹ lại nhóm độc giả mục tiêu, định hướng nội dung đấu tranh vì quyền lợi của người sử dụng dịch vụ giáo dục, vì một nền giáo dục mới, của các nước mà ai cũng mong muốn đưa con mình sang “tị nạn giáo dục”. Xác định những thể loại tạo sự khác biệt: phóng sự, điều tra, bình luận, giải mã thông tin… Và, nếu cần thiết, phải có quyết định hợp thời, tập trung toàn lực cho báo điện tử. Vấn đề là sức mạnh của ngôn luận và hiệu quả chứ không phải ở loại hình.

Dù chịu áp lực cạnh tranh, nhưng có những tờ báo vẫn trụ lại được và vẫn có nhiều độc giả đón nhận. Theo ông đâu là “bí quyết nhà nghề” trong chuyện này?

Ngoại trừ những tờ báo Nhà nước thực hiện chức năng nhiệm vụ riêng được ngân sách đài thọ hoàn toàn, khó có tờ báo nào có thể tự tin để nói rằng “trụ lại được mãi mãi” trong giai đoạn chuyển đổi này. Nguồn thu của những tên tuổi lớn nhất trong làng báo in của chúng ta cũng đang sụt giảm hàng ngày nói chi đến những tờ báo nhỏ mà nền tảng kinh tế báo chí không bền vững. Lại thêm bệnh dễ dãi, thấy Thanh niên kiếm ăn được với dấu ấn thông tin an toàn thực phẩm, hàng loạt tờ báo khác bắt chước theo. Không có sáng tạo nào mới.

Sự sáng tạo trong một môi trường “thích ứng hay là chết” là một thách thức nghiêm trọng nhất. Nhưng dù sao, những sáng tạo trong bút pháp, thích ứng với thời đại, nghiên cứu lựa chọn phân khúc độc giả chủ lực và nhu cầu của họ ở báo chí, web nội dung thế giới là một gợi ý quan trọng. Tôi nghĩ rằng, Báo Giáo dục TP.HCM còn khá rộng đường nếu đứng trên quan điểm này.

Trên mặt báo nhiều thể loại báo chí như tin, phóng sự ảnh, phỏng vấn, xã luận… vẫn được duy trì nhưng lại có một số thể loại như ghi chép, ký sự, phóng sự… không được mặn mà như trước. Vậy đâu là nguyên do của thực trạng này.

Câu hỏi kinh điển của các tòa soạn trong việc xây dựng kế hoạch nội dung tờ báo hàng ngày “Có gì mới?”, đã trở nên lỗi thời. Trừ những thông tin độc quyền hiếm hoi, thời đại internet đề ra câu hỏi mới: “Làm sao đưa nhanh nhất?”. Và rõ ràng báo in không có lợi thế này.

Chi tiết hơn, người làm báo hôm nay phải tái sáng tạo lại nghề báo. Phải nuôi dưỡng điều tra, phóng sự, phân tích ở tầm chuyên gia vốn đã tồn tại trong nền báo chí truyền thống với những thực hành của báo chí mới: Hội thảo và tranh luận online, tương tác giữa các nguồn thông tin, sử dụng hợp lý video, audio và liên kết thông tin siêu văn bản… Đã có nhiều bằng chứng về một thế hệ báo chí và nhà báo mới ra đời.

Tóm lại, báo chí truyền thống tàn lụi là một thực tế bởi vì họ không còn độc quyền nguồn tin tức cũng như nguồn lợi quảng cáo. Dĩ nhiên, đồng tiền dễ kiếm khiến cho các trang vô bổ, lá cải, đầu độc dân trí nở rộ. “Kiếm tiền” và “báo chí có chất lượng” là hai khái niệm dường như ngày càng không sống chung với nhau. Vấn đề ở chỗ: Chọn góc nhìn bi quan hay lạc quan. Tất cả tùy ở mỗi người làm báo, mỗi tờ báo.

Xin cảm ơn ông.

Hương Thủy (thực hiện)

 

Bình luận (0)