Kế hoạch tích hợp môn lịch sử của Bộ GD-ĐT chưa biết sẽ đi tới đâu, nhưng việc gộp chung môn này với giáo dục công dân và quốc phòng an ninh rõ ràng cho thấy đã mất đi một cái tên “lịch sử”. Dù đúng dù sai, có cái lợi cho học sinh, có cái lợi cho giáo viên ở đâu không biết, nhưng những nhà sử học, giáo viên dạy lịch sử… đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Họ yêu cầu không tích hợp mà phải giữ lại môn học với cái tên lịch sử.
Nên nhớ rằng, lịch sử trước hết là một môn khoa học và nó là khoa học lịch sử, tương tự như âm nhạc, toán học, vật lý… vậy thôi. Lịch sử không thể là chính trị, không là an ninh, càng khó thể là địa lý. Số học giả khác thì tin rằng, có thể gộp chung nhưng phải là cái riêng! Cái riêng đó phải luôn trong tiềm thức của thế hệ dân Việt sau này (hiểu nôm na là có chương mục trong một sách giáo khoa mới nào đó, phải dạy nội dung lịch sử độc lập…).
Nếu phải và cần thiết biết 1+1=2, 2×5=10 trong toán học, thì con người ta phải học và biết sơ lược lịch sử nước nhà. Cần thiết phải biết quá trình lập nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta… Đây là những tri thức khoa học lịch sử, khi xây dựng sách giáo khoa phải làm nổi bật được tri thức đó và có cái nhìn khách quan về những dữ kiện lịch sử. Với tâm thế cải cách, tích hợp và soạn sách giáo khoa như trên sẽ khỏi lo sự chán bỏ môn lịch sử của học sinh.
Khi lịch sử mất đi, ai ai cũng mường tượng đến việc cắt xén bớt nội dung khi “sáp nhập” chung với các môn học khác. Bên cạnh yêu cầu giữ lại môn lịch sử là môn học độc lập, là nỗi băn khoăn của các chuyên gia về cách thức dạy học và đánh giá môn này. Yêu cầu xây dựng chương trình nhẹ nhàng, lối trao dẫn tri thức lịch sử một cách tiệm tiến. Lối dạy hấp dẫn và cách đánh giá tạo động lực cho học sinh chứ không cưỡng ép để lấy điểm.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)