Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sách 3D hấp dẫn trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Lần đầu tiên, sách 3D với công nghệ thực tế ảo, đưa cả những đoạn phim vào trang sách xuất hiện tại Việt Nam.

Những cuốn sách 3D kỳ diệu đang bắt đầu xuất hiện tại thị trường sách Việt Nam. Các ấn bản 3D chủ yếu gắn liền với việc học (ngoại ngữ) hoặc sách khoa học, mang tính tham khảo. Trong thời buổi việc học hành luôn là gánh nặng đè lên vai học sinh theo kiểu “ép buộc”, sách 3D với tính giải trí cao đã phần nào giúp giảm bớt áp lực căng thẳng cho các em khi học. Ngoài ra, sách 3D cũng được xem là phương tiện giao lưu giữa các thế hệ trong gia đình.

Đang là xu hướng

Một số ấn phẩm sách 3D lần lượt xuất hiện gần đây có chủ đề thiên nhiên hoang dã như: “Khủng long”, “Những loài thú lớn họ mèo” hay chủ đề “Chiến binh”, “Hiệp sĩ”… (Huy Hoàng Book Store, NXB Phụ nữ, NXB Mỹ thuật), “Animal Kingdom”, “ABC Fruits” (NXB Thanh niên)…

Hình ảnh ngộ nghĩnh, sống động trong cuốn sách 3D “ABC Fruits”
Hình ảnh ngộ nghĩnh, sống động trong cuốn sách 3D “ABC Fruits”

Khi mà trẻ thường xuyên bị “ép” học, trở nên thụ động bởi những kiến thức được “nhồi nhét” theo kiểu “công nghệ”, ít cảm xúc và khả năng sử dụng hiệu quả kiến thức không cao, sự xuất hiện của sách 3D là một trong những món ăn tinh thần kết hợp tri thức tuyệt vời làm tăng khả năng phát triển tư duy, nhận thức hình ảnh cho các em. Những trang sách 3D với thiên nhiên và cuộc sống được tái hiện sống động, chứ không khô cứng như sách truyền thống, sẽ tạo nên những hiệu ứng kích thích trí tưởng tượng của trẻ, có sức lôi cuốn lớn. Dần dần, kiến thức ăn sâu vào tiềm thức của trẻ mà không cần “ép buộc”.

Nhiều cuốn sách 3D phải dùng kính 3D để đọc. “Animal Kingdom” và “ABC Fruits” có thể coi là những cuốn sách 3D đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào sách, không dùng kính 3D. Độc giả tải phần mềm đọc sách về điện thoại, máy tính bảng, soi ống kính camera vào trang sách sẽ thấy hiện lên cả những đoạn phim. Chẳng hạn, khi lia ống kính vào trái chuối sẽ thấy hiện lên chú báo đốm dũng mãnh, oai vệ đi lại, nhảy lên hoặc nằm xuống quanh những hình ảnh 3D của chuối, vừa gầm gừ vừa mời học tiếng Anh. Độc giả nhấn vào trái chuối sẽ được nghe giải thích bằng tiếng Việt, nhấn vào hình ảnh chiếc loa màu đỏ sẽ được nghe phát âm tiếng Anh từ “chuối” (banana)…

Giá không rẻ

Giá sách 3D có thể trở thành vấn đề đối với phụ huynh bởi trung bình một cuốn được bán khoảng 150.000 đồng. Sách càng dày, tập hợp càng nhiều hình ảnh thì giá càng cao, có thể lên tới 200.000 đồng.

Do nhà sản xuất phải mua bản quyền sử dụng hình ảnh 3D từ nhà cung cấp gốc, tất cả đều thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài, nên giá bản quyền khá cao, chi phí sản xuất khó có thể hạ thấp cho phù hợp với thị trường Việt Nam. Hiện tại, chưa có sách 3D nào tận dụng được hình ảnh xuất xứ Việt Nam để giảm giá thành.

Theo nghiên cứu của nhiều tổ chức, trong xã hội Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều bậc cha mẹ sử dụng điện thoại thông minh nhưng việc tận dụng các tính năng thông minh của máy chỉ dừng lại ở việc truy cập internet, chơi game. Những smartphone này hầu hết chưa được dùng để đọc sách điện tử dù các nhà phát hành sản phẩm e-book đã rất cố gắng quảng bá, tăng chiết khấu, tặng quà… Mức giá thông thường của các e-book khá rẻ, chỉ 10.000-30.000 đồng/cuốn sách. Thế nên, việc phát triển những ấn phẩm sách 3D thu hút người đọc tận dụng tính năng thông minh của các smartphone cũng là xu hướng tốt, tránh lãng phí.

Những cuốn sách 3D độc đáo có thể trở thành công cụ tối ưu để các bậc phụ huynh lựa chọn nhằm nâng cao nhận thức, tư duy sớm cho trẻ, khi họ có thể cùng con vừa xem sách vừa nghe phát âm và cùng học tiếng Anh. “Tiếp xúc phương tiện sách 3D, bất cứ trẻ em nào cũng có thể trở nên… mê học. Những rào cản khiến môn học ngoại ngữ trở nên khó nhằn đã phần nào được dỡ bỏ. Khi tri thức được minh họa một cách hấp dẫn, sống động và tích hợp nhiều phương tiện, sách 3D không chỉ là sản phẩm lôi cuốn trẻ em mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng có thể trở thành độc giả của các bộ sách “chơi mà học” này” – một nhà làm sách 3D tự tin.

Bài và ảnh: Hòa Bình (NLĐ)

 

Bình luận (0)